Sinh thời Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến giáo dục toàn diện, với sự cân bằng cả về giáo dục đức lẫn tài và mối quan hệ giữa hai mặt đó trong sự hoàn thiện nhân cách của con người mới – con người xã hội chủ nghĩa. Người từng dạy: "Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất". Đồng thời Người còn chỉ rõ: “Việc giáo dục gồm có: đức, trí, thể, mỹ”. Nền giáo dục toàn diện ngày nay chúng ta hướng tới không nằm ngoài lời dạy của Người, thể hiện qua sự vận dụng sáng tạo kết hợp với chắt lọc sự tiên tiến của các nền giáo dục trong khu vực và trên thế giới.
Tư tưởng giáo dục toàn diện của Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho chúng ta thấy được mô hình chung của con người phải đào tạo trên những định hướng chính về các mặt phẩm chất và tài năng cùng mối liên hệ giữa các mặt đó với nhau để cùng hoàn thiện nhân cách. Đó là cơ sở tư tưởng và lý luận để chúng ta vạch ra chiến lược con người cho thế kỷ XXI, trước mắt là đến năm 2020, trong đó Đảng và Nhà nước ta đã xác định nòng cốt thực hiện là ngành Giáo dục và Đào tạo.
Trong tư tưởng về phương pháp giáo dục, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vấn đề tự học và học tập suốt đời. Người quan niệm: "Về cách học, phải lấy tự học làm cốt". Điều này tương đồng với quan điểm của Lênin: “Học, học nữa, học mãi”. Tư tưởng tự học của Người có thể quy thành 5 vấn đề:
1 - Trong việc tự học, điều quan trọng hàng đầu là xác định rõ mục đích học tập và xây dựng động cơ học tập đúng đắn.
2 - Phải tự mình lao động để tạo điều kiện cho việc tự học suốt đời.
3 - Muốn tự học thành công, phải có kế hoạch sắp xếp thời gian học tập, phải bền bỉ, kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại.
4- Phải triệt để tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để tự học.
5- Học đến đâu, ra sức luyện tập thực hành đến đó.
Đây là cống hiến to lớn và quý báu của Người vào lý luận dạy - học của nước ta mà trong suốt bao năm qua ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Ngày nay, xã hội chúng ta là một xã hội học tập, học tập không ngừng. Đảng và Nhà nước đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai của nước nhà; chỉ có đẩy mạnh giáo dục – đào tạo mới có thể đưa đất nước sớm “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi. Riêng đối với ngành Giáo dục, không những ngày càng đẩy mạnh đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy người học làm trung tâm mà việc học đi đôi với hành đã thực sự được chú trọng, qua đó góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo nước nhà thời gian qua.
Bên cạnh đề cao việc “tự học”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn luôn nhắc nhở những người làm công tác giáo dục phải nhận thức đúng đắn "Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng". Tư tưởng lớn này tạo ra sức mạnh để huy động tất cả mọi lực lượng chính quyền, đoàn thể, gia đình và xã hội tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục, không chỉ bằng mặt vật chất, mà chủ yếu là để xây dựng mặt con người mới cho thế hệ trẻ - những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Còn nhớ sinh thời mặc dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn quan tâm theo dõi chỉ đạo cụ thể, sát sao các phong trào thi đua, như phong trào “dạy tốt, học tốt”, “người tốt, việc tốt”. Tư tưởng “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng” của Người đã được Đảng, nhân dân ta và ngành Giáo dục và Đào tạo vận dụng một cách sáng tạo thành phong trào xã hội hoá giáo dục đang phát triển sôi nổi và rộng khắp trên phạm vi cả nước hiện nay trên cơ sở xây dựng mối quan hệ giữa ba lực lượng giáo dục: Nhà trường - Gia đình - Xã hội.
Trên cả nước, mạng lưới cơ sở giáo dục không ngừng được mở rộng; các loại hình giáo dục ra đời đáp ứng như cầu xã hội; các trung tâm học tập cộng đồng, các cơ sở giáo dục thường xuyên ngày càng được mở rộng với sự tham gia của toàn xã hội. Công tác xã hội hoá chưa bao giờ được coi trọng và đẩy mạnh như ngày nay. Để làm được điều đó, chính là nhờ chúng ta đã nhận thức đúng đắn được quan điểm của Người về "Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng" để phát triển tới quan điểm đúng đắn “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai của đất nước, của dân tộc”.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Người với những giá trị lớn lao mà ngày nay chúng ta vẫn chưa thấu hiểu hết. Những đóng góp của Người trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới thật xứng đáng là một “vị anh hùng giải phóng dân tộc” và là “một nhà văn hóa kiệt xuất”. Không phải nhẫu nhiên mà năm 1987, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, UNESCO đã ra Nghị quyết, khẳng định: “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
Những quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục là một hệ thống quan điểm rất phong phú và hoàn chỉnh. Nếu những quan điểm ấy đã được thực hiện, từ đó đem lại những thành tựu và niền tự hào to lớn cho nền giáo dục mới Việt Nam trong mấy thập niên cách mạng và kháng chiến thì trong thời đại ngày nay, với sự phát triển không ngừng của đất nước cũng như của nhân loại ngày càng đặt ra nhiều đòi hỏi lớn lao đối với nền giáo dục và đào tạo nước nhà, đòi hỏi chúng ta lại càng phải đẩy mạnh nghiên cứu những quan điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục, từ đó có những ứng dụng thích hợp, kịp thời, nhằm đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà tiến lên phía trước, đáp ứng sự mong đợi của toàn xã hội và yêu cầu hội nhập, phát triển mà xã hội đã đặt ra.
Tìm hiểu và vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục, chính là để mở ra con đường hội nhập và phát triển đúng đắn của Việt Nam chúng ta giai đoạn hiện nay và cả sau này, với đường lối chiến lược “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai của đất nước, của dân tộc”, chính là sự kế thừa và phát huy những tư tưởng đúng đắn, sáng suốt với tầm nhìn vượt trước thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục. Đó cũng là lý do mà từ gần 80 năm trước, nhà thơ Xô Viết Ôxíp Mendenxtan khi tìm hiểu về Hồ Chí Minh đã phải kinh ngạc mà nhận xét: Từ Hồ Chí Minh đã tỏa ra một thứ văn hóa không phải chỉ của quá khứ và hiện tại mà còn là tiêu biểu cho nền văn hóa của tương lai. Điều đó không có gì làm lạ khi từ lâu chúng ta đã hiểu Hồ Chí Minh không chỉ là sự hội tụ của tinh hoa văn hóa, trí tuệ dân tộc và nhân loại mà Người còn là tương lai của nước Việt Nam ngàn năn văn hiến này. Đó là di sản tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc ta. Đó là những giá trị mà Hồ Chí Minh, đại diện cho cả dân tộc Việt Nam đóng góp làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của nhân loại.
Cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng chúng ta trên con đường xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trong đó giáo dục và đào tạo luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trong yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, không gì hơn là chúng ta bắt đầu học tập và vận dụng từ chính những tư tưởng đạo đức của Người về giáo dục và đào tạo, mà ở trên đây mới chỉ là những phân tích sơ lược nhất.