Dạy thêm, học thêm – Trách nhiệm không chỉ riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo

16:37, 12/12/2012

Dạy thêm, học thêm là một thực tế cần xem xét. Nó vừa liên quan đến đời sống giáo viên, đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh, vừa đáp ứng sự phát triển của xã hội. Thiết nghĩ, hoạt động dạy thêm, học thêm không thể cấm, mà cần có những quy định chặt chẽ để hạn chế những tiêu cực.  

“Không thầy đố mày làm nên”, câu tục ngữ không chỉ nói lên giá trị truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam từ bao đời, mà còn khẳng định vai trò của người thầy giáo đối với các thế hệ học trò. Vậy nhưng, xét về khía cạnh nào đó, ý nghĩa ấy hiện nay có vẻ như không còn phù hợp. Sở dĩ nói vậy  là vì, xã hội nhìn vào ngành Giáo dục với đầy những khiếm khuyết nhiều hơn đóng góp. Một trong những khiếm khuyết mà người ta vẫn gọi là “vấn nạn” - đó là vấn đề dạy thêm, học thêm ở các bậc học trong những năm gần đây.

 

Thực tế cho thấy, dạy thêm, học thêm, trước hết là do cầu - cung. Cứ bắt đầu có con đến tuổi đi học, phần lớn các phụ huynh lại nháo nhác hỏi nhau để tìm cho con mình một chỗ để học: Chuẩn bị vào lớp 1 thì muốn nhờ thầy cô luyện cho biết đọc, biết viết (ông bà, bố mẹ không thể dạy vì không biết dạy thế nào cho đúng và cho con hiểu); lớp 1,2,3,4 thì muốn nhờ thầy cô dạy thêm để nắm vững kiến thức cơ bản và nâng cao, để con không có thời gian chơi vô bổ.Thậm chí là những ngày con được nghỉ, bố mẹ phải đi làm, học thêm cũng là cách nhờ thầy cô quản lí con; lớp 5 trở lên thì học thêm để con nắm chắc kiến thức nâng cao, có thể thi đỗ vào trường chuyên, lớp chọn, vào trường chất lượng cao… Để tìm được một lớp học như thế, không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng nhận dạy, mà phụ huynh học sinh phải nhờ thầy cô, “nói khó” và tổ chức sẵn lớp. Sau đó, giáo viên chỉ việc đến dạy theo yêu cầu. Một số khác thì xin cho con được đi học vì sợ ở nhà sẽ thua kém bạn, không có người trông con… Và nếu có học, đa số phụ huynh học sinh cũng mong muốn con mình được theo học chính giáo viên đang dạy trên lớp...

 

Như vậy, rõ ràng việc dạy thêm, học thêm ở đây là do nhu cầu tự thân từ phụ huynh và học sinh, và cung không ai khác có thể đáp ứng chính là những giáo viên. Như vậy, xã hội có nhu cầu, ngành Giáo dục có chủ trương phân hóa, phụ huynh hoàn toàn có quyền lựa chọn sản phẩm giáo dục để bồi dưỡng con em mình…Tại sao lại cấm ?

 

Những sinh viên đang ngồi trên giảng đường đại học, đa số chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, nhưng họ vẫn được mời làm “gia sư” cho con của một số gia đình. Sản phẩm giáo dục của họ không được “kiểm định”, liệu họ có bị cấm dạy thêm không? Hơn nữa, một điều dễ dàng nhận thấy việc dạy thêm, học thêm diễn ra ở các khu vực nội thành, nội thị phổ biến hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc ở nội thành, nội thị ,nhu cầu chất lượng sống, giải trí, giáo dục… cao hơn, và quan trọng là họ có điều kiện để thực hiện nhu cầu đó. Như vậy tại sao lại cấm?

 

Thứ hai là do phân công lao động. Người giáo viên thực hiện công việc dạy học là một quá trình lao động đặc thù – dạy dỗ và giáo dục. Ngoài thời gian dạy trên lớp theo quy định, giáo viên có thể dạy thêm, học thêm, và đó là cách hiệu quả nhất để tự học, trau dồi và nâng cao chuyên môn, năng lực nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, những giáo viên có chuyên môn, năng lực giỏi luôn được học sinh và phụ huynh tín nhiệm và mong muốn được học. Như vậy, năng lực mang lại cho họ nguồn thu nhập xứng đáng, vì không phải giáo viên nào cũng có thể dạy thêm giống nhau, nhất là ở các bậc học THCS và THPT. Cũng giống như một kế toán viên giỏi, ngoài thời gian làm việc ở công ty, họ có quyền nhận làm sổ sách cho một số công ty khác, vừa tăng thu nhập, vừa nâng cao nghiệp vụ. Như vậy có vi phạm nguyên tắc làm việc của Bộ Tài chính không? Họ có bị cấm không? Chúng ta đang sống trong xu thế hội nhập và phát triển. Thiết nghĩ, hội nhập trước hết phải từ các ngành nghề, trong nước còn có sự phân biệt thì hội nhập thế giới liệu có hiệu quả?

 

Thứ ba là do chính sách. Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây đã rất quan tâm đến giáo dục, vì thế mức lương của giáo viên nhìn chung đã có nhiều thay đổi. Nhưng áp dụng vào cuộc sống hiện tại, trung bình một giáo viên tiểu học phải sau 12 năm công tác mới nhận được mức lương khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Một giáo viên THPT phải công tác 10 năm mới được khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Như vậy, bản thân mình giáo viên còn không nuôi nổi, còn gia đình, con cái họ dựa vào đâu? “ Có thực mới vực được đạo”. Vậy nếu họ đi làm thêm công việc khác để trang trải cho cuộc sống, liệu còn có thời gian để tâm huyết với nghề nghiệp? Dạy thêm không phải là cách tốt nhất để họ yêu và gắn bó với nghề hay sao? Và trong các môn học mà hiện nay học sinh đang phải theo học, có bao nhiêu giáo viên có thể dạy thêm, có thể sống đàng hoàng bằng chính nghề nghiệp của mình? Lương thấp, lại có nhiều áp lực từ công việc, xã hội, liệu đó có phải là lý do hiện nay lớp trẻ, nhất là học sinh ở thành phố không còn mặn mà với các trường Sư phạm?

 

Thứ tư là do quản lí chưa đồng bộ. Giáo dục là một ngành nghề, cũng như các ngành nghề khác không thể tồn tại độc lập, mà một trong những ngành có quan hệ gần gũi nhất với giáo dục, đó chính là ngành văn hóa thông tin. Việc có quá nhiều các nhà xuất bản đã dẫn đến tình trạng các tác phẩm thông tin đến với độc giả chưa được kiểm định nghiêm túc về chất lượng, số lượng tràn lan. Chúng ta hẳn chưa quên tác phẩm “Sát thủ đầu mưng mủ” gần đây của NXB Mỹ thuật đã bị dư luận lên án dữ dội, buộc NXB Mỹ thuật phải thu hồi. Nhưng đó chỉ là một điển hình. Còn có biết bao nhiêu các đầu sách của một số NXB kém chất lượng vẫn được lưu hành. Sách tham khảo của các bậc học cũng vậy, mỗi NXB đều muốn đầu sách của mình nhận được sự ủng hộ của độc giả, và sách tham khảo làm thế nào phải khó hơn, "độc" hơn để khẳng định… chất lượng. Và như vậy là khán giả bội thực với một biển kiến thức mang tính ... thách đố. Một học sinh chưa học hết học kì I của lớp 2 mà phải giải bài toán có lời văn như sau:

 

“Tổng của 3 số là 75. Biết rằng số thứ nhất là 20, số thứ hai hơn số thứ nhất 5 đơn vị. Tìm số thứ ba?”

 

“Trên bãi cỏ có 15 con bò. Số bò nhiều hơn số trâu là 10 con. Số cừu bằng số bò và số trâu cộng lại. Hỏi trên bãi cỏ có bao nhiêu con cừu? Bao nhiêu con trâu? Tất cả có bao nhiêu con bò, trâu và cừu?

 

Hay “Một đường gấp khúc gồm 3 đoạn. Đoạn thứ nhất dài bằng đoạn thứ hai, đoạn thứ ba dài bằng hai đoạn đầu cộng lại. Tính độ dài của đường gấp khúc, biết rằng đoạn thứ ba dài hơn đoạn thứ hai là 15cm”…(Toán bồi dưỡng HS lớp 2 của NXB Giáo dục).

 

Với những bài toán tư duy như vậy, liệu có mấy học sinh lớp 2 làm được? Và đương nhiên, bố mẹ phải vào cuộc. Và khi bố mẹ cũng… bó tay thì phải nhờ đến thầy, cô giáo. Kèm theo đó là tâm lí lo lắng: Sao toán lớp 2 mà khó thế? Phải cho con đi học thêm thì mới nắm được kiến thức ...nâng cao.

 

Vậy, khi đưa ra quyết định cấm dạy thêm, học thêm, nhất là cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và đào tạo có đồng thời cấm xuất bản những sách tham khảo vượt quá khả năng tư duy của học sinh mỗi lớp học, cấp học của các NXB hay không?

 

Rồi còn có biết bao nhiêu Trung tâm bồi dưỡng văn hóa cho mọi cấp học như: Trung tâm bồi dưỡng văn hóa học mãi.vn (Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội), Trung tâm Trí Đức (Cầu Giấy, Hà Nội), Trung tâm Tràng An (Ba Đình, Hà Nội)…Mà hầu hết các trung tâm trên mở rất nhiều các lớp tiểu học, và quảng cáo chủ yếu là luyện vào các trường THCS chuyên: Hà Nội-Amsterdam, các trường THCS chất lượng cao… Mỗi ca học từ 200.000 đến 300.000 đồng/tháng, nhưng phụ huynh vẫn xin cho con vào học rất đông. Những trung tâm đó họ có bị cấm không?...

 

Dạy thêm, học thêm là một thực tế cần xem xét, nó vừa liên quan đến đời sống giáo viên, đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh, vừa đáp ứng sự phát triển của xã hội. Vì vậy, cần quản lý một cách đồng bộ, hợp lí. Nếu máy móc quá sẽ gây nên sự phản ứng của một bộ phận giáo viên. Và như thế, những cố gắng của ngành Giáo dục và nhiều thế hệ giáo viên sẽ không được xã hội ghi nhận…Thiết nghĩ, hoạt động dạy thêm, học thêm không thể cấm, mà cần có những quy định chặt chẽ để hạn chế những tiêu cực.