Để thu hút người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài về nước làm việc, Đảng, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành một số chủ trương, kế hoạch nhằm hoàn chỉnh hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài xác định cần “xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà”. Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW kèm theo Quyết định số 110/2004/QĐ-TTg ngày 23/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Quyết định số 365/QĐ-TTg ngày 20/3/2009, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng. Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Dự thảo Quyết định quy định chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động giảng day, NCKH và chuyển giao công nghệ trong cơ sở GDĐH Việt Nam
Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay, công dân Việt Nam đi học nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau: tự túc kinh phí, học bổng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cấp trực tiếp cho người học, học bổng từ nguồn ngân sách nhà nước Việt Nam, học bổng Chính phủ các nước cấp theo Hiệp định/Thỏa thuận ký kết với Chính phủ Việt Nam,...
Các chương trình học bổng dành cho người đi học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập sinh tại nước ngoài do Bộ GD&ĐT tạo đang quản lý, gồm: Học bổng của Chính phủ Việt Nam (Học bổng theo Đề án 322, Đề án 911 và Học bổng theo Đề án Xử lý nợ với Liên bang Nga); Học bổng Chính phủ các nước cấp theo Hiệp định/Thỏa thuận ký kết với Chính phủ Việt Nam; Các chương trình học bổng nước ngoài khác dành cho Việt Nam mà Bộ GD&ĐT phối hợp tuyển sinh như chương trình học bổng của Chính phủ Singapore, Nhật Bản, Ô-xtrây-lia, Niu Di-lân, Thái Lan, Hàn Quốc, Bru-nei,…).
Từ năm 2000 đến nay, bằng các chương trình học bổng nêu trên, Bộ GD&ĐT đã cử trên 12.000 người đi học nước ngoài. Trong số đó, hầu hết những người được cử đi học đã hoàn thành chương trình đào tạo và trở về nước. Những lưu học sinh này hiện đang công tác tại các các Bộ ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước, giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, trung tâm công nghệ cao, doanh nghiệp lớn của nhà nước,… Họ đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Có một số rất ít người được cử đi học, sau khi học xong đã ở lại nước ngoài làm việc hoặc vì các lý do cá nhân; theo quy định của pháp luật hiện hành, những lưu học sinh này phải bồi hoàn kinh phí đào tạo cho Nhà nước.
Đối với số lưu học sinh hưởng học bổng ngân sách nhà nước nhưng khi học xong không chịu về nước, Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện hướng dẫn và thu hồi kinh phí bồi hoàn theo 2 hướng xử lý:
Trường hợp cán bộ do cơ quan cử đi học được Bộ GD&ĐT làm văn bản thông báo cho cơ quan về tổng kinh phí đã cấp cho lưu học sinh và đề nghị cơ quan phối hợp xử lý theo quy trình xét bồi hoàn của nhà nước và yêu cầu lưu học sinh nộp tiền bồi hoàn ngân sách nhà nước vào tài khoản quy định;
Trường hợp sinh viên và người tốt nghiệp chưa có cơ quan công tác, Bộ GD&ĐT họp xét các trường hợp bồi hoàn và có quyết định mức bồi hoàn gửi đến lưu học sinh yêu cầu thực hiện bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho biết, việc thu hồi kinh phí đào tạo của một số đối tượng nêu trên rất khó khăn. Mặc dù đã thực hiện được việc thu hồi kinh phí của một số lưu học sinh có ý thức và khả năng thực hiện bồi hoàn ngay, nhưng có một số trường hợp xin bồi hoàn làm nhiều lần và cá biệt cũng có trường hợp Bộ GD&ĐT đã yêu cầu bồi hoàn nhưng chưa nhận được phản hồi từ cơ quan công tác và từ lưu học sinh. Cơ chế thu hồi kinh phí bồi hoàn hiện nay chưa chặt chẽ và khả thi nên Bộ GD&ĐT, các cơ quan chủ quản và cơ quan công tác đã cử lưu học sinh đi học rất khó có thể thực hiện yêu cầu lưu học sinh nộp bồi hoàn cho nhà nước.
Bộ GD&ĐT cho rằng, việc bồi hoàn này cần có sự phối hợp chặt chẽ từ phía Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính, gắn nghĩa vụ bồi hoàn này với các xử lý cấp hộ chiếu, gia hạn hộ chiếu của công dân Việt Nam ở nước ngoài, theo dõi thu nhập cá nhân và thu hồi kinh phí bồi hoàn cho nhà nước từ các nguồn thu của cá nhân do Cơ quan thuế và cơ quan làm việc trực tiếp của các cá nhân cùng tham gia kiểm soát thì công tác này mới có thể đạt hiệu quả cao hơn, giảm được sự thất thoát kinh phí đào tạo của nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 25/12/2012, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo (lần 2) Nghị định quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo. Nghị định này quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo đối với người học chương trình giáo dục cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam mà không chấp hành sự điều động làm việc của nhà nước sau khi tốt nghiệp.