Ngày 21/2, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã cùng với Unicef và Unesco phối hợp tổ sự kiện Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ nhằm tôn vinh tính đa dạng văn hóa và ngôn ngữ của Việt Nam, phát huy việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong cải thiện chất lượng giáo dục cho dân tộc.
Tham dự có các đại biểu từ các cơ quan hữu quan, các nhà tài trợ và đối tác quốc tế cùng học sinh, giáo viên, phụ huynh. Các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm sử dụng tiếng mẹ đẻ trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc và cải thiện đời sống phúc lợi của trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung.
Tại sự kiện, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, nhấn mạnh: “Tiếng mẹ đẻ là nguồn tài nguyên của mỗi cộng đồng. Với chức năng to lớn của mình-chức năng giao tiếp, chức năng thông tin, chức năng giáo dục. Tiếng mẹ đẻ đóng góp cho sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng. Ngôn ngữ là trung tâm của mọi hoạt động của con người”.
Trong bối cảnh các dân tộc thiểu số chiếm hơn 13% tổng dân số, Việt Nam có kinh nghiệm sử dụng tiếng mẹ đẻ của học sinh dân tộc trong học tập và giảng dạy. Với sự hỗ trợ của UNICEF, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện một sáng kiến về giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ từ năm 2008 tại một số trường tiểu học và mầm non được lựa chọn tại ba tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh.
Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO cho rằng: “Việcgiảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ của học sinh góp phần vào công cuộc chống mù chữ và nâng cao chất lượng giáo dục. Bảo tồn ngôn ngữ cũng giúp đảm bảo những tri thức quý báu của đồng bào được gìn giữ và truyền cho đời sau. Ngôn ngữ là phương tiện cho mỗi chúng ta trong giao tiếp, chia sẻ ý kiến của mình và là nguồn lực giúp cho việc hòa nhập trong xã hội.”
Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ lần đầu tiên được UNESCO công bố vào năm 1999 và kể từ năm 2000, được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 21/2. “Sách Giáo dục Tiếng mẹ đẻ” là chủ đề của Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ năm nay. Sách là công cụ biểu đạt thiết yếu giúp trẻ làm giàu vốn ngôn ngữ, đồng thời ghi lại sự tiến bộ của trẻ qua thời gian.