Đầu tư thích đáng cho đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số

08:45, 31/01/2013

Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng học được đầu tư xây dựng khang trang vẫn còn ngai ngái mùi vôi vữa, cô giáo Triệu Thị Mai Dung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ không giấu nổi niềm vui: Nếu không được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các trường dân tộc nội trú thì nhiều em học sinh con em đồng bào dân tộc không được tới trường hoặc có đi học cũng bỏ ngang chừng. Về trường, các em được dạy dỗ, nuôi dưỡng phát triển toàn diện để sau này mang kiến thức đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Huyện Đại Từ với hơn 165.000 người, trong đó các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung ở 11 xã. Hằng năm, số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện khoảng 650 em, trong đó số đang sinh sống tại các xã, xóm thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn khoảng 300 em. Việc thành lập, đầu tư xây dựng Trường Dân tộc nội trú THCS trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của con em các dân tộc trên địa bàn huyện.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Ngô Thượng Chính, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm đến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp ở các xã vùng sâu, vùng xa nói chung, trường nội trú cho con em đồng bào các dân tộc nói riêng. Cụ thể, tỉnh đã đầu tư xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nguyễn Bỉnh Khiêm (Võ Nhai). Chỉ đạo Trường THPT Bình Yên (Định Hóa) tổ chức hệ dạy nội trú THCS cho  học sinh là con em dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Rồi đầu tư tiếp xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Nhờ vậy mà Thái Nguyên là một trong ít tỉnh của khu vực phía Bắc sớm hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, từng bước thực hiện phổ cập giáo dục trung học.

 

Tuy nhiên, số con em đồng bào các dân tộc thiểu số được vào học các trường nội trú không nhiều. Chủ yếu các em vẫn học tại trường ở sở tại, việc đi lại ở các xã khó khăn nên tỷ lệ bỏ học ngang chừng, cũng như tốt nghiệp THCS không học tiếp THPT còn nhiều, vì vậy ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phổ cập giáo dục bậc trung học. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thành lập trường Dân tộc nội trú, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đầu tư xây dựng các trường Dân tộc nội trú. Cuối năm 2011, UBND tỉnh quyết định việc phê duyệt Chương trình phát triển giáo dục Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015. Theo đó, UBND tỉnh quyết định đầu xây dựng mới 3 trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS ở các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ. Quy mô của mỗi trường 250 học sinh. Như vậy, sau Võ Nhai, Định Hóa thì 3 huyện miền núi của tỉnh đều có cơ sở giáo dục dành cho học sinh các dân tộc thiểu số học theo hệ nội trú. Được biết, tổng mức đầu tư 3 trường lên đến trên 111 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và  đào tạo.

 

Trong 3 trường được đầu tư xây dựng thì Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ tiến độ thực hiện nhanh nhất. Trên diện tích đất sử dụng 22.950 m2, Trường được đầu tư xây dựng các hạng mục: Nhà hiệu bộ: 3 tầng; nhà lớp học: 2 tầng 8 phòng; ký túc xá 3 tầng với 36 phòng đáp ứng chỗ ở cho trên 200 học sinh; 10 phòng nhà công vụ cho giáo viên; nhà ăn, nhà kho, bếp nấu cùng các hệ thống các công trình phụ trợ khác rất khang trang, hiện đại.

 

 Những ngày áp Tết chúng tôi đến thăm Trường, mặc dù là ngày nghỉ nhưng không khí lao động ở đây rất sôi nổi. Nhà thầu xây dựng đang gấp rút thi công để cuối tháng 2 này hoàn thiện tiếp nhà lớp học bộ môn, thư viện, thí nghiệm 3 tầng. Còn các thầy cô giáo ở khu nhà công vụ đang tranh thủ tăng gia trồng rau xanh. Sau lời giới thiệu của cô hiệu trưởng, một cô giáo nhanh nhảu: “Nhà báo đến hôm nay đúng là ngày nghỉ, lại là cuối tháng nên học sinh về thăm nhà hết rồi, tiếc thật”. Thấy tôi xuýt xoa khen những luống rau xanh non mỡn, cô Hiệu trưởng Triệu Thị Mai Dung bảo: “Đó là rau các em học sinh tự trồng. Ngoài giờ học trên lớp, tham gia các môn thể thao phù hợp với năng lực của bản thân, chúng tôi định hướng cho các em tích cực lao động trồng rau xanh để cải thiện thêm bữa ăn”.

 

Quan sát khắp khu Trường chúng tôi nhận thấy, ngoài những công trình xây dựng, các khu quy hoạch trồng cây xanh, thì những mảnh đất trống đều được trồng rau xanh. Được biết, năm học 2012-2013, Trường đã tuyển sinh được 4 lớp với 120 học sinh của khối 6, 7. Trong đó ngoài vùng tuyển sinh ở 11 xã và 2 xóm thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện có 13 em học sinh dân tộc thiểu số thuộc 2 xã Bàn Đạt và Tân Khánh (Phú Bình). Học tập dưới mái trường này các em được trang bị đầy đủ từ quần áo, chăn màn, sách, vở, các dụng cụ phục vụ học tập. Mỗi tháng, các em còn được cấp 840 nghìn đồng tiền ăn. Nhà trường tổ chức nấu ăn cho các em học sinh đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Thực tế hiện nay ở những xã miền núi, vùng cao, đội ngũ cán bộ người dân tộc có trình độ cao còn thiếu, mặt bằng chung dân trí thấp, do vậy, kinh tế - xã hội chậm phát triển so với các vùng khác. Việc tỉnh quyết định và đầu tư xây dựng hệ thống các trường phổ thông Dân tộc nội trú với đặc trưng là trường chuyên biệt có nhiệm vụ đào tạo con em các dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ cho các xã, góp phần rút dần khoảng cách trong phát triển kinh tế - xã hội của các xã miền núi với vùng xuôi. Đây là việc làm rất thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc nêu cao vai trò của người cán bộ dân tộc thiểu số trong công cuộc xây dựng đất nước.