Tiến sĩ, sự khởi đầu hay kết thúc?

08:15, 31/10/2012

Trong lịch sử khoa bảng nho học Việt Nam, số lượng học vị tiến sĩ khá hiếm hoi và được trao cho những người đã đỗ qua kỳ thi hương, thi hội và thi đình. Những người đỗ học vị tiến sĩ thời đó vì thế mà thường được nhà vua trao giữ những vị trí trọng trách quan trọng trong xã hội phong kiến.

Hình ảnh trạng nguyên (người đỗ đầu tiến sĩ) vinh quy bái tổ đã tạo nên trong tiềm thức của người Việt Nam xưa hình ảnh một con người thành công mỹ mãn, đạt đến đỉnh cao và cái đích trên con đường học vấn.

Học vị tiến sĩ như là một sự “kết thúc’’ trong quan niệm của người xưa. Tuy nhiên, liệu ngày nay quan niệm này có còn phù hợp. Tiến sĩ được xem như một nghề, nghề nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính trong lĩnh vực mình theo đuổi, như vô số nghề khác trong xã hội.

 



Người nhận bằng tiến sĩ như là được thừa nhận bắt đầu đủ năng lực hành nghề trong lĩnh vực khoa học, giống như một người nông dân được giao cho một cái cày để bắt đầu cày cấy trên cánh đồng của mình. Như thế, sự thành công và hiệu quả mang lại thực sự cho người có học vị tiến sĩ là những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị của họ sau này, đóng góp đích thực vào sự phát triển của xã hội, cũng giống như là những mùa gặt bội thu của người nông dân, chứ không phải là chính cái bằng tiến sĩ, cái học vị tiến sĩ đó.



Tuy nhiên, quan niệm lệch lạc về học vị tiến sĩ như là một thành công mỹ mãn, cái đích của hành trình học vấn vẫn còn tồn tại trong nhận thức cho đến ngày hôm nay trong xã hội, ngay từ trong các cơ sở đào tạo tiến sĩ, cơ sở tuyển dụng, nhà hoạch định chính sách và đặc biệt trong chính bản thân người học.

Các trường đại học Việt Nam thường xem số lượng tiến sĩ được đào tạo ra từ cơ sở của mình như là sản phẩm thực sự của họ và là một tiêu chuẩn quan trọng trong bảng thành tích và nấc thang uy tín của trường. Trong khi đó sản phẩm thật sự của các trường đại học chính là những công trình khoa học có giá trị sau khi tốt nghiệp của những tiến sĩ mà họ đã đào tạo. Nếu giả dụ các trường đại học hàng đầu trên thế giới như Havard, Yale, công bố hằng năm đào tạo ra hằng nghìn tiến sĩ, trong khi đó những tiến sĩ này về sau không thấy xuất hiện bóng dáng trong cộng đồng khoa học thế giới thì liệu các trường đại học đó có được đánh giá cao như vậy không.



Các nhà hoạch định chính sách thì lại lên kế hoạch đào tạo hàng chục ngàn tiến sĩ trong một giai đoạn thời gian nhất định cho địa phương của mình nhằm hy vọng để “tiến sĩ hóa’’ công việc. Nhưng họ quên một điều rằng song song với việc đào tạo ra hàng chục nghìn tiến sĩ thì cũng phải tạo ra chừng đó vị trí công việc khoa học thật sự.



Một tiến sĩ mà không có một vị trí công việc nghiên cứu khoa học thì cũng giống như một người nông dân mang cày mà không có ruộng cày. Đặc biệt quan ngại hơn khi chính bản thân người nhận học vị tiến sĩ cho rằng đó là đỉnh điểm và kết thúc của một hành trình. Học vị tiến sĩ của mình sẽ được xã hội tôn trọng và thừa nhận vĩnh viễn dù làm việc ở đâu, trong hay ngoài môi trường khoa học. Nó là thương hiệu trên hành trình còn lại của cuộc đời, là bảng hiệu quảng cáo cho bản thân… và tự cho mình một cái thở phào nhẹ nhõm.



Người cầm cày không thể gọi là nông dân nếu họ không xuống ruộng.



Tiến sĩ, không phải là sự “kết thúc’’ mà là sự “khởi đầu’’ của một hành trình.