Còn nhiều khó khăn để đạt chuẩn

14:27, 16/03/2013

“Ngoài yếu tố chất lượng thì cơ sở vật chất là một trong những rào cản trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia”, đó là điều trăn trở của đồng chí Hoàng Kim Đỉnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Long (Đồng Hỷ).

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Long nằm ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi đá vôi, nhiều xóm cách xa trung tâm xã từ 4 đến 20km. Giao thông đi lại còn nhiều vất vả, nhất là mùa mưa, giá rét, nhiều học sinh không thể đi về trong ngày. Xã có 9 xóm, 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là Tày, Nùng, Dao, H.Mông, Cao Lan, Sán Chí.

 

Để tạo điều kiện cho con em các dân tộc trong xã đi học, Trường tham mưu cho UBND huyện, ngành Giáo dục xây dựng thêm một điểm trường đặt ở miền Sa Lung. Điểm trường này nằm cách trung tâm xã 7km được đầu tư 8 phòng học thu hút học sinh 5 xóm: Đồng Luông, Đồng Mây, Làng Giếng, Hồng Phong và Lân Quan xuống học. Trước đây, khi chưa có điểm trường này, tỷ lệ học sinh các xóm này bỏ học còn nhiều. Điểm trường chính đặt ở xóm Làng Mới thuộc trung tâm xã. Hiện ở điểm trường chính có 10 phòng học. Năm 2007, tổ chức Plan đã tài trợ xây dựng 2 nhà nội trú 12 phòng cho học sinh. Đầu năm học 2012-2013, Nhà trường có quyết định chuyển sang Trường phổ thông dân tộc nội trú. Nhờ chính sách này, các em học sinh dân tộc có nhà ở cách trường 5km, không thể đi về trong ngày được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn. Nhờ vậy từ năm 2012 đến nay không có tình trạng học sinh bỏ học. Cũng nhờ chính sách này mà Nhà trường đã vận động được 10 em bỏ học từ những năm trước ra lớp. Bên cạnh đó, Nhà trường đã có nhiều giải pháp quan tâm phát triển đội ngũ và phát động các đợt thi đua ngắn hạn, dài hạn, có tiêu chí đánh giá cụ thể đối với các thầy cô và tập thể các lớp. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thao giảng, dự giờ để đánh giá chuyên môn, cũng như góp ý về phương pháp, cách thức đầu tư xây dựng các bài giảng chất lượng. Đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng cho học sinh giỏi, phụ đạo thêm cho học sinh yếu. Đối với những học sinh ở nội trú, buổi tối, Trường cắt cử giáo viên hướng dẫn các em tự học từ 19h đến 21h.

 

 Qua nhiều năm cử cán bộ, giáo viên đi học đạt chuẩn và nâng chuẩn về trình độ, hiện trong số 32 cán bộ, giáo viên thì 100% đạt chuẩn về đào tạo, trong đó trên chuẩn chiếm 70%. Nhờ những giải pháp đồng bộ mà chất lượng giáo dục của Nhà trường từng bước được nâng lên. Năm học 2011-2012, Trường có 288 học sinh, tỷ lệ học lực giỏi chiếm 8,6%, khá chiếm 26,7%, trung bình 53,8%, yếu 10,7%. Sơ kết học kỳ I năm nay, mặc dù tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 33,33%, trung bình 58,95%, tỷ lệ học lực yếu giảm xuống còn 7,72% song vẫn chưa đạt tiêu chuẩn đề ra (tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định học sinh có học lực yếu không quá 5%). Tuy Nhà trường và đội ngũ các thầy cô giáo đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, song do mặt bằng dân trí nói chung còn thấp so với các xã trong khu vực, lại thiếu sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với việc học tập của con em mình nên chất lượng chưa đạt được yêu cầu của trường chuẩn.

 

Theo thầy giáo Trần Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường - người đã gắn bó với Trường hơn 20 năm: Một trong những khó khăn trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn là cơ sở vật chất (phòng học vừa cũ kỹ, xây dựng quy mô quy cách không đảm bảo, thiếu rất nhiều các phòng học bộ môn). Thầy Thắng đưa chúng tôi đi tham quan một số lớp học, quả thực, để đủ chỗ ngồi, các lớp phải kê bàn sát với bục giảng. Mỗi phòng học chỉ rộng chừng 33 m2, trong khi đó lớp học có 37 em. Ngoài các phòng học thiết kế không đúng theo quy cách, thì việc điểm trường chính còn thiếu rất nhiều các phòng học bộ môn như phòng tin học, ngoại ngữ, thực hành hóa học, sinh học, phòng truyền thống, đoàn đội…

 

Ở điểm trường chính có 8 phòng học, Nhà trường phải dành ra 2 phòng làm phòng thí nghiệm vật lý và thư viện. Điểm trường miền Sa Lung, sân trường vẫn là nền đất, xung quanh chưa có tường rào. Được biết, Nhà trường được huyện giao nhiệm vụ đến năm 2014 phải đạt trường chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Kim Đỉnh: Để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia trong 2 tiêu chí mà Nhà trường chưa đạt là chất lượng và cơ sở vật chất thì yếu tố thứ nhất Nhà trường cố gắng bằng mọi giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, còn tiêu chuẩn về cơ sở vật chất nếu không có sự đầu tư nguồn lực từ ngành, địa phương thì khó có thể đáp ứng. Vì điều kiện kinh tế của nhân dân trong xã rất khó khăn, mặc dù trường đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, song mỗi năm cũng chỉ thu được trên 10 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong xây dựng trường chuẩn của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Long, đồng chí Bùi Thị Thúy Ngần, Tổ trưởng Tổ THCS, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ cho biết: Năm 2012, Trường THCS Tân Long được UBND huyện quyết định chuyển mô hình thành trường bán trú. Song đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có nguồn vốn nào để đầu tư nâng cấp về phòng học, cũng như xây dựng nhà nội trú cho học sinh.

 

Trong 5 tiêu chuẩn để xây dựng trường chuẩn Quốc gia hiện nay, thì việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phòng học, phòng bộ môn, các trang thiết bị dạy học đối với đơn vị vẫn là khó nhất. Nếu không có sự hỗ trợ từ nhiều phía, thì lộ trình xây dựng Trường đạt chuẩn Quốc gia của Trường  Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Long sẽ khó “cán đích”.