5 trường ĐH Việt Nam chính thức nhận nhiệm vụ TT Ngoại ngữ khu vực

15:05, 18/01/2013

Sáng 18/1, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ khởi động các Trung tâm ngoại ngữ khu vực. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì buổi lễ.

5 trường ĐH được giao nhiệm vụ là Trung tâm ngoại ngữ khu vực gồm: ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế), Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) và Trường ĐHSP thành phố HCM.

 

Việc hình thành các Trung tâm này do nhu cầu về đào tạo ngoại ngữ nói chung, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo viên nói riêng ở các vùng kinh tế trong cả nước. Trước mắt, tập trung xây dựng các trung tâm có trình độ cao, có nguồn lực làm nòng cốt hỗ trợ cho việc phát triển các trung tâm tại các vùng kinh tế khác.

 

Tại buổi lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2008-2020. Để hiện thực hóa và đạt được những mục tiêu mà Đề án đặt ra cần phải tiến hành đồng thời rất nhiều các công việc liên quan đến việc dạy và học ngoại ngữ. Đó là việc đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện có, đào tạo mới giáo viên đạt chuẩn, biên soạn, xây dựng các giáo trình, chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh; cải tiến công tác khảo thí và kiểm định chất lương; tăng cường ứng dụng CNTT và sử dụng hiệu quả các thiết bị trong giảng dạy ngoại ngữ. Theo Thứ trưởng, để từng bước đạt được những yêu cầu trên đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, vào cuộc hết sức quyết liệt của toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, sự phối hợp của các đơn vị liên quan từ trung ương đến địa phương, sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm và uy tín trong việc dạy tiếng Anh.

 

Trong quá trình thực hiện Đề án, bên cạnh việc chỉ đạo nâng cao chất lượng giảng dạy trong toàn bộ hệ thống, Bộ GD&ĐT có kế hoạch xây dựng một số cơ sở giáo dục có năng lực, uy tín làm nòng cốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.Kế hoạch xây dựng các Trung tâm được chuẩn bị cẩn thận và chu đáo với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, cán bộ chuyên môn, các thầy cô giáo và các chuyên gia trong và ngoài nước.

 

Với các trường được giao nhiệm vụ là Trung tâm ngoại ngữ khu vực, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị cần đổi mới nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học; tổ chức nghiên cứu khoa học về xây dựng chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy để phục vụ đào tọa và bồi dưỡng ngoại ngữ cho giáo viên và sinh viên; nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về khảo thí; tăng cường ứng dụng CNTT và công nghệ mới vào dạy học, kiểm tra đánh giá; là nòng cốt trong việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong lĩnh vực ngoại ngữ trên địa bàn khu vực; là đầu mối thu hút nguồn lực quốc tế phục vụ việc dạy học ngoại ngữ cho khu vực, tổ chức đào tạo bồi dưỡng năng lực NCKH như là một hoạt động phát triển giáo viên trong khu vực; chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hành động, liên kết và trợ giúp về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu với các trung tâm khác trong cả nước để tạo thành mạng lưới các trung tâm ngoại ngữ khu vực của Việt Nam.

 

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu các Trung tâm phải có đội ngũ cán bộ, giảng viên vượt trội về năng lực ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học, phương pháp giảng dạy, ứng dụng công công nghệ và khảo thí ngoại ngữ. Mỗi Trung tâm nên tập trung vào một hoặc một số lĩnh vực chuyên sâu làm thế mạnh cho mình. Các cơ sở phải sử dụng hiệu quả bộ máy hiện có, tổ chức phân công đơn vị chuyên trách điều phối các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ, chức năng của Trung tâm, đồng thời phải chủ động xây dựng chiến lược phát triển và lập dự án đăng ký với Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT giao Bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, kết nối các hoạt động của các Trung tâm hiện có và phát triển Trung tâm mới ở các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện và năng lực...