Bảo đảm chất lượng giáo dục bậc đại học

09:05, 07/02/2013

Chất lượng giáo dục đại học (ÐH) liên quan chặt chẽ đến việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế- xã hội, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT), đến nay chất lượng giáo dục ÐH vẫn còn nhiều yếu kém trong quá trình đổi mới.  

Chất lượng đào tạo ÐH còn thấp

 

Ðánh giá của Bộ GD và ÐT cho thấy, năm học 2011-2012, quy mô đào tạo ÐH, Cao đẳng (CÐ) chính quy là hơn 1,74 triệu sinh viên. Tuy nhiên, do quy mô đào tạo tăng nhanh nên các điều kiện bảo đảm chất lượng không theo kịp dẫn đến chất lượng đào tạo còn thấp. Việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo ở các trường ÐH còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; phương pháp giảng dạy ở các trường còn nặng về truyền đạt một chiều, thụ động. Ðặc biêt, tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc chức danh khoa học thấp, với 286 giảng viên là giáo sư, (chiếm 0,5% tổng số giảng viên), khoảng hai nghìn phó giáo sư (chiếm 3,37%), tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm 14,27%.

 

Ðáng chú ý, trong cơ cấu các hệ đào tạo, chất lượng đào tạo hệ không chính quy thấp làm cho nhiều địa phương, đơn vị sử dụng lao động từ chối tuyển những người tốt nghiệp hệ này. Các trường chủ yếu tuyển sinh ngành dễ dạy, dễ học, ít phải đầu tư cơ sở vật chất, không phải thí nghiệm thực hành (chiếm hơn 80% so tổng quy mô đào tạo không chính quy). Trong khi đó, xu thế mở ngành đào tạo cũng tập trung chủ yếu vào các ngành ít tốn kém trong quá trình đào tạo. Nhiều lớp học mở tại các địa phương không bảo đảm môi trường sư phạm, tổ chức giảng dạy không chặt chẽ. Việc tính toán các điều kiện bảo đảm chất lượng (giảng viên cơ hữu quy đổi và diện tích sàn xây dựng) để xác định chỉ tiêu tuyển sinh không đúng, thiếu chính xác, vượt quá năng lực. Kết quả thanh tra 30 trường ÐH, CÐ trên cả nước thì có tới 23 trường vi phạm các quy định bảo đảm chất lượng, tuyển sinh. Mặt khác, các điều kiện bảo đảm chất lượng trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn rất hạn chế. Trong 1002 ngành hoặc chuyên ngành được rà soát năm 2012 thì có tới 161 chuyên ngành thuộc 50 cơ sở đào tạo thạc sĩ không bảo đảm các điều kiện theo quy định...

 

Vụ trưởng Giáo dục ÐH, Bộ GD và ÐT Bùi Anh Tuấn đánh giá: Việc chấp hành kỷ cương pháp luật trong hoạt động giáo dục ÐH ở một số cơ sở chưa nghiêm, dẫn đến nhiều sai phạm. Ðặc biệt, việc chuyển đổi từ tư duy "không làm sai" sang "làm tốt" trong đội ngũ cán bộ quản lý còn chậm. Những con số nêu trên cho thấy năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ hoặc chức danh khoa học chỉ đáp ứng 61% số học viên cao học hiện nay, tính theo tất cả các lĩnh vực, ngành đào tạo. Do thiếu công trình nghiên cứu khoa học, các trường ÐH Việt Nam luôn bị xếp hạng thấp so các đại học trên thế giới và trong khu vực ASEAN.

 

Cần đổi mới đồng bộ

 

Ðể khắc phục những hạn chế, yếu kém, Bộ GD và ÐT xác định trong năm 2013 sẽ siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng đào tạo. Toàn ngành tập trung thực hiện: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới công tác quản lý; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng trong tất cả các khâu hoạt động; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết bảo đảm chất lượng của các trường trong toàn hệ thống.

 

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Lê Văn Thành cho rằng, ngoài những giải pháp trên, Bộ GD và ÐT cần thêm những giải pháp hữu hiệu hơn. Ðơn cử cả nước hiện có hơn 30 cơ sở đào tạo kỹ sư công trình, kỹ sư xây dựng. Với tốc độ như hiện nay, năm năm nữa nhân lực của lĩnh vực trên sẽ dư thừa. "Vì thế, Bộ GD và ÐT cần cơ cấu lại việc mở ngành theo hướng tập trung vào các trường đào tạo có chất lượng" - Hiệu trưởng Lê Văn Thành đề xuất. Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Xuân Trạch lại nhấn mạnh việc Bộ GD và ÐT cần xây dựng tiêu chí khách quan, minh bạch trong phân bổ ngân sách cho các trường và để cho cơ sở đào tạo tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước cơ quan kiểm toán nhà nước.

 

Ðáng chú ý, theo Phó giám đốc ÐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD và ÐT cần có những dự báo, đánh giá, định hướng phát triển cho các trường ÐH cũng như đánh giá vị thế, thứ hạng các trường ÐH của Việt Nam thực tế hiện nay như thế nào, hằng năm có chuyển biến không. Khi Luật Giáo dục ÐH có hiệu lực từ năm 2013 đã khẳng định một số quyền của các trường ÐH thì Bộ GD và ÐT khi ban hành các văn bản dưới luật phải hướng tới thừa nhận quyền của các trường ÐH. Bộ GD và ÐT thay vì quy định quá chi tiết, cụ thể các vấn đề thuộc hoạt động thường xuyên của các trường bằng việc đưa ra các quy định mang tính nguyên tắc chung trên tinh thần Luật giáo dục ÐH. Vì thực tế thời gian vừa qua, các văn bản quy định của Bộ GD và ÐT quá chi tiết nên nhanh lạc hậu dẫn đến thay đổi liên tục đã gây khó khăn cho các trường.

 

Có thể nói, nhiều cách tiếp cận truyền thống về quản lý, phát triển giáo dục ÐH cần được thay đổi. Năm 2013 là năm đầu thực hiện Luật giáo dục ÐH cần có sự đổi mới toàn hệ thống từ Bộ GD và ÐT đến các cơ sở giáo dục ÐH cũng như các cấp, ngành liên quan trong hoàn thiện cơ chế quản lý, phát huy tính năng động, sáng tạo của tất cả các thành phần trong hệ thống giáo dục ÐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.