Chị Nguyễn Thị Thu Ninh (sinh năm 1965), Hiệu trưởng Trường THPT Sông Công, một trường có thương hiệu của tỉnh. Các đồng nghiệp của chị đều có chung nhận xét: Chị là người phụ nữ tự tin, nhanh nhẹn và hết sức gần gũi, chân thành.
Tốt nghiệp điểm thủ khoa, cô sinh viên Khoa Hóa Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên) về công tác tại Trường Kỹ thuật Sông Công, bây giờ là Trường THPT Sông Công. Thời gian đó, chị chỉ được phân công dạy 1 lớp và đảm nhiệm công tác hành chính của Trường.
Năm 1989, chị mới được giảng dạy đúng chuyên môn đào tạo. Đây là cơ hội nhưng cũng là thử thách vì tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ. Song chị luôn tự phấn đấu và 3 lần liên tiếp đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Ngày càng nhiều học sinh được chị dìu dắt đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, rồi nhiều học sinh đỗ đại học với điểm 10 môn Hóa. Nhiều học trò của cô đã trở thành những nhà nghiên cứu khoa học, doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ. Có những học trò noi gương cô Ninh phấn đấu quay lại mái trường xưa, trở thành đồng nghiệp với cô giáo của mình. Không bằng lòng với bản thân mình, năm 2004 chị tiếp tục xin đi học để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2006 chị tốt nghiệp bằng thạc sĩ với điểm số xếp thứ 2 trong lớp Hóa chuyên ngành phân tích. Rồi sau đó chị tiếp tục học lớp Cao cấp lý luận chính trị và tốt nghiệp loại giỏi. Năm 2005, chị được Hội đồng sư phạm tín nhiệm giới thiệu bổ nhiệm chức vụ: Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn. Đến năm 2009 giữ cương vị Hiệu trưởng.
Trò chuyện cùng chúng tôi chị tâm sự: “Làm thế nào để Trường THPT Sông Công trở thành điểm sáng của ngành giáo dục tỉnh nhà, không phụ sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân là băn khoăn lớn nhất của tôi”. Băn khoăn đó chị đã cùng Ban giám hiệu Nhà trường tháo gỡ bằng cách luôn tích cực học hỏi các mô hình quản lý tiên tiến để vận dụng vào đơn vị mình. Nhà trường đã tập trung bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ thông tin; tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học; phát động các phong trào thi đua, tổ chức thi giáo viên dạy….
Nhờ những giải pháp đồng bộ này mà trong những năm gần đây, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của Nhà trường ngày một sôi nổi, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ học sinh lớp 12 thi đỗ tốt nghiệp và đỗ đại học nguyện vọng 1 trong những năm qua đều nằm trong tốp đầu của các trường THPT của tỉnh. Năm học 2011-2012, trong tổng số hơn 400 học sinh lớp 12 thì có tới 113 học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1. Nhiều năm trường đạt danh hiệu tiên tiến, tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh. Bản thân chị cũng nhận được nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: liên tục đạt dạnh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2000 đạt danh hiệu lao động giỏi cấp tỉnh, được UBND tặng Bằng khen, nhiều năm được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen và công nhận danh hiệu phụ nữ hai giỏi.
Trong những thành công ấy, không thể không kể đến sự ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ của chồng và các con chị. Chồng chị là anh Lê Văn Hùng, hiện đang là Phó Giám đốc Công ty Phụ tùng máy số 1. Anh luôn động viên, ủng hộ chị trong mọi công việc. Chị có hai cháu, một trai, một gái đều chăm ngoan và học giỏi. Cháu gái hiện đang học văn bằng 2 Đại học Thương mại. Cháu thứ 2, vừa bước vào năm thứ nhất Học viện Ngân hàng. Có được thành công này là do chị luôn biết sắp xếp thời gian khoa học để hoàn thành tốt công tác quản lý ở trường và trách nhiệm của người con, người vợ, người mẹ trong gia đình. Vì vậy khi nhắc đến chị, các đồng nghiệp đều ngưỡng mộ và các thế hệ học trò nhớ đến chị với những tình cảm quý mến đầy trân trọng…