Khoa học xã hội- nhân văn (KHXH-NV) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn hình thành và phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, trào lưu toàn cầu hoá đang làm thay đổi sâu sắc vai trò của ngành khoa học này; đồng thời cho rằng, KHXH-NV hiện nay chưa được đối xử một cách công bằng.
HSSV không mặn mà với các môn KHXH
Vài năm gần đây, dư luận xã hội nói nhiều đến hiện tượng HSSV không mặn mà với các môn khoa học xã hội, trong đó thể hiện rõ nhất ở mỗi mùa tuyển sinh.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2012, cả nước có hơn 1,8 triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, trong đó chỉ có hơn 80 nghìn hồ sơ đăng ký vào ngành khoa học xã hội, chiếm 4,43%. Nếu xét theo số lượng thì nhóm ngành này đã giảm đến gần 8% so với năm 2011 (năm 2011 có khoảng 87 nghìn hồ sơ). Do số lượng thí sinh quá ít, một số trường ĐH phải ngừng tuyển sinh một số ngành khoa học xã hội hoặc phải tìm cách tăng nguồn tuyển bằng việc mở thêm các khối thi đầu vào như khối A, D.
TS.Trần Văn Hải – Trường ĐHKHXH&NV cho hay: Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại, khoa Lịch sử thuộc trường ĐHKHXH&NV – một khoa được tuyên dương Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới không tuyển đủ số sinh viên trong chỉ tiêu nguyện vọng 1. Số lượng sinh viên thi vào trường khối KHXH-NV đã ít, nhưng đa số trong số đó lại thuộc dạng không thi được khối nào mới chọn khối C.
Không chỉ số lượng, chất lượng đầu vào của sinh viên các ngành khoa học xã hội cũng là vấn đề đáng quan tâm. Mùa tuyển sinh năm 2012, dù điểm các môn thi ĐH khối C được đánh giá là cao hơn năm trước nhưng số lượng bài thi có điểm trung bình vẫn chiếm đa số.
Nghiên cứu về KHXH&NV được đầu tư ít
Theo công bố của ĐHQGHN, tổng chi trong giai đoạn 2006-2010 cho KH-CH của trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) là là 59.725 triệu đồng, trong khi đó, Trường ĐHKHXH-NV chỉ có 15.330 triệu đồng. Với ĐHQGHCM, năm 2009, trường này chi cho trường ĐHKHTN trực thuộc là 9235 triệu đồng và năm 2010 là 6319 triệu đồng cho hoạt động nghiên cứu; trong khi đó, nguồn chi này cho trường ĐHKHXH-NV chỉ có 1855 triệu đồng (năm 2009) và 2130 triệu đồng (năm 2010).
Theo TS.Trần Văn Hải – Trường ĐHKHXH&NV, việc đánh giá sai vai trò của KHXH-VN bao gồm cả việc đánh giá không đúng mức các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này, dẫn đến đầu tư kinh phí cho NCKH thấp, hậu quả là kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH-NV có chất lượng thấp, dẫn đến chất lượng đào tạo nhân lực thấp, hậu quả là thị trường lao động – nơi tiếp nhận nguồn nhân lực được đào tạo từ nhà trường có chất lượng thấp.
Cụ thể về nghiên cứu KHXH-NV, TS.Trần Văn Hải cho rằng, số lượng các công trình khoa học của Việt Nam được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế đã ít, nhưng tỷ lệ nghiên cứu về KHXN&NV trong số này lại càng ít hơn. Theo thống kê từ Scopus, số lượng các công trình nghiên cứu của Việt Nam từ năm 1996-2010, tức là trong vòng 15 năm được công nhận trên trường quốc tế chỉ có 354 bài. Đa phần những công trình nghiên cứu của Việt Nam tập trung ở lĩnh vực Địa lý học (chiếm 21% trên tổng số), Phát triển học (16%), Y tế (12%), Xã hội học (11%), Nhân chủng học (5%), Chính trị học (5%), dân số học (4%), khảo cổ học (1,4%). Số lượng các bài nghiên cứu ít về số lượng, yếu về chất lượng nên không được các tạp chí khoa học quốc tế đăng tải, từ đó ứng xử với KHXH&NV theo chiều hướng thấp hơn ứng xử với các khoa học khác.
PGS.TS Trần Lê Bảo - Trường ĐHSP Hà Nội cũng thừa nhận thực tế, mặc dù có những nỗ lực nhất định song nghiên cứu xã hội và nhân văn trong trường đại học biến đổi còn chậm chạp, giáo điều, giản đơn một mặt do điều kiện nghiên cứu khó khăn, mặt khác do bản thân chương trình giáo dục đại học hay thay đổi. Một lí do khác cũng đáng quan tâm là hoạt động tự nghiên cứu nâng cao tay nghề chưa được đáp ứng xứng đáng, để những người hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nói riêng có thể tiếp tục tái sản xuất sức lao động đầu tư cho nghiên cứu.
Nâng cao vị thế của khoa học xã hội
Tại một hội thảo lớn bàn riêng về KHXH-NV tổ chức tại ĐHSP Hà Nội, các chuyên gia đã đề ra nhiều giải pháp để nhằm nâng cao vị thế của khoa học xã hội. Trong đó nhấn mạnh cần xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển khoa học xã hội Việt Nam; đổi mới cơ chế quản lý đối với khoa học xã hội, cần tính đến đặc thù của khoa học xã hội và tạo điều kiện phát huy sáng tạo của các trường đại học khoa học xã hội và cá nhân nhà khoa học; tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học xã hội; nâng cao năng lực của đội ngũ khoa học xã hội trong các trường đại học.
Cũng theo các nhà khoa học, cần đổi mới tư duy về vai trò của khoa học xã hội trong các cấp quản lý, cũng như nhận thức của nhân dân; đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo, phương pháp kiểm tra đánh giá,tuyển sinh; viết những bộ giáo trình có tầm quốc gia, có chất lượng; đẩy mạnh học ngoại ngữ, chú ý tiếng Anh để hội nhập quốc tế tốt hơn….
Đề cập đến vấn đề KHXH-NV trong trường ĐH, PGS.TS Trần Lê Bảo cho rằng, các nhà nghiên cứu KHXH-NV ở các trường đại học, các viện trực thuộc Bộ GD&ĐT một mặt cần nghiên cứu sâu các chuyên ngành khác nhau của KHXH-NV phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy, đào tạo con người của tương lai. Đồng thời các nhà khoa học cần trước hết tự mình phải là con người nhân văn, mặt khác bằng lí luận và thực hành góp phần làm cho môi trường giáo dục nói riêng và xã hội nói chung mang tính nhân văn.