Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa: Tạo cơ hội tối đa cho học sinh

08:45, 20/12/2012

Học sinh được học sách giáo khoa theo đúng nhu cầu và trình độ là chuyện không mới ở các nước. Ở Việt Nam, khi bước vào thực hiện cần có những quy định rõ ràng, cụ thể để học sinh thật sự có quyền lợi.

Khi có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) thì giá sách sẽ tăng hay giảm? Việc kiểm tra, đánh giá có mang đến một kết quả khách quan và công bằng nếu mỗi nơi dạy một loại sách khác nhau?... Đó là những băn khoăn sát sườn của phụ huynh và học sinh (HS).

 

Lo ngại sách tăng giá

 

Chị Nguyễn Thu Thủy (nhà A13, Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) lo ngại: “Khi có nhiều bộ SGK, nhà nước không phải lo kinh phí trong việc biên soạn sách mà để tự thị trường cạnh tranh với nhau thì điều tôi băn khoăn nhất là liệu khi ấy giá có tăng không?”. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, lo lắng của chị Thủy là hoàn toàn có cơ sở. Hiện nay, giá sách của nhóm Cánh Buồm cao hơn rất nhiều so với SGK hiện hành mặc dù chất liệu in ấn không có nhiều khác biệt. Ví dụ, sách tiếng Việt của nhóm này là 39.000 đồng, sách văn có cuốn 48.000 đồng, cuốn thấp nhất 22.000 đồng. Trong khi đó, cả bộ SGK bậc tiểu học hiện hành chỉ khoảng 70.000 - 80.000 đồng.

 

Lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục cũng từng cho rằng giá SGK phải được Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính chấp thuận, chứ không phải bán theo giá thị trường và giá này luôn thấp hơn chi phí công in.

 

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đưa ra hướng giải quyết xung quanh lo ngại về giá SGK. Ông cho rằng cùng với chủ trương nhiều bộ sách, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì đợt đổi mới giáo dục sắp tới Nhà nước cần tính đến việc miễn học phí và cấp phát SGK cho HS ở những cấp học mang tính cơ bản, bắt buộc.

 

Đánh giá trên các tiêu chí năng lực của học sinh

 

Sẽ có rất nhiều thay đổi xung quanh việc dạy và học cũng như kiểm tra, đánh giá nếu có nhiều bộ SGK. Khi ấy, chương trình chuẩn được xem là pháp lệnh và quyết định mọi vấn đề kèm theo để thay thế việc giáo viên coi SGK như pháp lệnh hiện nay. Ví dụ, ở môn ngữ văn, theo đề xuất của nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, ngữ liệu học tập sẽ không chỉ là SGK mà bao gồm 2 nguồn chính là văn bản văn học và các loại văn bản khác (không phải văn học). Khi đó, việc đánh giá sẽ coi trọng năng lực ngữ văn trên cả 2 bình diện: ý tưởng sáng tạo và khả năng diễn đạt, thể hiện, trình bày ý tưởng đó một cách sáng sủa, mạch lạc.

 

Đối với môn toán, theo PGS Trần Kiều và nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, ngay cả khi môn này được xem là môn học bắt buộc cho các lớp thuộc giai đoạn sau cơ bản cũng phải có các tài liệu giáo khoa khác nhau, với những mục tiêu riêng theo hướng phục vụ trực tiếp cho việc học tập tiếp theo của HS.

 

Quan điểm của GS Phạm Minh Hạc là khi có một vài bộ SGK, chương trình chỉ là cái gốc còn người thầy có thể chọn bộ sách nào phù hợp với HS. “Tuy vậy, dù nhiều bộ SGK nhưng khi đã được duyệt và lưu hành trên thị trường thì SGK không được phép có bất cứ một lỗi nào”, GS Hạc nhấn mạnh.

 

Theo mong muốn chung của nhiều chuyên gia, với một chương trình chuẩn nhiều bộ sách, giáo viên dạy theo bộ sách nào, phương pháp nào là quyền sáng tạo của họ dựa vào thực tiễn.

 

Xung quanh việc kiểm tra, đánh giá khi có nhiều bộ SGK, theo hình dung của nhóm nghiên cứu, đánh giá sẽ dựa trên các tiêu chí năng lực của HS mà chuẩn giáo dục quy định. Thang đo đánh giá năng lực được quy chuẩn theo mức độ phát triển năng lực người học, mà không quy về một nội dung đã học.

 

Bà Vũ Hoàng Ly, giáo viên Trường tiểu học Quang Trung, Q.Đống Đa (Hà Nội), cho rằng chỉ cần đề thi dựa vào chuẩn chương trình chứ không dựa vào một bộ SGK nào cụ thể thì việc kiểm tra, đánh giá HS hoàn toàn không có gì đáng lo ngại. Điều quan trọng là SGK phải được thẩm định để dù biên soạn theo cách thức khác nhau nhưng cũng không chệch khỏi chuẩn chương trình đó.