Nha học đường: Gánh nặng cho trường học

16:08, 13/12/2012

Nhiều phòng nha học đường đã phải ngừng hoạt động vì thiếu tiền, thiếu người. Lương thấp, áp lực cao, nhiều trường đã không thể tìm ra nhân viên phòng nha nên “đè” nhân viên y tế kiêm nhiệm…  

 

Xóa sổ hay cầm chừng

 

TP.HCM hiện có khoảng 50% trường tiểu học (trong số 400 trường) có phòng nha đang hoạt động hoặc lồng ghép với phòng y tế. Trong đó, nhiều phòng nha hình thành do được tài trợ, sau một thời gian sử dụng, thiết bị hư, cũ, không có kinh phí đầu tư, nên hoạt động cầm chừng hoặc phải đóng cửa. Có hơn 30 trường đã ngừng hoạt động phòng nha vì thiếu tiền, thiếu nhân sự.

 

Mới đây, phòng nha đạt chuẩn của Trường tiểu học (TH) Lạc Long Quân (Q.11) đã bị phá bỏ để dời lên lầu. Ông Phan Trí Dũng, chuyên viên chỉ đạo y tế, Phòng GD-ĐT Q.11 tiếc rẻ: Đây là phòng nha kiểu mẫu, được Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt Trung ương tài trợ, đạt chuẩn từ diện tích đến thẩm mỹ. Phòng nha này không chỉ phục vụ cho học sinh (HS) của trường mà còn phục vụ cho việc tham quan học hỏi của các tỉnh thành phía Nam nhưng trường đã tự ý di dời. Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường giải thích: Do phải xây thư viện mẫu nên trường đã dời phòng nha lên lầu. Phòng nha được xây dựng từ 10 năm nay nên một ghế nha đã hư hẳn, một ghế chỉ hoạt động cầm chừng. Từ đầu năm học, nhà trường đã phối hợp cùng BV Răng Hàm Mặt TP.HCM để làm công tác nha học đường kiêm hỗ trợ máy móc. Theo bà Hương, trước đây, trường cũng có thuê nhân viên phục vụ phòng nha nhưng người này chỉ có bằng trung cấp y rồi học thêm vài tháng về nha. Đến tháng 2/2012, nhân viên này xin nghỉ, phòng nha phải ngưng hoạt động và không kiếm người nữa. Để tìm bác sĩ có chuyên môn nha làm cố định cho trường là rất khó nhưng nếu thuê người không có chuyên môn thì lại rất nguy hiểm.

 

Thiếu nhân sự chuyên môn là chuyện đang diễn ra ở nhiều phòng nha học đường. Như Q.11, phòng nha của Trường TH Đề Thám, TH Trưng Trắc… sử dụng nhân viên y tế kiêm nhiệm.

 

Q.Gò Vấp có đến sáu phòng nha học đường phải đóng cửa vì không có kinh phí hoạt động, máy móc lâu ngày không sử dụng sẽ bị hư, gây lãng phí. Nhiều quận khác cũng trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Cao Kỳ, chuyên viên phụ trách y tế Phòng GD-ĐT Q.6 chia sẻ: Phòng nha đòi hỏi tối thiểu phải có bằng trung cấp chuyên về nha khoa nhưng thu nhập quá thấp, lại không được vào biên chế nên thường không tìm được người.

 

 “Lực bất tòng tâm”

 

Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cho rằng: Công tác nha học đường tạo cho HS có thói quen đến phòng khám kiểm tra răng miệng thường kỳ, bảo vệ răng miệng khá tốt, chi phí lại rẻ… Nhưng, nha học đường chú trọng đến giáo dục hơn là chăm sóc, vì phần lớn thời gian trẻ cần chải răng là lúc trẻ ở nhà, trường học chỉ đảm đương nhiệm vụ này sau bữa ăn bán trú. Để trẻ có hàm răng khỏe đẹp, cha mẹ phải quan tâm hơn, nhà trường chỉ giữ vai trò rất nhỏ. Có thêm chương trình chăm sóc răng miệng cho HS là tốt, nhưng nhà trường càng thêm vất vả, phải thỏa thuận chi phí với PHHS và lo tìm người. Nhưng, nào có dễ tìm được người nên cuối cùng, trường đã hợp đồng cùng BV Răng Hàm Mặt TP.HCM làm công tác này.

 

Vừa phải gánh phòng y tế, vừa phải kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc răng miệng cho HS, dường như trường học đang phải gồng gánh quá nhiều nhiệm vụ, “lực bất tòng tâm” sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Phòng nha có chất lượng phải tốn hàng trăm triệu đồng, trong khi nhà trường không có kinh phí hoặc chỉ trông vào nguồn tài trợ.

 

Nhiều PHHS lo lắng về độ chuyên nghiệp của nhân viên nha học đường cũng như độ an toàn trong việc điều trị răng miệng cho HS. Chị B.H., PHHS lớp 3 Trường TH Trần Văn Ơn (Q.Gò Vấp) nói: Tôi sợ phòng nha trường học “kiêm nhiệm” không đảm bảo điều kiện vô trùng nên tôi đưa con đến BV chuyên khoa để nhổ răng hoặc điều trị. Nhổ răng có chảy máu, dụng cụ không được vô trùng dễ lây bệnh. Đó là chưa tính đến trẻ có bệnh lý về tim mạch không phải cứ sâu răng là được nhổ liền.

 

Chuyên khoa răng miệng đòi hỏi chuyên môn sâu, điều kiện vô trùng tuyệt đối để đảm bảo an toàn cho trẻ. Xem ra nhà trường đang “đuối sức” khi phải bảo bọc nha học đường. Gánh nặng không chỉ dừng ở vấn đề nhân sự, chuyên môn mà còn vì thiếu kinh phí hoạt động. BS Phạm Thành Long, Phòng Công tác HS, SV, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Do chưa có chủ trương chung, không chỉ đạo kinh phí thực hiện nên hoạt động nha học đường phải trông vào nguồn thỏa thuận với PHHS, mức phí dao động từ 30.000 - 50.000đ/năm. Ai đồng ý thì đóng, không thì thôi, trong khi thuốc và trang thiết bị rất đắt. Ở nhiều quận, UBND không cho phép thu vì phòng tài chánh cho rằng không có văn bản hướng dẫn để căn cứ thu khoản tiền này.

 

Không phủ nhận mục đích chăm sóc, bảo vệ răng miệng cho HS của chương trình nha học đường, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ để đẩy mạnh giáo dục HS có ý thức chăm sóc răng miệng thì không cần thiết phải xây dựng phòng nha trong trường học. Nhân viên y tế được tập huấn có thể hướng dẫn cho HS cách chăm sóc răng miệng, dạy trẻ đánh răng đúng cách... Khi trẻ có vấn đề về răng miệng nên đến BV, các phòng nha có đủ thiết bị và bác sĩ nha khoa. Hãy để nhà trường tập trung làm tốt công tác giáo dục tri thức và đạo đức, lối sống cho HS còn PHHS có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, thể lực con em mình.