Trong hai ngày 15 và 16/12 này, Hội thảo “Kết nối nguồn lực tiếng Anh toàn cầu phục vụ nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam” sẽ được Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) tổ chức dưới sự cố vấn của Bộ phận Thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (NNQG) 2020 và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong kế hoạch triển khai xây dựng Trung tâm xuất sắc (Centre for Excellence) của Đề án NNQG 2020 tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Với vai trò của một Đại học vùng trọng điểm, đồng thời là 1 trong 8 cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ triển khai các hoạt động của Đề án NNQG 2020 trong khu vực, ĐHTN xác định việc nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh của ĐHTN và của khu vực trung du, miền núi phía Bắc không chỉ thông qua các chương trình khảo sát và bồi dưỡng, mà phải tiến tới nâng cao năng lực của giáo viên thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHTN và kế hoạch của Đề án NNQG 2020 của Chính phủ, Trung tâm Phát triển nguồn lực ngoại ngữ ĐHTN (gọi tắt là CFORD) được xây dựng theo tiêu chí là 1 trong 4 Trung tâm Xuất sắc để điều phối thành công các hoạt động khảo thí, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong khuôn khổ của Đề án tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Trong khi Trung tâm Xuất sắc tại Huế tiên phong về nâng cao nghiệp vụ sư phạm,tại Đà Nẵng tập trung vào mảng nâng cao năng lực tiếng, tại Hà Nội tập trung vào khảo sát và đánh giá, thì tại Thái Nguyên, CFORD hướng tới thế mạnh triển khai nghiên cứu hành động. Theo đó, tại ĐHTN, CFORD đã được giao nhiệm vụ tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyên đề và hội thảo nghiên cứu nhằm kết nối đội ngũ chuyên môn từ các địa phương với các đồng nghiệp và chuyên gia trong nước, quốc tế và với Đề án NNQG 2020 của Chính phủ nhằm đóng góp sát thực cho sự phát triển của từng địa phương nói riêng, của khu vực nói chung.
Tiếp theo sự kiện Hội thảo quốc tế được tổ chức ngày 12/5/2012 về vấn đề “Nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh thông qua nghiên cứu hành động và các thực hành đổi mới” và “Hội nghị tập huấn về nghiên cứu hành động để phát triển nguồn lực giáo viên tiếng Anh vùng trung du và miền núi phía Bắc” được tổ chức ngày 18/10/2012; các nhóm nghiên cứu gồm giáo viên tiếng Anh của các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Hòa Bình, Phú Thọ và Lai Châu đã kết hợp với các giảng viên tiếng Anh của ĐHTN và các chuyên gia Anh ngữ quốc tế cùng thực hiện những nghiên cứu độc lập về các chủ đề hữu ích cho giáo viên tiếng Anh trong việc nâng cao năng lực giảng dạy. Các chủ đề được triển khai theo hướng hành động như “cách ghi chú trong kỹ năng nghe”, “sử dụng các công cụ phát âm trực tuyến để nâng cao kỹ năng nói”, hay “các phương pháp đọc, tóm tắt và thảo luận trong việc mở rộng vốn từ ngữ học thuật”…
Hội thảo “Kết nối nguồn lực tiếng Anh toàn cầu phục vụ nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam” được tổ chức trong hai ngày 15 và 16/12/2012 sẽ là buổi tổng kết báo cáo những nỗ lực của các nhóm nghiên cứu địa phương theo sự định hướng, chỉ đạo của Đề án NNQG 2020 nhằm đảm bảo hiệu quả triển khai Đề án tới các địa phương trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Hội thảo quy tụ hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế; là hội thảo quốc tế đầu tiên trong khu vực có sự tham gia của đại diện lãnh đạo ngành ở Trung ương và các địa phương, như Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Ban Quản lý và Bộ phận Thường trực Đề án NNQG 2020, các sở GD-ĐT, các trường đại học và cao đẳng thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, ĐHTN và các đơn vị trực thuộc.
Bên cạnh đó, Hội thảo là dịp tụ hội của đại diện chuyên gia Anh ngữ của một số Đại sứ quán, Viện Giáo dục Úc và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ tại Việt Nam cùng đông đảo đội ngũ chuyên môn làm công tác giảng dạy tiếng Anh ở các tỉnh trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Qua đây thể hiện sự quan tâm và ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với Đề án NNQG 2020 nói chung cũng như các hoạt động triển khai Đề án của ĐHTN nói riêng.
Hội thảo là một mốc quan trọng trong việc triển khai Đề án NNQG 2020 tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nhằm nâng cao tầm nhìn và năng lực về nghiên cứu hành động trong khu vực; tìm ra chiến lược, giải pháp khả thi góp phần định hướng cho các nhà quản lý, nhà hoạch định giáo dục xây dựng và quản lý hiệu quả các chương trình dạy học tiếng Anh. Từ đó nâng cao, phát triển năng lực tiếng Anh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; đồng thời kết nối nguồn lực mạnh mẽ là đội ngũ chuyên môn làm công tác giảng dạy tiếng Anh trong khu vực.
Hội thảo lần này thể hiện vai trò, nhiệm vụ cũng như sự cam kết của ĐHTN trong việc thực hiện các hoạt động chủ chốt của Đề án tại khu vực; đồng thời thể hiện sự chủ động và quyết tâm của ĐHTN trong việc huy động nguồn lực địa phương, kết nối với các nguồn lực trong khu vực và quốc tế để phát triển địa phương, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của quá trình hội nhập, phát triển của toàn khu vực và quốc gia…
TS Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo: Đại học Thái Nguyên là một trong những đơn vị tiên phong của cả nước trong các hoạt động triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020”...
|
PGS - TS Đặng Kim Vui, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Đại học Thái Nguyên: Hội thảo là sự kiện quan trọng khẳng định năng lực và quyết tâm không chỉ của Đại học Thái Nguyên mà còn của cả khu vực trong sự nỗ lực nhằm nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ vì một quá trình hội nhập và phát triển bền vững... |
ThS. William C.Cole-French, Quản lý học thuật – Trung tâm Phát triển nguồn lực ngoại ngữ – ĐHTN: Đề án NNQG 2020 là cầu nối vững chắc để Thái Nguyên cũng như các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc nhanh chóng hội nhập với môi trường quốc tế đa ngôn ngữ, đa văn hóa hiện nay. Hội thảo này là sự kiện quan trọng góp phần xây nên chiếc cầu nối ấy… |
ThS. Nguyễn Thị Tuyết, Giảng viên tiếng Anh, Trường Đại học Khoa học – ĐHTN: Khi Đề án NNQG 2020 được triển khai tại ĐHTN và khu vực, những giảng viên tiếng Anh chúng tôi cảm thấy yêu nghề hơn vì thấy công việc của mình rất có ý nghĩa, đặc biệt là vai trò của giáo viên ngoại ngữ đã được nâng lên, trở thành đội ngũ tiên phong trong quá trình quốc tế hóa của ĐHTN và khu vực… |
Học viên Phan Thu Giang, Khóa bồi dưỡng tiếng Anh tại ĐHTN tháng 11 và 12/2012 (giáo viên tiếng Anh, Sở GD-ĐT Bắc Kạn): Nhờ có các chương trình bồi dưỡng của Đề án NNQG 2020 được triển khai tại Thái Nguyên, nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ đã hàng chục năm lần đầu tiên có cơ hội được tiếp xúc và học tập với người bản ngữ. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được biết đến việc học theo dự án và hiểu thêm về nghiên cứu hành động… |
Hoạt động chuyên môn tiền Hội thảo: - Trước ngày hội thảo chính thức, ĐHTN tổ chức 4 phiên tập huấn chuyên đề về: “Học theo dự án”, “Trí tuệ đa thông minh”, “Áp dụng kiến thức vào thực tiễn” và “Các nguồn học liệu phục vụ học tiếng Anh” (diễn ra ngày 15/12 tại Trụ sở chính của ĐHTN và Trung tâm Phát triển nguồn lực ngoại ngữ ĐHTN), với sự tham gia của hai diễn giả nổi tiếng: - Tiến sĩ Diana Lynn Dudzik, Chuyên gia Anh ngữ - Đại sứ quán Hoa Kỳ, Cố vấn Anh ngữ cao cấp - Đề án NNQG 2020. - Ông Damon Anderson, Giám đốc Văn phòng tiếng Anh khu vực Đông Nam Á - Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. • Xin xem thêm chi tiết Hội thảo tại Website: http://tnu.edu.vn/conf/Pages/default.aspx • Mọi ý kiến trao đổi và thông tin về Hội thảo xin mời email tới: deanngoaingu.tnu@gmail.com hoặc cford.tnu@gmail.com |