Bộ GD&ĐT cho biết, định hướng trong thời gian tới sẽ thực hiện giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao như Kinh tế, Tài chính, Luật...
Đồng thời với thực hiện giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước sẽ cho phép các cơ sở đào tạo tự xác định mức thu học phí, đa dạng hóa các nguồn thu của cơ sở đào tạo, tiến tới các cơ sở đào tạo tự đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí, các nguồn thu về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các nguồn xã hội hóa khác.
Dự kiến mức học phí cho các nhóm ngành trên sẽ tăng dần, từ đảm bảo 50% đến 90% cho phí đào tạo từ năm học 2012 đến 2016.
Đối với những ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa cao mà nhà nước cần đào tạo như các ngành đào tạo sư phạm, đào tạo kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nông lâm ngư, nghệ thuật..., nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng bằng việc cấp kinh phí trên cơ sở tình đủ chi phí đào tạo và có cơ chế sử dụng để đảm bảo hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước, tránh lãng phí. Sinh viên chỉ đóng học phí bằng mức quy định theo Nghị định số 49/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với các hoạt động đào tạo cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu xã hội, trường được quyết định mức thu giá dịch vụ trên cơ sở tính đủ các chi phí cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ; từng bước tiến tới thực hiện cơ chế tài chính hạch toán đầy đủ chi phí đầu vào, đầu ra; được tự quyết định chế độ chi trả tiền lương đối với giảng viên và cán bộ gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đồng thời phải chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng các tiêu chí chất lượng đào tạo theo quy định và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo và công khai minh bạch các khoản thu chi tài chính.