Hà Nội: 100% trường học sẽ được kết nối Internet vào năm 2015

15:55, 11/12/2012

Hà Nội sẽ phấn đấu trở thành địa phương đứng đầu về ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) với mục tiêu 100% trường học được kết nối Internet, tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến vào năm 2015.

Nội dung này nằm trong Nghị quyết Quy hoạch phát triển CNTT vừa được Hội đồng nhân dân TP Hà Nội thông qua. Bên cạnh đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành cơ bản nền tảng chính quyền điện tử, cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản đạt mức 3, dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT về hạ tầng ứng dụng, nhân lực và môi trường chính sách. Đến năm 2020, cơ bản hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử thống nhất trong toàn bộ máy chính quyền, 50% dịch vụ công được cung cấp đạt mức 3 và 4.

 

Để đứng đầu về ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Hà Nội sẽ triển khai ứng dụng CNTT trong trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nông nghiệp - nông thôn, xây dựng thành phố thông minh với việc triển khai ứng dụng CNTT một cách sâu rộng đối với hệ thống giao thông, điện, nước, chiếu sáng, xây dựng các tòa nhà thông minh.

 

Đến năm 2015, 80% các doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong quản lý kinh doanh, thực hiện thương mại điện tử; 100% trường học được kết nối Internet, tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến; 100% bệnh viện ứng dụng CNTT trong theo dõi, chăm sóc bệnh nhân và số hóa cơ sở dữ liệu y tế...

 

Đối với ngành công nghiệp CNTT, Hà Nội đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2015 đạt doanh thu khoảng 5 tỷ USD (so với 18 tỷ USD của cả nước), tốc độ tăng trưởng khoảng 25%, nhân lực chiếm 1/4 so với cả nước. Đến năm 2020, doanh thu tăng lên 10 tỷ USD so với 25-27 tỷ USD doanh thu của cả nước, tăng trưởng xấp xỉ 25%, nhân lực chiếm 30% của cả nước với khoảng 300.000 người.

 

Để thực hiện Quy hoạch, Hà Nội dự tính phải huy động từ các nguồn đầu tư khoản vốn lên tới 59.558,20 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, ngân sách TP dự kiến đảm nhận được khoảng 8.032,64 tỷ đồng, còn lại 51.505,09 sẽ được kêu gọi từ các nguồn xã hội hóa.

 

Ngoài ra, đến năm 2015, TP cần 51 nghìn nhân lực chuyên ngành CNTT về phần cứng, 40 nghìn nhân lực về công nghệ phần mềm và 24 nghìn nhân lực chuyên ngành nội dung số; 100% lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã được đào tạo về ứng dụng CNTT và cơ quan điện tử; 100% cán bộ, công chức sử dụng thành thạo máy tính và các ứng dụng chuyên ngành. Đến năm 2020, TP cũng cần khoảng 700.000 nhân lực CNTT cho các lĩnh vực khác trong xã hội.

 

Có thể thấy, Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển CNTT so với cả nước. Hiện nay, nền công nghiệp CNTT thành phố có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 20%/ 1năm, chiếm khoảng 30% doanh số CNTT của cả nước. Hà Nội có lợi thế lớn về tiềm năng chất xám với gần 80% số GS, PGS; trên 80% chuyên gia đầu ngành và trên 1/3 số trường đại học, viện nghiên cứu so với cả nước.