Trong không khí phấn khởi chào đón năm mới 2013, cùng với việc quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT cả nước đang cùng với các Bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chính phủ đã có Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên cả nước, việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới (CTMTQGXDNTM) đã và đang được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh tới cơ sở chỉ đạo sâu sát, quyết liệt.
Trong thời gian qua, ngành GD-ĐT đã triển khai đồng bộ nhiệm vụ chính trị trọng tâm: công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, chống mù chữ và PCGDTH, PCGDTHCS, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, công tác hướng nghiệp dạy nghề, củng cố và phát triển hệ thống các TTGDTX cấp tỉnh, cấp huyện, trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giúp đỡ các địa phương về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Song song với đó, ngành GD-ĐT cả nước đang tích cực “đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế” theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tiêu chí số 5: Trường học và tiêu chí số 14: Giáo dục thuộc nhiệm vụ của ngành GD-ĐT. Hiện nay, các cấp quản lý giáo dục tại các địa phương đang nỗ lực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch và hoàn thành các nội dung, mục tiêu trong 2 tiêu chí trên. Việc thực hiện thắng lợi CTMTQGXDNTM sẽ góp phần cùng toàn ngành “đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam”.
Kiên trì thực hiện các tiêu chí
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Bộ GD-ĐT đã thành lập Ban chỉ đạo CTMTQGXDNTM của Bộ nhằm giúp Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng CTMTQGXDNTM của ngành GD-ĐT theo đúng yêu cầu và tiến độ thời gian quy định.
Ngay sau khi thành lập, Ban chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương trong cả nước thống kê, đánh giá thực trạng về cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị trường học để tổng hợp toàn ngành, báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương và làm căn cứ cho việc lập kế hoạch phát triển giáo dục từ năm 2011 và các năm tiếp theo. Đồng thời, yêu cầu các Sở cần bám sát mục tiêu quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế, điều kiện cụ thể của địa phương để xác định mức chỉ tiêu phấn đấu hàng năm cho phù hợp.
Bên cạnh đó, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã đưa nhiệm vụ thực hiện CTMTQGXDNTM vào tiêu chuẩn đánh giá, chấm điểm các lĩnh vực công tác đối với các Sở GD-ĐT để kiên trì phấn đấu thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (DXNTM) của ngành GD-ĐT .
Sau 2 năm triển khai chương trình hiện nước đã có 5.177/9.084 xã phê duyệt xong quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới, 12% số xã đã và đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết. Như vậy tỷ lệ các xã phê duyệt xong quy hoạch NTM trên cả nước đạt 68%. Trong đó đã có động thái tích cực là tính đến nay, hầu hết Sở GD-ĐT đã có kế hoạch XDNTM lĩnh vực GD-ĐT giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đánh giá, ngành GD-ĐT các địa phương trong cả nước đang có những thuận lợi và khó khăn nhất định để thực hiện tiêu chí số 5 và tiêu chí số 14.
Những thách thức
Theo lộ trình thực hiện Chương trình, năm 2012 các địa phương phải tổ chức hoàn thiện việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể và lập đề án XDNTM ở các xã theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Việc thực hiện tiêu chí số 5 và tiêu chí số 14 trên địa bàn nông thôn cả nước gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực. Bởi lẽ các xã có trường học MN, TH, THCS chưa đạt chuẩn quốc gia về CSVC là những xã thiếu thốn về nguồn lực và sự nghiệp giáo dục phát triển chậm nhất trên từng vùng, miền trong cả nước. Các địa phương này cần có sự huy động lớn về nguồn vốn đầu tư xây dựng CSVC, thiết bị trường học và đội ngũ giáo viên để thực hiện tiêu chí số 5 và tiêu chí số 14 của Chương trình.
Đơn cử như tại tỉnh Hòa Bình, từ nay đến năm 2015, địa phương này đang gặp phải khó khăn trong việc hoàn thành xây dựng tiêu chí số 5 trong Bộ tiêu chí quốc gia XDNTM: 70% trường học các cấp Mầm non, Tiểu học, THCS có CSVC đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể, tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh còn chậm. Hiện nay, trong số 587 trường học các cấp của các xã thuộc CTMTQGXDNTM chỉ có 106 trường có CSVC đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ rất thấp 18%, thiếu hụt 52% so với bộ tiêu chí NTM đề ra.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, về tiến độ chung của công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên cả nước thì trong tổng số 39.578 trường Mầm non, Tiểu học, THCS có 12.706 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ chung 32%. Tuy nhiên ở mỗi bậc học, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lại cao thấp khác nhau. Cụ thể, ở bậc học MN có 2.828/13.446 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 21%, Ở tiểu học có 7.130/15.273 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 46,7%, THCS có 2.748/10.859 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 25% thiếu hụt rất lớn so với yêu cầu đặt ra trong Bộ tiêu chí XDNTM.
Theo cách tiếp trên đây thì với 9.084 xã đang triển khai XDNTM trong cả nước sẽ có 27.252 trường học. Theo lộ trình của CTMTQGXDNTM, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 20% số xã đạt chuẩn NTM. Như vậy, sẽ có 5.450 trường MN, TH, THCS phải xây dựng đạt chuẩn quốc gia từ nay đến 2015.
Giải pháp đồng bộ
Trước khó khăn thách thức trên đây, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương hướng dẫn, yêu cầu Sở GD-ĐT các địa phương trong việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng CSVC, quy hoạch mạng lưới trường lớp hàng năm phải đặc biệt chú trọng đến khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục vùng nông thôn. Trên cơ sở nguồn vốn huy động được, lồng ghép với các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu để xác định danh mục đầu tư, thứ tự ưu tiên thực hiện các công trình, dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị nhằm đạt được từng tiêu chí quốc gia về giáo dục trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Về tiêu chí phân luồng thu hút học sinh học bổ túc, học nghề, Bộ GD-ĐT đã đặt ra mục tiêu đến 2020 phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề. Đồng thời, xây dựng các chính sách hướng nghiệp trong các trường phổ thông, thực hiện phân luồng học sinh sau THCS; xây dựng cơ chế liên thông giữa dạy nghề với các bậc học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân để phối kết hợp với Bộ LĐ,TB-XH cơ quan chủ trì, triển khai thành công Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011-2020. Nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu vào năm 2015 (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ là 20%) và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ là 23%);
Việc thực hiện tiêu chí số 5 và tiêu chí số 14 về xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của các cấp quản lý giáo dục (Bộ, Sở, Phòng GD-ĐT) và các cơ sở giáo dục trong cả nước. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng giáo dục đào tạo để có căn cứ lập quy hoạch, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đồng thời với việc xây dựng CSVC và thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em đạt chuẩn quốc gia của chương trình, Sở GD-ĐT các tỉnh phải chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng trường học các cấp trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia về các tiêu chí khác như đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục toàn diện.... Tránh tình trạng trường học đạt chuẩn quốc gia về CSVC, thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em nhưng các chỉ tiêu khác không đạt yêu cầu của trường chuẩn quốc gia.