Khi ta nói chống “dạy thêm, học thêm” là hàm ý chống lại những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm và học thêm như ép học sinh học thêm đồng loạt để thu tiền, dạy “bớt” để học sinh phải học thêm cho “đủ”, ra bài kiểm tra giống như bài đã ra trên lớp học thêm…
Cần phân biệt dạy thêm, học thêm do nhu cầu và do ép buộc
Trước hết, cần nói rằng học thêm, dạy thêm không phải là cái tội. “Dạy đủ, học đủ” là chuyện bình thường, thầy và trò đều phải cố gắng thực hiện được điều này. “Dạy bớt, học bớt” là điều cấm kị, không được cắt xén chương trình, không được bỏ môn học, bỏ tiết học. Còn “dạy thêm, học thêm”, hay “dạy kĩ , học kĩ", “dạy sâu, học sâu” đều tốt cả nếu được hiểu theo đúng nghĩa.
Nhu cầu học thêm là có thật và càng ngày càng lớn, càng nhiều. Người thì muốn cho con mình học thêm ngoại ngữ để định hướng du học cho con, người thì muốn con học thêm các môn nghệ thuật vì con mình có năng khiếu, người thì muốn con học thêm các môn thể dục thể thao...
Phần lớn phụ huynh muốn cho con học thêm các môn học trong nhà trường vì con mình chưa hiểu hết, chưa có kĩ năng làm các bài thực hành, hoặc là muốn con học thêm để thi học sinh giỏi một môn học nào đó…. Do đó, cho con học thêm như vậy chẳng có gì xấu.
Khi ta nói chống “dạy thêm, học thêm” là hàm ý chống lại những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm và học thêm như ép học sinh học thêm đồng loạt để thu tiền , dạy “bớt” để học sinh phải học thêm cho “đủ”, ra bài kiểm tra giống như bài đã ra trên lớp học thêm để em nào dám không học thêm thì đành cắn bút…
Những tiêu cực như vậy là có thực, nhưng cũng không hiếm những điểm tích cực khi các thầy giáo giỏi muốn giúp đỡ thực sự cho học sinh, và những học sinh được tham gia các lớp học thêm như vậy đều có những tiến bộ rõ rệt. Ngoài ra, ta cũng phải thừa nhận một thực tế là có những học sinh nếu không học thêm thì với học lực của mình khó mà thi đậu vào các trường đại học.
Để hạn chế dạy thêm, học thêm phải giảm tải chương trình
Phong trào học thêm ào ạt và rầm rộ hiện nay có nguyên nhân từ tâm lý của phụ huynh học sinh. Đó là sự lo lắng thái quá cho tương lai con em mình trước áp lực của các cuộc thi cử, là quyết tâm bằng mọi giá để con mình vào được một trường đại học, mà theo họ đó là con dường duy nhất để con mình bước vào đời một cách thuận lợi. Tuy nhiên, con mình học yếu thì phải học thêm đã đành, ngay cả khi con học khá, giỏi cũng phải tìm nơi học thêm vì “con người ta đi học thêm cả mà con mình không thì gay go”.
Một nguyên nhân khác là chương trình học của ta khá nặng so với thời lượng học trên lớp. Thầy giáo vất vả, quần quật để dạy cho đúng tiến độ của chương trình. Vì thế bài giảng không kĩ, không sâu, nhiều chỗ phải lướt qua, phải giản lược… và như vậy thì sự tiếp thu của học sinh không thể nào tốt được. Thêm vào đó, các thầy giáo có trách nhiệm đều luôn muốn học sinh mình tiếp cận tới các câu hỏi khó trong các đề thi Đại học, và như thế lại càng thiếu thời gian trên lớp, bắt buộc phải “luyện” thêm.
Xuất phát từ những nguyên nhân trên, để giải quyết vấn nạn “dạy thêm, học thêm”, theo tôi chúng ta cần xác định 2 hình thức dạy thêm trong nhà trường công lập, bao gồm “phụ đạo” cho những học sinh yếu kém (khoảng từ 10% đến 15%) và “bồi dưỡng” cho học sinh khá giỏi (khoảng từ 5% đến 10%). Học phụ đạo là bắt buộc, học bồi dưỡng là tự nguyện.
Ngoài ra, học thêm ngoài nhà trường là quyền của mọi học sinh, không thể cấm đoán, không thể ép buộc dưới bất kì hình thức nào. Nếu vì học thêm ngoài trường mà học sinh sao nhãng nhiệm vụ học tập và sinh hoạt trong trường thì cần bị kỉ luật thích đáng.
Về phía giáo viên, nên để các thầy giáo, cô giáo được dạy thêm ngoài nhà trường. Nếu vì dạy thêm mà không hoàn thành nhiệm vụ được giao ở trường mình thì cũng phải chịu kỉ luật. Đồng thời, các trung tâm dạy thêm và cá nhân tham gia dạy thêm đều có quyền hoạt động miễn là theo đúng các quy định và thủ tục của các cơ quan chính quyền.
Cố nhiên một quy định về dạy thêm, học thêm dựa trên những nội dung trên cũng chỉ góp phần hạn chế tiêu cực trong dạy thêm và học thêm, chứ hoàn toàn không ngăn chặn được phong trào này.
Trước mắt, khi chúng ta có một chương trình giảm tải cần thiết và phù hợp, khi dành được nhiều thời gian cho học sinh học ở trường; có hình thức kiểm tra, đánh giá, thi cử một cách nhẹ nhàng và hiệu quả; đổi mới được phương pháp dạy và học; cải tiến được cách trả lương cho giáo viên để đời sống của họ dễ chịu hơn… thì chắc là trẻ em ta sẽ hạnh phúc nhiều hơn vì không phải đi học thêm mà vẫn có được kiến thức phổ thông cơ bản.