Giáo dục kỹ năng sống ở trường chuyên biệt

07:42, 21/03/2013

Để đáp ứng những yêu cầu về nhân lực của thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, những năm gần đây, việc giáo dục kỹ năng sống cho HS phổ thông được các trường học trong cả nước quan tâm. Ở những ngôi trường chuyên biệt như trường chuyên, trường dạy trẻ khuyết tật, trường phổ thông dân tộc nội trú…, công tác giáo dục kỹ năng sống cho HS có nhiều điểm khác biệt so với những ngôi trường bình thường khác.

Trường chuyên: Cách trang bị kỹ năng sống tốt nhất là qua các hoạt động ngoại khóa

 

 

Đã qua rồi cái thời HS trường chuyên giống như những con mọt sách chỉ biết học và học. Không ít trường chuyên hiện nay trở thành nơi đi đầu trong những trào lưu, những xu hướng mới của HS phổ thông trong tỉnh, thành phố mà trường chuyên đó “đóng đô”, không chỉ là trào lưu về học tập. Đến một số trường chuyên của Hà Nội như Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ…, đều có thể cảm nhận được sự năng động, tự tin của các HS chuyên với những hoạt động ngoại khóa sôi nổi, bổ ích.  

 

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam không chỉ nổi tiếng bởi thành tích học tập của mình mà còn nổi bật với rất nhiều hoạt động ngoại khóa, mà hầu hết đều do HS tự tổ chức. Ở những hoạt động ngoại khóa này, các HS chuyên được thể hiện sự năng động, sáng tạo, thể hiện tài năng khác của mình, ngoài học tập. Nếu ai đã từng tham dự Ngày hội Anh tài – một hoạt động thường niên có quy mô lớn nhất của HS “Ams” chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên và khâm phục tài năng tổ chức, óc sáng tạo, sự hài hước, cá tính và vô vàn “tài lẻ” khác của HS chuyên.

 

Bà Lê Thị Oanh – Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam - cho biết, chính nhờ được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa sôi nổi, bổ ích, được tự do thể hiện, phát huy những tài năng của mình (ngoài học tập) mà HS “Ams” khi đi du học, dù ngay từ những năm THPT, cũng không hề gặp bất cứ trở ngại, khó khăn nào, ngược lại, các em hòa nhập rất nhanh với bạn bè quốc tế. Tham gia các hoạt động ngoại khóa chính là cách tốt nhất để HS trường chuyên nói riêng và HS phổ thông nói chung trang bị cho mình các kỹ năng sống.

 

TS Lê Thị Chính – Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội) từng chia sẻ, khi các GV và thành viên ban giám hiệu được đi ra nước ngoài tham quan, học tập, mới thấy rằng HS Việt Nam còn quá nhiều thiệt thòi so với HS các nước phát triển, bởi các em không có điều kiện cũng như môi trường để được phát triển toàn diện, mà các hoạt động ngoại khóa chính là một trong những công cụ hữu ích nhất giúp các em hoàn thiện nhân cách của mình.

 

Đặc biệt, từ năm 2008, sự ra đời của Chương trình định hướng cho HS  Trường THPT chuyên Ngoại ngữ mang tên “10+” (Ten plus) đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của HS chuyên ngữ so với những thế hệ đi trước, khi các em tự mình thiết kế và tổ chức thực hiện một chương trình ngoại khóa hoành tráng, ấn tượng, mà mục đích của chương trình đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một chương trình ngoại khóa bình thường. Đến nay, bên cạnh “10+”, HS chuyên ngữ còn có thêm nhiều chương trình ngoại khóa bổ ích, hoành tráng khác. Tham gia vào những hoạt động này, HS chuyên không chỉ tự tin, năng động hơn, được tiếp thêm năng lượng để học tập hăng say hơn, mà các em còn được rèn luyện những kỹ năng rất quý giá như khả năng làm việc tập thể, sự đoàn kết, năng lực tổ chức, xây dựng kế hoạch… - những kỹ năng giúp các em dễ dàng xin học bổng từ các trường ở nước ngoài hơn.

 

Trường dạy HS khuyết tật: Trang bị kỹ năng sống để giúp HS hòa nhập với cộng đồng

 

Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu từ lâu đã được biết đến là trường dành cho HS khiếm thị ở Hà Nội. Bà Đỗ Thị Thủy – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là ngôi trường hòa nhập, HS sáng học chung với HS khiếm thị, do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường là phải trang bị các kỹ năng để giúp HS khiếm thị có thể hòa nhập cùng các bạn bình thường. Mặt khác, hầu hết HS khiếm thị của trường sống nội trú, xa gia đình nên việc GD kỹ năng sống cho các em có những đặc thù riêng so với các bạn. Ngay từ khi vào lớp 1, bắt đầu ở nội trú, các em HS khiếm thị đã phải biết cách tự chăm sóc bản thân. Thời gian đầu, do các em còn nhiều bỡ ngỡ nên các GV và chăm sóc viên phải hướng dẫn thêm cho các em những kỹ năng cơ bản để chăm sóc cho bản thân mình. Bên cạnh đó, các em được trang bị kỹ năng định hướng di chuyển, cách xác định phương hướng, vị trí của các vật khi di chuyển trong không gian để có thể tự đi lại một mình.

 

Đặc biệt, việc GD giới tính cho HS khiếm thị nội trú rất được chú trọng, nhằm cung cấp cho các em những thông tin đầy đủ, chính xác về giới tính, sức khỏe sinh sản, về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi… Nội dung học được thiết kế theo từng chuyên đề, mỗi chuyên đề sẽ có chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đảm trách như bác sĩ, chuyên gia tư vấn tâm lý, GV sinh học… Bà Đỗ Thị Thủy chia sẻ, do sống nội trú, lại ở lứa tuổi “lỡ cỡ”, nên việc nảy sinh tình cảm giữa các em HS khác giới là điều khó tránh khỏi. Nhận thức rõ điều đó nên các GV, nhất là GV chủ nhiệm, và các chăm sóc viên vừa phải khéo léo, nhưng cũng dựa trên những kiến thức khoa học để giúp các em nhận thức đúng vấn đề, giữ được giới hạn trong chuyện tình cảm.

 

 Bà Đỗ Thị Thủy cho biết thêm, do xác định mục tiêu quan trọng nhất là sau khi tốt nghiệp ở trường, các em HS khiếm thị có thể sống hòa nhập với cộng đồng, thậm chí tự đi làm nuôi sống bản thân nên ngay từ khi bước vào cấp THCS, các em đã được học nhiều nghề như xoa bóp bấm huyệt, làm đồ gốm, làm đồ thủ công mỹ nghệ, rồi học vẽ, học nhạc, tin học… Sau khi ra trường, tùy thuộc vào khả năng, sở thích, hoàn cảnh gia đình mà có em HS khiếm thị tiếp tục học lên, có em lại đi làm ngay. Khi đó, quá trình học nghề tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cũng giúp các em có những bước khởi đầu vững chắc cho quá trình lập nghiệp của mình.

 

Trường dân tộc nội trú: Trang bị kỹ năng sống từ những điều nhỏ nhất

 

Ông Nguyễn Văn Phú – Hiệu trưởng Trường PTDTNT Hà Nội – cho biết, các em HS dân tộc vào trường từ năm lớp 6, như vậy các em có tới 7 năm học tập và sống nội trú ở trường. Đây lại chính là quãng thời gian mà các em hình thành nhân cách một cách sâu sắc, mạnh mẽ nên nhà trường rất chú trọng đến việc trang bị kỹ năng sống cho các em, giúp các em rèn luyện về đạo đức, lối sống. Do các em HS dân tộc có một quãng thời gian dài (từ khi sinh ra đến khi tốt nghiệp Tiểu học) sống cùng gia đình, học tập tại địa phương nên hầu hết các em khi mới vào trường nội trú có ý thức tự phục vụ bản thân kém, tự ti… Chính vì vậy, mục tiêu lớn nhất mà các thầy cô giáo Trường PTDTNT Hà Nội xác định khi GD kỹ năng sống cho các em là để sau này các em có thể tự mình giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, giúp các em rèn luyện đạo đức, lối sống văn minh. Để việc GD kỹ năng sống đạt hiệu quả, các thầy cô giáo đã bỏ công tìm hiểu phong tục, tập quán các dân tộc của HS trong trường để có thể hiểu về các em căn bản và sâu sát nhất.

 

Do các em HS học tập và sinh hoạt tại trường 24/24 giờ, nên nhà trường phải trang bị cho các em từ những kỹ năng nhỏ nhất như tự chăm sóc bản thân mình, cách giữ vệ sinh trường, lớp, phòng ở… cho đến những kỹ năng sống tập thể, kỹ năng giải quyết những tình huống nảy sinh trong cuộc sống tập thể, biết cách tuân thủ những quy định của nhà trường…

 

Tuy mỗi ngôi trường chuyên biệt có một định hướng ưu tiên trong quá trình GD, rèn luyện HS của mình, trong đó có cả lĩnh vực GD kỹ năng sống, nhưng tựu trung vẫn hướng tới mục tiêu tạo môi trường GD toàn diện cho các em HS, đào tạo nên những công dân tương lai có đầy đủ những phẩm chất cần thiết đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.