Cần một hành lang pháp lý đủ mạnh và bao quát

11:01, 27/03/2013

Khung  phạt tiền quá thấp không đủ sức răn đe. Nhiều hành vi vi phạm mới phát sinh trong lĩnh vực giáo dục mà pháp luật chưa bao quát hết như vi phạm về liên kết đào tạo, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh.... Thậm chí, vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có chiều hướng gia tăng, phức tạp và quy mô ngày một lớn hơn, đòi hỏi phải có các biện pháp xử phạt nghiêm khắc và chặt chẽ hơn để nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về giáo dục, trên hết là đảm bảo chất lượng GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để xin ý kiến góp ý hoàn thiện trước khi trình Chính phủ ban hành. Dự thảo mới được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế lâu nay cũng như bao quát hết các hành vi vi phạm mới phát sinh mà Nghị định 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP ngày 8/6/2011 chưa cập nhật.

 

Nhiều vi phạm mới phát sinh

 

Bộ GD&ĐT chỉ rõ, hai Nghị định ra đời đã lâu, nhất là Nghị định 49/2005/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã tồn tại gần 8 năm trong khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục mới được Quốc hội thông qua năm 2009, Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ đầu năm 2013. Đạo luật "chuẩn" là Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng vừa được thông qua giữa năm 2013. Vì thế, nhiều quy định như quy định về việc thành lập trường, về SGK và giáo trình, giáo trình ĐH đã được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh lại mà hai nghị định trên chưa điều chỉnh được.

 

Bên cạnh đó, cùng với quá trình phát triển, một số vi phạm mới phát sinh như: Tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, liên kết đào tạo trái quy định, hợp đồng liên kết không quy định rõ trách nhiệm các bên tham gia, mở chi nhánh của cơ sở giáo dục, ghi tên cơ sở giáo dục sai với quyết định thành lập.

 

Ngoài ra, thực trạng giảng viên, giáo viên không đạt chuẩn; tổ chức dạy thêm, thu lệ phí và học phí sai quy định; điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn yếu kém; sĩ số lớp vượt quá quy định; học sinh chửi mắng, đánh nhau; học sinh lăng mạ, đánh giáo viên và ngược lại... tại các cơ sở giáo dục đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một số hành vi vi phạm thực tế đã xảy ra từ lâu nhưng khung hình phạt quá thấp, không đủ sức răn đe hoặc chưa có quy định để xử phạt, như: Việc bố trí số người học trong một lớp quá đông, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo; các điều kiện về an toàn với người học...

 

Ngoài phạt tiền, phải có các biện pháp khắc phục hậu quả

 

Những hạn chế trên đã gây ra nhiều bức xúc cho xã hội, cho giáo viên và nhà trường. Trong bối cảnh ấy, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến đóng góp đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo cũng như đông đảo quần chúng nhân dân. Dự thảo gồm hầu như bao quát tất cả mọi hoạt động giáo dục từ các hành vi vi phạm về thành lập các cơ sở giáo dục và tổ chức hoạt động giáo dục đến các hành vi vi phạm trong hoạt động tuyển sinh, phổ cập giáo dục; Các hành vi vi phạm về nội dung, chương trình, liên thông, liên kết trong nước; Các hành vi vi phạm về tổ chức, tuyển sinh và đào tạo có yếu tố nước ngoài; Các hành vi vi phạm về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; Các hành vi vi phạm đối với nhà giáo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động và người học; Các hành vi vi phạm về cơ sở vật chất, thiết bị tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng...

 

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT - kỳ vọng, Nghị định mới được xây dựng nhằm tăng cường quản lý về giáo dục để cụ thể hóa luật (cụ thể hóa cả mức phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả).

 

Không chỉ phạt tiền, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục còn phải chịu các hình thức phạt bổ sung và điều hết sức quan trọng là các tổ chức, cá nhân vi phạm phải có những biện pháp khắc phục hậu quả - điều mà các Nghị định trước chưa có hoặc nếu có thì chưa chặt chẽ, cụ thể. Xin lấy ví dụ về việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về tổ chức, hoạt động giáo dục. Theo đó, ngoài phạt tiền từ 5 đến 100 triệu đồng (tùy mức độ vi phạm), các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả như trả lại tiền cho người học và khôi phục quyền lợi của người học...

 

Tóm lại, những quy định xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục của Nghị định mới là khá hoàn thiện và có tính răn đe, góp phần tích cực vào việc chấn chỉnh những lệch lạc trong hoạt động giáo dục.

 

Hoàn thiện để sát với thực tế và mong mỏi của xã hội

 

Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục không khỏi có những khiếm khuyết cần  sự đóng góp trí tuệ của các chuyên gia, các giáo viên và cán bộ trong ngành giáo dục cũng như toàn xã hội để hoàn thiện.

 

Ví dụ, việc đảm bảo sĩ số trong lớp học theo quy định của Bộ GD&ĐT sẽ rất khó “áp” với khu vực thành phố lớn, nơi dân số không ngừng tăng lên dẫn đến các cơ sở giáo dục không đáp ứng được số lượng học sinh trên địa bàn. Hay như việc “lách luật” của một số trường tiểu học khi xin cấp phép cho dạy thêm các môn như Nghệ thuật, TDTT, Kỹ năng sống nhưng lại không dạy các môn theo giấy phép mà dạy các môn văn hoá như Toán, Tiếng Việt...Còn nữa, một câu hỏi được đặt ra: Khi các cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài bị phạt tiền và đình chỉ đào tạo do hoạt động trái phép, việc “khôi phục quyền lợi cho người học” sẽ được tiến hành như thế nào?

 

Điều 20 của bản Dự thảo Nghị định mới quy định: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục”. Một số ý kiến cho rằng, đều là hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân, tại sao lại có sự phân biệt như vậy?

 

Tất cả những ý kiến đóng góp sẽ được Bộ GD&ĐT tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa nhằm xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thành văn bản mang tính pháp lý và tính thực tiễn cao.