Đổi mới tuyển dụng, bố trí việc và trả lương cho nhân lực

15:51, 23/01/2013

Chính phủ sẽ hướng tới trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc sử dụng nguồn nhân lực.

Hiện nay, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện Chiến lược đổi mới cơ chế phát triển nguồn nhân lực đất nước và cơ chế hoạt động của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo của Chính phủ tới các địa phương, Bộ, ngành, được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết tại Hội nghị Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và thực hiện Kết luận số 51-KL/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI diễn ra sáng 23/1 ở Hà Nội.

 

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chiến lược đổi mới cơ chế phát triển nguồn nhân lực đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực theo hướng công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước; đưa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.

 

Trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực chú trọng đến đổi mới tư duy, chính sách của các cơ quan, đoàn thể trong việc sử dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả. Mỗi một địa phương, Bộ, ngành cần phải có chiến lược cụ thể về quy hoạch nguồn nhân lực. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần đổi mới tuyển dụng, sử dụng, bố trí công việc, trả lương nhân lực sao cho phù hợp với quy luật kinh tế thị trường.

 

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 cũng nhấn mạnh về sự khác biệt trong sử dụng nguồn nhân lực của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ hướng tới đẩy mạnh trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản lý, sử dụng nguồn nhân lực.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ngành GD-ĐT có vai trò quan trọng trong việc giúp các địa phương, Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị khác sở hữu được nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Để phát triển nguồn nhân lực đạt hiệu quả, ngành Giáo dục phải chỉ đạo các cơ sở giáo dục phải quen dần với áp lực cạnh tranh để đổi mới chất lượng giáo dục. Từng cán bộ, giáo viên phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới về giáo dục trong xu thế thay đổi của đất nước và hội nhập với thế giới.

 

Muốn đạt được mục tiêu này, các cơ sở giáo dục cấp dưới có thể đánh giá chất lượng hoạt động của có sở giáo dục cấp trên. Trong quá trình giảng dạy, trình độ của giáo viên phải được học sinh-sinh viên đánh giá theo phương thức bình chọn, nhận xét.

 

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có người thầy giỏi. Đây cũng là yếu tố khiến Bộ GD-ĐT cần xem lại việc kêu gọi học sinh, sinh viên giỏi thi tuyển vào ngành Sư phạm và có cơ chế đối với thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ gắn bó với ngành Sư phạm.

 

Trong chính sách đãi ngộ cán bộ quản lý, giáo viên không được cào bằng, bình quân mà phải đưa ra hình thức thưởng-phạt rõ ràng, trả lương phù hợp theo năng lực, sự cống hiến của người thầy cho ngành Giáo dục.

 

Lấy chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm

 

Để thực hiện thành công Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và Hội nhập quốc tế” (Kết luận 51) của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận 51, Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình hành động của ngành Giáo dục với những nội dung:

 

Triển khai đào tạo theo nhu cầu của xã hội; Thực hiện quy hoạch nhân lực ngành Giáo dục; Khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm, thi cử, lạm thu và sử dụng các nguồn thu không đúng mục đích, tiêu cực trong đào tạo vừa học vừa làm, đào tạo liên kết với nước ngoài; Triển khai Chỉ thị số 10 –CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết qủa phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn.

 

Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 tập trung lấy chất lượng giáo dục làm trọng tâm, tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục. Phân luồng chất lượng giáo dục, xây dựng và phát triển các chương trình, mô hình cơ sở giáo dục tiên tiến, chất lượng cao; Phát triển hệ thống các trường phổ thông chuyên.

 

Đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống đào tạo sư phạm

 

Trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 nhấn mạnh đến đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống đào tạo sư phạm về mô hình, chương trình, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng. Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015 và duy trì, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi theo nhu cầu và khả năng của từng địa phương.

 

Chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được xây dựng theo định hướng chú trọng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương.

 

Tập trung vào việc tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và quản lý giáo dục bằng cách thay đổi chính sách tuyển dụng, đánh giá, chế độ đãi ngộ, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh; thu hút các nhà khoa học, giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở các trường ĐH.

 

Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đầu tư tập trung, không bình quân dàn trải, đầu tư đến đâu đạt chuẩn đến đó. Có chính sách đảm bảo nguồn lực tài chính cho một số cơ sở giáo dục Việt Nam đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.