Thực trạng hiện nay, trình độ học vấn của học sinh nông thôn và học sinh thành thị còn có khoảng cách nhất định. Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm rút ngắn khoảng cách này.
Củng cố và tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, cơ sở giáo dục ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, ngành giáo dục đã sử dụng hiệu quả mọi nguồn vốn tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thu hút trẻ đến trường. Tập trung làm tốt việc đầu tư phát triển số lượng, nâng cao chất lượng của trường đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 nhằm thực hiện mục tiêu tiếp tục xóa bỏ tình trạng học 3 ca, phòng học tạm, giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hợp tác quốc tế cũng được tăng cường, thu hút các nguồn tài trợ, các dự án vay vốn nước ngoài để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường học vùng nông thôn, khó khăn, thực hiện các tiêu chí về giáo dục trong chương trình xây dựng nông thôn mới của quốc gia.
Chăm lo và đầu tư cho phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm với việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các vùng nông thôn, khó khăn; xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn mức độ cao ở mỗi cấp học; tăng cường công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và dự giờ thăm lớp; đổi mới tổ chức rút kinh nghiệm giảng dạy ở các tổ chuyên môn, hội thảo cấp trường, cụm trường, địa phương; tổ chức hội thi giáo viên giỏi các cấp theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT cũng quan tâm tăng cường nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục thuộc các vùng nông thôn, khó khăn. Đồng thời, chú trọng tổ chức cho giáo viên nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, sáng kiến cải tiến; quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học ở mỗi cơ sở giáo dục, mỗi cấp học ở địa phương.
Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương dạy học theo Chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với các đối tượng học sinh và điều kiện thực tế ở những vùng nông thôn, khó khăn. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày ở những nơi có điều kiện; Thực hiện Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 01/9/2011 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông các môn học theo hướng tinh giảm từ năm học 2011-2012; chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt Chương trình giáo dục phổ thông, lựa chọn các nội dung phù hợp với vùng, miền và thực tiễn của nhà trường; tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa trên Chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông, tránh nặng nề, quá tải.
Giáo viên sử dụng hợp lý sách giáo khoa khi giảng bài trên lớp, tăng cường sử dụng hợp lý công nghệ thông tin trong các bài giảng; khai thác tối đa hiệu năng các thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn, phòng học bộ môn; coi trọng thực hành, thí nghiệm; bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh theo Chuẩn kiến thức và kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng liên hệ thực tế trong giảng dạy phù hợp với nội dung từng bài học, phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập của học sinh và vai trò chủ đạo của giáo viên trong tổ chức quá trình dạy học; tổ chức hợp lý cho học sinh làm việc cá nhân và theo nhóm; rèn luyện kỹ năng tự học, tạo điều kiện cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo.
Một giải pháp quan trọng là tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục, củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ; đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, đảm bảo chất lượng phổ cập giáo dục thực chất. Huy động được nhiều trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đi học.
Các địa phương đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục phải rà soát lại các chỉ tiêu để kịp thời có các giải pháp giữ vững và nâng cao chất lượng, tỉ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Các địa phương ở vùng khó khăn cần tăng cường đầu tư kinh phí, huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi đi học, vận động học sinh bỏ học đi học trở lại, phụ đạo học sinh, tăng cường đội ngũ giáo viên, mở rộng các hình thức tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục thường xuyên, đưa lớp học về các cụm dân cư; tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể; tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương để thực hiện xã hội hóa công tác phổ cập giáo dục.