Phát huy tính sáng tạo trong giảng dạy ở cấp tiểu học

14:41, 05/02/2013

Đổi mới phương pháp dạy học là nhằm khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện tư duy sáng tạo của người học, từng bước áp dụng phương pháp tiên tiến, hiện đại vào quá trình dạy học. Từ đó mỗi GV sẽ phát huy tính tự giác chủ động sáng tạo của học sinh phù hợp hơn với đặc điểm của từng lớp học, môn học. Với HS tiểu học kiến thức chưa đòi hỏi ở mức độ quá khó, vấn đề cơ bản là GV phải biết khơi gợi niềm say mê yêu thích môn học của HS.

Tạo niềm say mê khám phá kiến thức

 

Ngoài mục đích truyền thụ tri thức cho người học, các tiết lên lớp phải có một phương pháp giảng dạy phù hợp, sinh động. Đây là điều mà bất cứ GV nào cũng hiểu, tuy nhiên để tạo nên một không khí sinh động và lôi cuốn HS thì không hề đơn giản. Để làm được điều đó người GV không chỉ làm chủ kiến thức trong lĩnh vực dạy học của mình mà cần phải có phương pháp sư phạm thích hợp để phát huy tính chủ thể của HS. Trước hết GV phải có tay nghề vững vàng, phải biết yêu nghề, mến trẻ, phải có năng lực sư phạm. Năng lực sư phạm gồm: Năng lực khoa học; hiểu học sinh; ngôn ngữ diễn đạt; cách tổ chức; trình bày bài giảng; óc tưởng tượng sư phạm… GV muốn phát huy tính tích cực, tự giác, độc lập của học sinh cần phải biết lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức thích hợp, trong đó có các phương pháp thuyết minh; đàm thoại; quan sát; thảo luận; thí nghiệm; hỏi đáp; nêu vấn đề…

 

Đổi mới phương pháp giáo dục tất yếu phải đổi mới hình thức tổ chức dạy học để tạo một sự tương ứng cần thiết. Sự đa dạng của phương pháp dạy học đòi hỏi phải có một số hình thức tổ chức dạy học thích hợp. Mỗi hình thức tổ chức dạy học đều có tác dụng tích cực để phát triển học sinh ở một khía cạnh nào đó. Vì vậy mỗi GV cần biết kết hợp nhiều hình thức tổ chức để phát huy thế mạnh của mỗi hình thức tổ chức dạy học. Phương pháp dạy học mới, đòi hỏi phải có hình thức tổ chức dạy học tạo cơ hội cho học sinh suy nghĩ làm việc, trao đổi thảo luận với nhau nhiều hơn. Tiểu học là cấp học đầu tiên không chỉ hình thành nên nhân cách người học mà còn tạo nền tảng kiến thức và đặc biệt là cách tiếp cận với tri thức khoa học. Bởi vậy nhiệm vụ của GV tiểu học gắn với trách nhiệm nuôi dưỡng tạo cho các em niềm say mê khám những tri thức khoa học đầu tiên.

 

Áp dụng phương pháp dạy học mới trong hội thi GV giỏi.

 

Hội thi GV giỏi tiểu học Hà Nội đã thu hút được đông đảo các thầy cô giáo tham gia với mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng GD&ĐT Tiểu học Hà Nội: Đây là hoạt động chuyên môn thường niên nhằm đẩy mạnh chất lượng giáo dục của cấp tiểu học Thủ đô. Vì vậy ngoài phần dự thi lý thuyết tìm hiểu về Luật Giáo dục, Điều lệ trường tiểu học, các qui định của ngành - cấp học, xử lí tình huống sư phạm… các GV phải thể hiện kiến thức và năng lực sư phạm trong các tiết dạy. Bởi vậy việc đổi mới PPDH trong các tiết dạy là một trong những yếu tố để nâng cao chất lượng dạy học theo xu thế hội nhập. Hội thi giúp những người thầy giỏi lan tỏa được sự ảnh hưởng của mình rộng hơn. Từ đó chất lượng dạy và học trong các nhà trường được nâng cao hơn.

 

Trong tiết dạy “ Mùa Xuân đến” của phân môn Tập đọc lớp 2, cô giáo Trần Thị Thu Trang của trường Tiểu học Mai Động quận Hoàng Mai đã áp dụng linh hoạt phương pháp dạy học tích cực phù hợp với đối tượng học sinh. Với cách vào bài nhẹ nhàng hấp dẫn GV đã dẫn dắt HS tiếp cận bài đọc một cách tự nhiên. Mục tiêu chính của tiết học là giúp HS biết cách đọc lưu loát từng đoạn văn trong SGK, song song với đó GV định hướng cho các em có giọng đọc phù hợp theo mạch cảm xúc. Ngoài việc đọc theo ngôn từ, từng cấp độ GV hướng dẫn cho HS tìm hiểu về vẻ đẹp mùa xuân qua những tính từ chỉ màu sắc, âm thanh kết hợp với những từ ngữ miêu tả về loài vật. Bởi vậy cảnh vật về mùa xuân không chỉ hiện ra theo cái vốn có của ngôn từ mà nó trở nên sinh động hơn bởi giọng đọc của cô và trò kết hợp cùng những câu hỏi nhịp nhàng khơi gợi cảm xúc. Cô giáo đã chốt lại nội dung bài đọc với nhận xét: “Mùa xuân như một phép màu kì diệu, xuân đến làm cho vạn vật thay đổi. Tất cả bừng lên một sức sống mới rạng rỡ và tươi đẹp hơn”. Điều ghi nhận ở giờ dậy là bên cạnh việc sử dụng thành thạo phương tiện dạy học hiện đại dùng máy chiếu, tạo hình ảnh sinh động lôi cuốn HS, GV đã làm chủ kiến thức bám sát vào các đối tượng cụ thể để truyền thụ. Giờ dạy đã đáp ứng được các đối tượng HS giỏi, khá, trung bình thông qua những câu hỏi phát hiện, tái hiện và nên vấn đề của GV.

 

Mỗi một phân môn lại hướng đến các phương pháp dạy học đặc thù. Nếu trước đây giờ học đạo đức thường bị con là giáo điều, khô cứng thì trong giờ dạy về nội dung “Biết nói lời yêu cầu đề nghị” của cô giáo Lê Thị Hậu trường Tiểu học Tân Mai lại hướng tới một cách dạy hiện đại sinh động. Học sinh được tiếp cận với những tình huống ứng xử cụ thể trong giáo tiếp hàng ngày. Không chỉ qua những hình ảnh gián tiếp mà các em còn được nhập vai trong các tình huống. Từ thực tế mà HS đưa ra những nhận xét thế nào là lời yêu cầu lịch sự có văn hóa và từ đó biết tránh xa những lời nói chưa hay, chưa đẹp. Ở tiết dạy này trên cơ sở lý thuyết, GV đã tự xây dựng một giáo án sinh động mang tính khả thi cao, giúp HS hiểu được các hành vi cũng như cách nói văn minh lịch sự từ thực tế chứ không phải là cách dạy giáo điều.

 

Theo bà Bùi Thị Thanh (phó phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai), trong PPDH mới thì vai trò của GV là người định hướng dẫn dắt còn HS sẽ phát huy được tính chủ thể thông qua những tranh luận về nội dung bài học. Bởi vậy đích đến của giờ dạy ở tiểu học là phải hướng tới một giờ học thân thiện tạo cho HS hứng thú trong học tập. Giáo viên biết tổ chức linh hoạt, nhịp nhàng các hoạt động học. Học sinh biết cách học, thích khám phá kiến thức mới và biết làm mới các kiến thức. Như vậy việc đổi mới PPDH nên bắt đầu từ những bài dạy cụ thể để HS được trực tiếp thể hiện tính sáng tạo của mình.