Tấm lòng với học sinh vùng cao

10:27, 19/12/2012

29 năm làm nghề “ươm chữ” cho con em đồng bào các dân tộc vùng cao - cô giáo Chu Thị Nga, giáo viên Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã dìu dắt bao lớp thế hệ học sinh trưởng thành. Nay mái tóc đã bắt đầu có sợi bạc nhưng ngọn lửa nhiệt huyết trong cô vẫn tỏa sáng để tiếp tục niềm đam mê truyền tri thức cho học sinh thân yêu.

Xuất phát từ tình yêu thương

Giản dị và cởi mở đó là những cảm nhận ban đầu của tôi khi tiếp xúc với cô giáo Chu Thị Nga. Khi biết tôi định viết bài về mình cô khiêm tốn: “Tất cả những công việc tôi làm đều là tình cảm và trách nhiệm với các em học sinh, nhất là các em đến từ vùng cao, vùng khó khăn - nơi mà cái ăn còn chưa no, manh áo chưa đủ ấm – tôi nghĩ là giáo viên ai cũng sẽ làm vậy”. Nhưng tôi biết trong sâu thẳm tình cảm đó còn là tình thương, sự cảm thông, sẻ chia với những khó khăn, thiếu hụt của các em cả về kiến thức, ngôn ngữ và kỹ năng sống khi về học tại ngôi trường này.

Tình cảm yêu thương gắn bó với các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số được nhen lên từ khi cô sinh viên Chu Thị Nga tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (năm 1983) và nhận nhiệm vụ lên vùng cao công tác - đó là Trường THCS Vũ Lễ (Bắc Sơn, Lạng Sơn). Cô Nga chia sẻ: “Vào những sớm mùa đông lạnh buốt, thấy các em phải vượt 7-8 km đường đèo đến lớp với manh áo mỏng, cặp môi tím tái vì lạnh lòng tôi quặn thắt. Thương các em bao nhiêu tôi tự nhủ phải cố gắng làm sao đưa được nguồn tri thức đến với các em, giúp các em nâng cao hiểu biết để sau này mang kiến thức được học trở về làm thay đổi cuộc sống của bản, làng vùng cao. Trong 4 năm công tác tại đây, ngoài thời gian lên lớp tôi thường theo học sinh về nhà để cùng ở, cùng sống với bà con. Nhờ đó, tôi hiểu thêm về phong tục tập quán, lối sống của đồng bào nơi đây. Rồi, không biết từ bao giờ tôi đã trở thành người con thân thiết của bản làng, mọi người sẵn sàng chia sẻ với tôi niềm vui, nỗi buồn và cả những trăn trở mong mỏi của họ về việc “học chữ” của con em mình. Tôi thấy mình trở thành một phần trong cuộc sống của họ. Và tình cảm đó đã theo tôi khi về Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (năm 1987) – một ngôi trường chuyên đào tạo cho con em các dân tộc thiểu số. Với vốn kiến thức, sự am hiểu về đồng bào các dân tộc tôi tích lũy được từ những năm công tác vùng cao, tôi biết các em đang cần một điểm tựa, cần một sự sẻ chia để có thể hòa đồng trong môi trường mới. Nhất là các em đến từ vùng dân tộc ít người như: Mảng, Sila, Clao, La chí, La hủ, Cống, Pu péo... tiếng Kinh còn chưa nói sõi, kiến thức về các môn học thiếu hụt nhiều nên các em thường tự ti, sống khép mình. Do đó, tôi và các đồng nghiệp luôn thực hiện phương châm “vừa dạy, vừa dỗ”, nhẹ nhàng, ân cần chỉ bảo các em từng tý một, không chỉ dạy kiến thức mà còn phải an ủi và khích lệ các em, đặt lòng tin cho các em. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh 9 em học sinh đến từ đỉnh núi Phù Nhì (Thanh Hóa) ra học, trong đó, 8 em đã lấy vợ chỉ còn duy nhất 1 em chưa lập gia đình, hỏi đến môn gì các em cũng không biết vì từ lớp 1-9 các em chỉ được duy nhất 1 thầy giáo dạy, các em không giao lưu nói chuyện với ai, sống thu mình và chỉ mặc bộ quần áo của dân tộc mình dù đã bị rách. Được nhà trường phân công chủ nhiệm tôi đã đến phòng các em trò truyện, hướng dẫn các em cách học, các vệ sinh cá nhân, khâu quần áo cho các em. Dần dần các em đã quen với môi trường mới và học tập tiến bộ”.

Khơi gợi niềm đam mê cho học sinh

Theo cô Nga: “Do điều kiện sống ở các vùng dân tộc ít người còn khó khăn nên khi về Trường để học các em thường bỡ ngỡ, tự ti, nhưng nếu biết khơi gợi niềm đam mê học tập trong các em thì sẽ tạo nên một sức bật rất lớn, có thể ví như cây rừng khi được quan tâm chăm sóc thì sức vươn của nó thật mãnh liệt, dẻo dai”.

Là giáo viên dạy môn Sinh, một môn học thực nghiệm có nhiều kiến thức ứng dụng trong thực tế, do đó để bài giảng sống động lôi cuốn học sinh, cô Nga đã dùng kiến thức môn học để giải thích các băn khoăn của các em về tâm sinh lý; giải thích các hiện tượng mà các em và gia đình các em gặp phải… Giáo án của cô luôn được soạn kỹ, phân loại rõ dàng từng vấn đề, tiểu mục và nâng dần kiến thức cho các em từ dễ đến khó. Cô Nga chia sẻ: Mặc dù là Trường phổ thông nhưng Nhà trường có nhiều đối tượng học sinh, đối với học sinh lớp 9 (lớp duy nhất với gần 30 học sinh là con em đồng bảo dân tộc ít người đến từ Lai Châu) thì giáo án phải soạn chi tiết với các kiến thức rất cơ bản, dễ học. Đối với học sinh dự bị đại học kiến thức phải được tổng hợp, nâng cao, cho các em tiếp cận các bộ đề, các câu hỏi khó… Sau mỗi giờ giảng, cô đều cận thận kiểm tra lại xem các em đã hiểu bài chưa, còn gặp khó khăn ở điểm nào để từ đó có sự điều chỉnh trong các bài giảng sao cho các em dễ tiếp thu kiến thức. Với  cánh dạy đó cô đã thổi vào các em niềm đam mê học tập, giúp những cô, cậu học trò còn ngơ ngác, tự ti ngày nào thành những học sinh giỏi đạt các giải cao cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Em Khang A Tủa lớp 12A2 (dân tộc Mông đến từ Yên Bái) cho biết: “ Cô giảng rất dễ hiểu, có nhiều ví dụ và hình ảnh minh họa nữa nên em rất thích học môn Sinh”, còn em Bế Thị Ánh (dân tộc Tày đến từ Lạng Sơn) cho rằng: “Trong các giờ giảng cô Nga luôn mở rộng liên hệ và nâng dần kiến thức, nhiều câu hỏi cô đưa ra khi chúng em làm xong cô mới nói đó là đề thi học sinh giỏi cấp quốc gia khiến chúng em thấy rất tự tin và thích học hơn”. Sự tâm huyết của cô đã được đến đáp bằng hàng chục giải cấp tỉnh và cấp quốc gia mà các em mang về. Từ năm 2006 đến nay năm nào môn Sinh do cô giảng dạy cũng có học sinh giành giải Quốc gia với tổng cộng 12 giải, cụ thể, năm học 2011-2012 vừa qua trường giành 3 giải quốc gia (1 giải Nhì và 2 giải Khuyến khích). Trong đó, em Vũ Thị Xuyến, dân tộc Tày 2 năm liên tục đọat giải Nhì Quốc gia môn Sinh.

Theo cô Nga, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật như hiện nay, môn Sinh được ứng dụng  rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, do đó cần phải kịp thời trang bị cho các em những kiến thức mới, hướng dẫn các em cách cách tìm kiếm thông tin và sàng lọc thông tin ở trên mạng Internet; cách khai thác thư viện điện tử ở trường để các em mở rộng và nâng cao kiến thức, sự hiểu biết.

Không chỉ say mê giảng dạy, cô Nga còn dành thời gian học tập nâng cao trình độ, năm 1996 cô đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ Sinh học, hàng năm cô đều có các công trình nghiên cứu khoa học có tính khả thi và được ứng dụng rộng rãi trong trường dân tộc nội trú như: Đề tài “Ứng dụng phương pháp kiểm tra trắc nghiệm khách quan trong bài kiểm tra, đánh giá học sinh môn Sinh học (năm học 2007-2008); “Hướng dẫn học sinh khai thác kênh hình trong việc lĩnh hội kiến thức mới, ôn tập kiểm tra đánh giá kiến thức cũ”…

Nhận xét về cô Nga, cô Đinh Thị Kim Phương, Hiệu Trưởng nhà trường cho biết: “cô Nga là người say mê tâm huyết với nghề, luôn chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, gương mẫu trong mọi hoạt động của trường. Có đóng góp lớn trong nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng giáo viên, học sinh Nhà trường. Tổ Lý - Hóa - Sinh do cô phụ trách luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chuyên môn từ 3-10%. Từ 2006 đến nay, Tổ đã ôn luyện cho học sinh đạt 422 giải cấp tỉnh và 12 giải cấp Quốc gia”. Còn cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên cùng Tổ Lý - Hóa - Sinh nhận xét: “Tôi mới về Trường công tác 5 năm, lại may mắn được làm việc cùng chị Nga, sự trân thành, luôn gần gũi giúp đỡ mọi người của chị khiến tôi cảm phục, tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong công tác dạy dỗ học sinh con em dân dộc của chị ấy”.

Với những cống hiến của mình cho sự nghiệp trồng người, cô Nga đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục và Đạo tạo, UBND tỉnh Thái Nguyên. Và trong dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, cô vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng. Nhưng với cô phần thưởng cao quý nhất đó là tình cảm yêu thương kính trọng và sự trưởng thành của các em học sinh. Bởi cô luôn tâm niệm: “Sự nghiệp trồng người mà Bác Hồ đã dạy phải xuất phát từ sự tận tâm, tận lực và niềm say mê của người thầy mới mong xây đắp được lớp lớp thế hệ trẻ hiền tài cho đất nước”.



Chứng chỉ ielts là gì