Chuyện về nữ Phó Giáo sư trẻ nhất Đại học Thái Nguyên

17:31, 09/03/2013

“Nhiều người có suy nghĩ nghiên cứu khoa học là cái gì đó rất cao siêu, nhưng với tôi đều bắt nguồn từ niềm say mê tìm hiểu, khám phá để chinh phục những tri thức mới. Từ niềm say mê nghiên cứu khoa học, tôi muốn tự trang bị cho mình một hành trang để vững vàng trong cuộc sống…”- đó là chia sẻ của nữ Phó Giáo sư (PGS) trẻ nhất Đại học Thái Nguyên hiện nay Nguyễn Vũ Thanh Thanh 35 tuổi.

 

          PGS-TS Nguyễn Vũ Thanh Thanh

 * Đã có 45 bài báo đăng trên các tạp chí Khoa học; xây dựng, biên soạn nhiều giáo trình, đề án mở ngành đào tạo đại học, Th.s thuộc lĩnh vực Sinh học.

* Có 33 trình tự gen đã đăng ký trên ngân hàng gen Quốc tế

* Hướng dẫn 13 sinh viên làm luận văn tốt nghiệp và 6 học viên cao học làm luận văn thạc sĩ bảo vệ thành công

* Hướng dẫn 3 sinh viên nghiên cứu khoa học và bảo vệ đạt kết quả tốt, có 1 sinh viên được giải nghiên cứu khoa học toàn quốc

* Đã nghiệm thu 2 giáo trình, xuất bản tại Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia

* Chủ nhiệm 3 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ được đánh giá loại xuất sắc.

* Năm 2007, 2008 được Bộ trưởng Bộ GD & ĐT tặng Bằng khen.

 

 

Thành công từ niềm đam mê nghiên cứu khoa học

 

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp chị Thanh Thanh là vẻ đẹp của sự giản dị, chân thành toát lên từ chính con người chị. Trong suốt cuộc trò chuyện, gương mặt xinh đẹp, nụ cười tươi tắn lan toả để lại nhiều ấn tượng cho người đối diện. Câu chuyện của chị đưa chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Đó là khi học THPT Chuyên Thái Nguyên, Thanh học môn chuyên là Tin học. Khi thi đại học, cô đã nộp hồ sơ vào Trường Đại học Y theo định hướng của bố mẹ để sau này trở thành bác sĩ để có kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho gia đình và cộng đồng. Khi học hết 2 năm đại cương đại học, bố mẹ cô lo con học Đại học Y 6 năm vất vả đã khuyên cô chuyển hướng và Thanh quyết định chuyển sang Khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.

 

Thanh Thanh có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học từ khi còn là sinh viên. Khi đi làm, Thanh đã viết hàng chục bài báo khoa học đăng trên các tạp chí; làm chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ được đánh giá xếp loại xuất sắc. Bên cạnh đó Thanh còn tham gia viết sách, giáo trình, xây dựng đề án mở ngành đào tạo thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học….

 

Vậy điều gì khiến cô gái trẻ sớm có đam mê nghiên cứu khoa học và gặt hái được nhiều thành công đến thế? Thanh Thanh cho rằng: “Khi mình có niềm say mê khám phá những kiến thức mới, cộng với năng lực, kinh nghiệm của bản thân tích luỹ được trong nhiều năm thì sẽ thành công. Thông qua nghiên cứu khoa học giúp em trưởng thành rất nhiều. Mỗi công trình nghiên cứu là một trải nghiệm mới trong cuộc sống, giúp em tự hoàn thiện cũng như khẳng định bản thân để hoàn thành tốt chức trách được giao, xứng đáng với sự tin yêu, quý mến của đồng nghiệp, các thế hệ thầy cô đi trước, đặc biệt là khi vững vàng trong chuyên môn thì sinh viên sẽ rất quý trọng”.

 

Chuyện của cô Trưởng khoa Khoa học Sự sống

 

Tốt nghiệp Đại học năm 2000, Thanh Thanh được nhận về làm giảng viên Khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Cùng năm đó, Thanh xây dựng gia đình. Khi thành lập Khoa Khoa học Tự nhiên, nay là Trường Đại học Khoa học, Thanh là một trong những giảng viên trẻ đầu tiên được điều về gây dựng Khoa Khoa học Sự sống. Năm 2001, Thanh quyết định đi học Cao học. Trong quá trình học này, năm 2002, đứa con đầu của Thanh Thanh bị ốm và mất. Nén nỗi đau trong lòng, Thanh cố gắng học tập và năm 2003, Thanh bảo vệ thành công luận văn Th.s chuyên ngành Di truyền học. Tiếp đó, Thanh quyết định làm nghiên cứu sinh. Con nhỏ, vừa đi học, vừa đi làm khiến Thanh khá vất vả. Mỗi lần Thanh đi học ở Hà Nội là mẹ chồng cô phải đi theo để trông cháu. Năm 2008, Thanh hoàn thành nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Trong quá trình vừa đi làm, vừa đi học, Thanh đã tham gia viết nhiều giáo trình, các đề án mở ngành đào tạo, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, làm luận văn tốt nghiệp…

 

Sau nhiều năm nỗ lực, năm 2009, Thanh được bổ nhiệm làm Phó bộ môn Sinh học. Đến tháng 11/2012 được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Khoa học Sự sống. Khoa hiện có 2 ngành đào tạo đại học và cao học thuộc lĩnh vực Sinh học và Hoá Sinh học. Mặc dù tuổi đời còn trẻ, mới được bổ nhiệm làm công tác quản lý, song với năng lực của bản thân, Thanh Thanh đã biết tập hợp sức mạnh đoàn kết, nhất trí cao của tập thể 25 cán bộ, giảng viên của Khoa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đại học Thái Nguyên đánh giá là tập thể lao động xuất sắc năm 2012.

 

Nồng nhiệt, say sưa khi nói chuyện về việc học hành, nghiên cứu khoa học, Thanh Thanh cũng rất đằm thắm, tình cảm khi nói về cuộc sống gia đình. Cô bảo: “Đến trường thì thôi, chứ về nhà là tôi cuốn lấy 2 đứa nhỏ. Cháu lớn năm nay học lớp 3, cháu bé mới 3 tuổi. Buổi tối, tôi dành thời gian thích đáng để chăm sóc, dạy các cháu học tập. Có được thành công như ngày hôm nay của tôi là có sự ủng hộ, giúp đỡ rất lớn của nhà trường, ông bà nội, ngoại, đặc biệt là ông xã luôn quan tâm, động viên, khích lệ để tôi có thể vượt qua mọi khó khăn học tập thật tốt”.

 

Được biết, chồng Thanh Thanh hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

 

Nói về những dự định trong tương lai, Thanh ấp ủ: Tôi vừa đăng ký một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về “Tạo giống cây đậu xanh kháng mọt” và chủ biên cuốn sách “Tin - Sinh học”. Tôi muốn vận dụng những kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực công nghệ thông tin để làm công cụ hỗ trợ cho môn Sinh học, giúp các sinh viên tiếp cận nhanh, học bộ môn này hứng thú hơn….

 

35 tuổi, có một gia đình hạnh phúc và thành đạt, đối với mỗi phụ nữ là một ước mơ, song trong câu chuyện, cô vẫn luôn nung nấu nhiều hoài bão: với công tác nghiên cứu khoa học tôi còn trẻ, còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể có nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao trong giảng dạy và cuộc sống….