Sẽ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng

07:56, 24/01/2013

Ngày 22-1, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến về giáo dục đại học và các kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh giỏi, Ô-lim-pic và thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm 2013 ở sáu điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Tại hội nghị, nhiều vấn đề "nóng" về giáo dục đại học, nhất là những điểm mới trong thi, tuyển sinh năm 2013 đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.  

Thêm vùng khó khăn được xét tuyển thẳng

 

PGS, TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD và ÐT) cho biết: Kết thúc năm 2012, theo báo cáo của 342 đại học, học viện, trường đại học và trường cao đẳng đã xét tuyển và triệu tập hơn 462 nghìn thí sinh trúng tuyển nhập học, đạt tỷ lệ 83% so với chỉ tiêu. Trong đó, các trường đại học tuyển được hơn 266 nghìn thí sinh (đạt tỷ lệ 88% so với chỉ tiêu), các trường CÐ tuyển được gần 196 nghìn thí sinh (đạt tỷ lệ 78% so với chỉ tiêu). Ðáng chú ý, năm 2012 là năm đầu thực hiện quy chế xét tuyển được 2.638 thí sinh có hộ khẩu thường trú ở các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

 

Bộ GD và ÐT cho biết: Về chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 vẫn giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh ÐH, CÐ hệ chính quy năm 2013 và khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật;... Chỉ tiêu liên thông đại học, cao đẳng chính quy được xác định trong tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng chính quy của trường và chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu này; chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy. Tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học theo lộ trình giảm 20%/năm và chấm dứt đào tạo trung cấp trong các trường đại học trước năm 2017.

 

Ðiểm mới trong kỳ thi, tuyển sinh ÐH, CÐ hệ chính quy sẽ bổ sung ban chấm thanh tra trực thuộc hội đồng tuyển sinh trường. Ban chấm thanh tra có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn thi tự luận. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển (20-8), thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30-10.

 

Ðáng chú ý, trong tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2013 dự kiến sẽ tuyển thẳng những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Ô-lim-pic khu vực và quốc tế, học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp THPT. Ngoài học sinh các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP  được tuyển thẳng như trước đây, năm 2013, học sinh ở 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ, được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị sáu tháng. Trong tuyển sinh, các trường ÐH, CÐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, học ba năm liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn một điểm và phải học dự bị sáu tháng...

 

Giao quyền tự chủ cho các trường

 

Tại hội nghị, phần lớn các địa phương, các trường đều đồng tình với những thay đổi trong các kỳ thi, tuyển sinh năm 2013 của Bộ GD và ÐT đề ra. Tuy nhiên, năm 2013 Luật Giáo dục ÐH sẽ chính thức có hiệu lực, vì vậy, vấn đề tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ÐH, CÐ được quan tâm chú trọng. Phó Giám đốc ÐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Năm 2013, Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, trong đó nhấn mạnh vấn đề khẳng định một số quyền của các trường, nhất là quyền liên quan đến vấn đề tuyển sinh. Do đó, kế hoạch đổi mới tuyển sinh cần triển khai cấp bách  hơn. Vì kỳ thi "ba chung" và kế hoạch đặt ra so với hiệu lực của Luật Giáo dục đại học không còn phù hợp nữa.

 

Ở một khía cạnh khác, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Lâm nghiệp Nguyễn Ngọc Tuấn nhìn nhận, những dự kiến đổi mới tuyển sinh 2013 đã tính đến phát sinh trong thực tiễn công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, việc thành lập ban chấm thanh tra các trường nên có quy định cụ thể hơn. Ngoài ra, việc cho thí sinh mang máy quay, ghi âm không có chức năng phát ra ngoài cũng gây nhiều khó khăn cho các trường trong công tác tổ chức thi, tuyển sinh... Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ quy định này. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng GD và ÐT Bùi Văn Ga, về việc cho phép thí sinh mang thiết bị thu hình, thu tiếng vào phòng thi chính là nâng cao tinh thần trách nhiệm cho giám thị, tạo kênh giám sát vô hình để giám thị có trách nhiệm hơn chứ không phải khuyến khích thí sinh mang máy vào quay. Bộ cũng khẳng định sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế thông qua việc chấm thẩm định và sẽ công khai vi phạm.

 

Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phạm Vũ Luận: Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, các trường sẽ tự chủ tuyển sinh. Tất cả các trường có quyền tổ chức tuyển sinh nhưng phải lập phương án để bộ phê duyệt, nhưng không làm kiểu "tháo khoán" với  tất cả các trường. Tất cả các trường lập phương án và đủ các điều kiện bảo đảm tuyển sinh nghiêm túc là bộ phê duyệt. Bộ trưởng GD và ÐT cũng đề nghị các trường phát huy tính chủ động sáng tạo, thay đổi bài bản trật tự và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

 

- Kết quả chấm thẩm định một số bài thi tốt nghiệp THPT năm 2012 cho thấy, một số lượng đáng kể các bài thi có điểm cao hơn từ một đến ba điểm và cao hơn so với đáp án và thang điểm của Bộ GD và ÐT.

 

- Năm 2012, Bộ GD và ÐT thành lập Hội đồng chấm thẩm định 1.405 bài thi tự luận của một số trường ÐH, CÐ cho thấy, công tác chấm thi của các trường chưa nghiêm túc, không chấm hai vòng độc lập theo quy định, có biểu hiện đánh dấu bài...

 

Ðiểm mới trong thi tốt nghiệp THPT 2013: Bộ GD và ÐT bổ sung quy định về việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi các môn thi tự luận, đồng thời tổ chức hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận. Riêng đề thi sẽ đổi mới công tác ra đề theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị - xã hội và yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp.