Nhà ở xa trường, con đường từ trong bản, trong làng đến trường học quá xa nên việc đi lại của học trò vùng cao những năm trước đây khó khăn lắm. Nhưng giờ thì khác rồi, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú dành cho học sinh vùng khó đã được các địa phương áp dụng theo chủ trương của Bộ GD-ĐT đã nhanh chóng tạo được hiệu quả đối với các em học sinh…
Mái ấm cho con chữ “neo đậu”
Em Lý Thị Ban học sinh Trường PTCS bán trú Tân Tiến (Lào Cai) vui mừng thổ lộ: “Nhà em cách trường gần chục cây số đường dốc núi, khó đi lắm, em định bỏ học về nhà nhưng được thầy cô động viên đưa về ở nhà bán trú và được nhà nước hỗ trợ ăn ở nên em có thêm quyết tâm để xuống núi học chữ”. Chúng tôi hiểu, đây không chỉ là tâm trạng của riêng em Lý Thị Ban mà là niềm vui, niềm hạnh phúc khi được Nhà nước hỗ trợ bởi mô hình trường dân tộc bán trú như hiện nay.
Ở hầu khắp các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ… nơi có những vùng đặc biệt khó khăn về khoảng cách địa lý và điều kiện kinh tế xã hội thì việc áp dụng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú là hết sức đúng đắn. Nếu như trước đây, khi chưa có mô hình này, các trường tại các địa phương rất chật vật về việc duy trì sĩ số học sinh, duy trì phổ cập. Nhưng từ khi áp dụng, hầu hết các trường đều duy trì từ 95-100% số lượng học sinh nơi có địa bàn xa trường. Học sinh thêm yêu và gắn bó với trường lớp hơn, thích xuống núi học chữ hơn và không bỏ học như trước nữa.
Được nhà nước hỗ trợ tiền ăn, tiền sinh hoạt, sự chung tay của phụ huynh học sinh, đa số các trường đã tổ chức nấu ăn cho học sinh ngay tại bếp ăn của nhà bán trú. Như thế, gánh nặng về bát cơm hằng ngày của các em dường như đã được đỡ đi rất nhiều, học sinh yên tâm học tập. Trước đây, học sinh vùng cao chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh còn nghèo, thiếu thốn, địa bàn phức tạp và đồi núi cách trở nên việc đi lại rất khó khăn... Vì vậy, thực hiện mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú là nhân tố quan trọng, động lực để các em được tới trường. Nếu như trước đây, nhiều gia đình lo cho bữa ăn hàng ngày đã khó sao mơ con mình được học cao hơn nữa, chỉ cần học biết mặt chữ là bắt về tham gia lao động, hay cưới vợ, cưới chồng rồi sinh con. Chính vì thế mà tình trạng học sinh bỏ học cao, tỷ lệ chuyên cần thấp, trình độ dân trí chưa được nâng lên. Nay, trình trạng đó đã được khắc phục đáng kể nhờ hiệu quả mang lại từ mô hình trường bán trú.
Sức hút từ những việc làm cụ thể
Chúng tôi đi thực tế tại huyện Bảo Yên (Lào Cai), nơi có nhiều địa bàn còn khó khăn và đây cũng là địa phương bước đầu áp dụng thành công mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú.
Sau hai năm thực hiện bán trú, tính đến thời điểm này toàn huyện có trên 15 trường có học sinh ở bán trú, trong đó 2 trường chuyển đổi thành mô hình PTDT bán trú là trường PTDT bán trú xã Kim Sơn (trước đây là Trường THCS số 2 Kim Sơn) và Trường PTDT bán trú xã Tân Tiến (trước đây là Trường THCS Tân Tiến); còn các trường mầm non theo chế độ hỗ trợ nên nấu ăn cho các cháu cơm trưa. Mỗi em học sinh bán trú được hưởng 420 nghìn đồng/tháng, các em đều ăn ở lại trường cuối tuần mới về nhà. Nhà trường cắt cử giáo viên đứng bếp nấu ăn ngày ba bữa, khẩu phần bữa ăn đảm bảo chất dinh dưỡng và được thay đổi thường xuyên; giáo viên trực bán trú cũng quản lý chặt chẽ, đôn đốc các em học bài, sinh hoạt theo giờ giấc quy định. Sau khi tan học, buổi chiều cả thầy trò đều ra chăm sóc vườn rau xanh để cải thiện bữa ăn; ăn tối xong các em xem ti vi đến 7 giờ thì lên lớp ôn bài. Tuy nhiên, để đủ sinh hoạt ăn uống cho các em, nhà trường cũng huy động sự chung sức của phụ huynh như góp thêm gạo cho mỗi em khoảng 10kg gạo/tháng. Nói là góp, nhưng em nào hoàn cảnh khó khăn không có thì các giáo viên lại bù vào cho đủ, không để các em phải nhịn đói.
Hiệu quả rõ nét nhất của mô hình bán trú là ở Trường PTDT bán trú xã Tân Tiến. Thầy giáo Hiệu trưởng Lục Tiến Vinh cho biết: Từ khi trường thực hiện mô hình bán trú số lượng học sinh tăng lên, từ chỗ chỉ có hơn 100 em năm học 2010 - 2011, tăng lên 156 em năm học 2012 - 2013; học sinh ở bán trú cũng tăng lên 96 em so với những năm học trước chỉ có trên 40 em; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần; tỷ lệ chuyên cần đạt trên 90%. Từ khi trường chuyển đổi mô hình bán trú thì đã có học sinh giỏi, học sinh khá tăng lên, đặc biệt trường đã có học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện... Đồng thời, nhà trường đưa ra sáng kiến giáo viên góp tiền mua lợn, gà và hạt giống rau, nứa rào để các em học sinh chăm sóc. Hàng ngày có rau xanh cải thiện bữa ăn; gà, lợn thì đến ngày lễ, tết giáo viên tổ chức nấu cơm liên hoan vui vẻ cùng các thầy cô giáo. Qua việc lao động tập thể, các giáo viên đã rèn luyện cho các em kỹ năng sống, lao động và xây dựng tình đoàn kết gắn bó giúp đỡ lẫn nhau giữa các em học sinh của dân tộc này và các em dân tộc khác, tạo một môi trường giáo dục thân thiện, tích cực và lành mạnh. Niềm vui được nhân lên, vừa qua, được sự quan tâm của huyện, nhà trường đã nhận bàn giao đưa vào sử dụng 8 phòng ở và 1 công trình vệ sinh nước sạch cho học sinh bán trú với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng, góp phần tạo cho nhà trường có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn.
Thầy giáo Nguyễn Tùng Sơn- Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tân Tiến cho biết: “Từ khi áp dụng mô hình trường bán trú, học sinh trên núi tích cực xuống núi học chữ, các thầy cô không vất vả vận động như trước nữa, học sinh gắn bó với trường lớp hơn”.
Tại huyện Tân Sơn (Phú Thọ), Trường THCS Đồng Sơn đã áp dụng khá thành công mô hình này. Dù bữa ăn của học sinh còn nhiều khó khăn nhưng hai năm trở lại đây, số học sinh ở Xóm Măng, Xóm Mới, Bến Thân cách trường gần chục cây số đã tích cực ở lại khu bán trú để học chữ. Tỷ lệ học sinh bỏ học hầu như được “xóa sổ”. Nhà trường tổ chức nấu ăn cho học sinh tại bếp ăn. Nhờ vậy, các em sẽ có thời gian học tập nhiều hơn.
Những ngày cuối năm, thời tiết vùng cao với rét đậm rét hại có ảnh hưởng không nhỏ tới chuyện học tập của học sinh. Theo các thầy cô giáo ở các điểm trường thì nhờ có mô hình trường bán trú dân nuôi, năm nay, tỷ lệ học sinh nghỉ học vì rét không nhiều như những năm trước đây, các em được ở tại nhà bán trú, có chăn ấm và chế độ ăn uống hợp lý nên các trường vẫn duy trì được lịch học.
Tuy có nhiều tín hiệu đáng mừng từ mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng vẫn còn đó những khó khăn mà các địa phương phải vượt qua. Đa số các trường bán trú cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn; đời sống sinh hoạt của thầy và trò tại các điểm trường còn gặp nhiều vất vả. Đặc biệt, có một số bậc phụ huynh chưa nhận thức hết nên phó mặc con cái mình cho giáo viên, nhà trường chăm sóc; có những trường hợp đặc biệt phụ huynh còn đến trường bắt con bỏ học, đòi tiền hỗ trợ của con mình không cho ở bán trú nữa... Đồng thời, trước đây việc chi trả tiền hỗ trợ của Nhà nước cho các em học sinh còn chậm, Hiệu trưởng các trường đều phải vận dụng để có tiền nuôi các em bán trú, ban giám hiệu phải linh hoạt vay mượn từ các khoản khác mua lương thực, thực phẩm phục vụ ăn uống cho các em hàng ngày, sau đó mới nhận tiền hỗ trợ về bù vào, hiện nay đã cải thiện hơn, hàng tháng được quyết toán đầy đủ theo quy định. Vì vậy, tại các địa phương thuộc vùng khó vẫn cần sự chung tay hơn nữa của Nhà nước và các lực lượng xã hội để mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú thực sự là nơi “neo đậu” con chữ của học trò vùng cao.