Quan tâm đào tạo đội ngũ giảng viên

14:51, 19/02/2013

“Để một nhà trường phát triển mạnh thì đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao phải được quan tâm hàng đầu. Muốn làm được điều đó thì lãnh đạo đơn vị phải luôn chăm lo, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích cán bộ, giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Cùng với đó là xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ nhằm cụ thể các chế độ, chính sách, điều kiện đãi ngộ để các trí thức vươn lên, khẳng định mình và đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường. Nhờ vậy, hiện nay Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã có một đội ngũ cán bộ có học hàm PGS, TS cao nhất trong các đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên”. Đó là khẳng định của PGS-TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) khi nói về chiến lược phát triển đội ngũ trí thức của đơn vị.

Được biết 5 năm qua, Nhà trường đã có 156 người đi học nghiên cứu sinh (NCS), 128 người đi học thạc sĩ và 85 người được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, 100% cán bộ, giảng viên của Trường có trình độ học vấn từ cử nhân trở lên. Trong tổng số 423 giảng viên có 18 người có trình độ GS, PGS, bằng 4,6% tổng số giảng viên, tăng 1,9% so với trước năm 2008; 92 tiến sĩ, bằng 21,8% (mặt bằng chung các trường ĐH toàn quốc là 14%), tăng 7,91% so với năm 2008; 255 thạc sĩ, giảm 5,58% so với 5 năm trước. Đặc biệt, có trên 30% giảng viên tuổi đời dưới 35 có học vị tiến sĩ. Để có đội ngũ giảng viên có trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học theo hướng căn bản, toàn diện, nhiều năm qua Nhà trường đã có chính sách thiết thực động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thời gian, hỗ trợ kinh tế cho các giảng viên đi học tập nâng cao trình độ. Cụ thể, đối với các giảng viên đi ôn thi NCS được hỗ trợ 2 triệu đồng. Được miễn, giảm giờ dạy trong thời gian đi học thạc sĩ, NCS. Được ưu tiên giao nhiệm vụ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Thái Nguyên hoặc Bộ trong thời gian NCS. Nếu viết 1 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được hỗ trợ 200 nghìn đồng, đăng trên tạp chí nước ngoài hỗ trợ 1 triệu đồng. Khi bảo vệ thạc sĩ thành công được hỗ trợ 5 triệu đồng, bảo vệ NCS hỗ trợ 30 triệu đồng. Với những chính sách như trên đã khuyến khích đông đảo cán bộ, giảng viên đi học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Khi đội ngũ cán bộ có học hàm, học vị cao thì ngoài các chế độ lương, thưởng theo quy định, Nhà trường xây dựng chính sách đãi ngộ tương xứng với công sức họ bỏ ra. Cụ thể nếu giảng viên có trình độ tiến sĩ được hỗ trợ thêm 300.000 đồng/tháng; giảng viên có học hàm PGS được hỗ trợ 600 nghìn đồng/tháng; học hàm GS được hỗ trợ 900 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, còn được khen thưởng khi được phong các danh hiệu như: Nhà giáo Nhân dân 2 triệu đồng; Nhà giáo Ưu tú 1,5 triệu đồng; giáo sư 2 triệu đồng; phó giáo sư 1,5 triệu đồng; được tặng Kỷ niệm chương 200 nghìn đồng; được khen thưởng khi có các công trình nghiên cứu khoa học đạt giải…

 

 

Chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên được nâng lên đã đóng góp hiệu quả vào công tác đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ đại học, sau đại học từ bậc học mầm non đến THPT các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và Thái Nguyên nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các tỉnh, cũng như sự phát triển của Nhà trường. 5 năm qua, Trường Đại học Sư phạm đã đào tạo trên 7 nghìn sinh viên đại học và 14 tiến sĩ, 765 thạc sĩ cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Cùng với đó, các cán bộ, giảng viên Nhà trường đã chủ trì thực hiện được 5 đề tài cấp Nhà nước, 75 đề tài, dự án trọng điểm cấp Bộ và trên 100 đề tài cấp cơ sở.

 

Trong chiến lược phát triển của Trường Đại học Sư phạm giai đoạn 2012-2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020, 100% giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó học vị tiến sĩ chiếm trên 30%. Hiện nay, Nhà trường đang cử đi học NCS và thạc sĩ là 155 cán bộ, giảng viên, trong đó có 25 người đang đào tạo tại nước ngoài. Với nền tảng như hiện nay, Nhà trường sớm đạt mục tiêu đạt chuẩn Quốc gia, xứng đáng là trường trọng điểm trong đào tạo giáo viên, cung cấp nguồn nhân lực cho các tỉnh miền núi phía Bắc.