Ngày nhỏ bạn đã có khi nào không được mẹ chở đi ăn cỗ nên đã giậm chân khóc lên ầm ĩ? Bạn chắc cũng đã không ít lần thất vọng và bực bội vì một người bạn, một người thân những lần lỗi hẹn. Thầy đã làm cho bọn nhỏ chúng tôi muốn giậm chân khóc ầm lên, thầy đã khiến cho cả lớp 8C chúng tôi buồn và thất vọng.
Đến tiết học Lý, cả lớp nín thở hồi hộp chờ dáng thầy vào lớp rồi bừng bừng khí thế học tập hoặc thở dài buồn bã cho tới tận chiều, tận tối, tận những ngày hôm sau. Thầy dạy Lý, thầy hát, thầy kể chuyện, thầy nói tiếng Anh, thầy sửa tivi, radio, thầy có vợ và 2 con đẹp như tranh. Thầy có một bàn tay sáu ngón (mà sau này khi phát hiện ra ai có một ngón tay dư tôi cũng nghĩ rằng họ tài ba!). Giọng thầy ấm và hùng hồn, mạch lạc, khúc chiết mà 18 năm nay tôi đã cố công bắt chước chưa thành.
Trong mỗi giờ học, chúng tôi ngồi nuốt từng lời thầy giảng, căng đầu suy nghĩ những vấn đề thầy đưa ra rồi ồ lên sung sướng như thể nhà khoa học vừa phát minh, sáng chế ra điều gì to tát lắm để rồi về đến nhà thế nào cũng rôm rả kể lại với mẹ ba, với anh chị em trong bữa cơm chiều, rồi không hài lòng bởi mình kể, mình giảng giải chưa hay và ước gì cả nhà mình có thể đến dự học lớp của thầy.
Tuổi học trò hồn nhiên vô tư, những giờ nào nghe thông báo thầy cô vắng cả lớp hò reo vì lâu lâu được xả hơi, được thảnh thơi và thỏa sức “hoành hành”. Nhưng khi thầy Lý chưa đến, cả lớp buồn xo. Cả lớp cứ hy vọng thầy trễ chứ không nghỉ.
Không được gặp thầy, tôi đã làm được bài thơ đầu tiên và được đăng lên báo nhà trường. Bài thơ có tựa đề Khi Thầy đến.
Khi Thầy đến
Hoa ngát hương
Khi Thầy đến
Bao tình thương
Ập đến
Khi Thầy đến
Trò nên người
Khi Thầy đến
Dù bạn lười
Cũng hóa chăm.
Không được gặp thầy, cả lớp không được nhìn thấy thầy viết bảng chữ đẹp nhanh và điệu nghệ. Thầy không đến, cả lớp không được thấy dáng thầy đĩnh đạc mà thong dong, nghiêm trang mà gần gũi. Không có thầy làm sao chúng tôi được nghe giọng giảng bài sang sảng, nồng ấm. Vắng một tiết học thầy, cả lớp thấy trống vắng biết bao.
Có lần, trong một tiết học tôi đưa tay mãi mà thầy không mời. Tôi mong được thầy gọi đến biết bao. Đọc được ý nghĩ của tôi, thầy dừng lại 5 giây nhìn tôi trìu mến và bảo nhỏ: “Con để gặm xương” (ý là thầy sẽ dành cho tôi câu hỏi khó hơn, thuộc loại “khó gặm”). Tim tôi đập mạnh, tôi đỏ mặt vì xấu hổ nhiều hơn vui. Còn thầy kiên nhẫn chờ thêm những cánh tay mới đưa lên.
Hơn 20 năm đã trôi qua nhưng mỗi lần đứng trước lớp, trước những em học trò quá mong muốn được trả lời câu hỏi của cô, mong muốn được thể hiện mình giỏi, “con để gặm xương” lại ùa về trong tôi, tôi lại khẽ mỉm cười. Học trò lại thêm một lần thắc mắc: “Sao cô cười vậy cô?”
Lời nói “gặm xương” của thầy đã đang và sẽ theo tôi suốt cuộc đời, suốt cuộc hành trình làm người học. Lời thầy làm tôi tự hào mình là một trong những học sinh tiên tiến của lớp. Kỷ niệm đó với thầy làm tôi khiêm tốn hơn càng hăng hái hơn trong học tập. Thầy đã dạy cho tôi biết bình tĩnh và say mê, quyết tâm tìm giải cho bằng được những bài văn, bài toán khó trong nhà trường và ngoài cuộc sống.
Tôi thấy mình thật may mắn được làm học trò thầy dạy. Tôi tiếc vì được biết sau lứa chúng tôi thầy phải nghỉ dạy, bán nhà rời quê đi thành phố để chữa bệnh dạ dày và chữa bệnh tim cho con trai của thầy.
Thầy ơi, chúng con nhớ thầy nhiều lắm. Tận đáy lòng mình chúng con xin gửi đến thầy lời biết ơn sâu sắc nhất.