Hãy khẳng định vị thế của trường ngoài công lập

15:11, 25/03/2013

Hiện nay dư luận đang quan tâm nhiều đến vấn đề tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Trong đó có hai vấn đề nổi bật: một số ngành học của một số trường phải “đóng cửa” và vấn đề các trường ngoài công lập (NCL) không tuyển đủ "chỉ tiêu", điểm sàn của Bộ đưa ra "làm khó" cho các trường NCL. Vấn đề thứ  nhất xin không đi sâu, vì đây là việc làm cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì các trường này không có đủ đội ngũ giảng viên để đào tạo ngành học (bị đóng cửa). Trong phạm vi bài viết này, xin chỉ tập trung ở  vấn đề thứ hai.  

Chỉ tiêu tuyển sinh của trường NCL - đúng ra là số lượng cần tuyển của Hội đồng Quản trị nhà trường – không phải là con số quan trọng. Tuyển sinh được nhiều hay ít phụ thuộc vào vị thế của nhà trường trong xã hội. Vì chưa hiểu hết vấn đề, nên một số bài báo đã phân tích, khai thác ý kiến người này, người khác, làm cho bạn đọc bị nhiễu thông tin, thậm chí hiểu sai về chủ trương, chính sách, đường lối của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

 

 

Một thực tế đang tồn tại, ai cũng biết là hệ thống các trường NCL phát triển quá nhanh, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa quy mô và chất lượng đào tạo. Nhiều trường đại học, cao đẳng NCL không có đủ cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên cơ hữu, dẫn đến “cái khó bó cái khôn”. Trong các cái khó, thì việc đội ngũ giáo viên thiếu và yếu là cơ bản nhất. Chính cái khó này đã không thể nâng cao được chất lượng đào tạo, không thể làm cho nhà trường có vị thế tốt trong xã hội. Đây là nguyên nhân chính của việc khó tuyển sinh ở các trường NCL so với các trường công lập.

 

Trong thực tế, các trường NCL có mức chi trả lương cho cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên  (GV) cao hơn các trường công lập, nhưng vẫn khó tuyển dụng CBQL và GV, hoặc tuyển dụng được nhưng không giữ được họ làm việc lâu dài. Câu hỏi đặt ra, vì sao được trả lương cao hơn, nhưng các GV lại vẫn không yên tâm làm thành viên cơ hữu của các trường NCL, mà luôn hướng đến các trường công lập? Qua khảo sát, đại bộ phận ý kiến cho rằng: các trường NCL không có thương hiệu; không tin tưởng vào sự tồn tại lâu dài của trường NCL; quan hệ, ứng xử giữa lãnh đạo và GV chưa đúng mực là nguyên nhân làm họ không yên tâm công tác. Sự ra đi của GV, sự thiếu tin tưởng của GV đối với nhà trường đã làm giảm đáng kể uy tín của nhà trường. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho trường NCL khó tuyển sinh, không tuyển được các thí sinh có điểm cao.

 

Ai cũng biết, để có chất lượng đào tạo tốt, thì đầu vào phải đảm bảo yêu cầu về kiến thức và có khả năng nhất định. Việc Bộ GD&ĐT tổ chức thi tuyển sinh “ba chung”, đưa ra điểm sàn là tạo điều kiện cho các trường tuyển đầu vào đảm bảo chất lượng. Việc này được rất nhiều người ủng hộ. Hình như chỉ có các trường NCL phản đối việc này. Bởi vì họ cho rằng: Điểm sàn của Bộ đã làm cho họ gặp khó khăn trong việc tuyển sinh.

 

Lý do các trường NCL gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, và hướng phát triển để khắc phục "khó khăn" này, đã được GS Đào Trọng Thi -Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - chỉ rõ: “Về uy tín chất lượng, không ai khác mà chính các trường ngoài công lập phải phấn đấu khẳng định mình trong quá trình đào tạo. Trước mắt, chấp nhận điểm sàn để đương đầu với thử thách, khẳng định rằng đầu vào của mình cũng tương đương với các trường khác. Đó cũng là yếu tố để đánh giá chất lượng của mình. Cụ thể là: các trường NCL tạo môi trường học (dịch vụ) thật tốt, đội ngũ giảng dạy thật tốt (cơ hữu), để đảm bảo chất lượng vượt trội, SV ra trường có việc làm tốt, thu nhập cao (tạo thương hiệu tốt), thì dù học phí cao vẫn có nhiều người muốn vào học. Hoặc trường NCL thu học phí và các khoản khác như trường công lập, thì với môi trường và chất lượng đào tạo như hiện nay vẫn thu hút được người học”.

 

GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - từng nhấn mạnh: Lập trường đại học không đơn giản như thành lập doanh nghiệp; nếu không đủ uy tín thì khó thu hút được người đến học; cần phải thay đổi chiến lược đào tạo, lấy uy tín từ từ; phải có quá trình đào tạo từ trung cấp, lên cao đẳng rồi mới đào tạo đại học.

 

Như vậy, việc các trường NCL khó tuyển sinh không phải do “điểm sàn”, mà do nhiều nguyên nhân khác. Để khắc phục khó khăn này, các trường NCL hãy khẳng định vị thế của mình trong xã hội, hãy xem xét lại mục đích thành lập trường, mục đích hoạt động của trường. Nếu lương của Hiệu trưởng trường NCL, tiền bồi dưỡng cho một giờ giảng bằng hoặc thấp hơn trường công lập; nếu lợi tức của cổ phần trong trường NCL chỉ bằng mức lãi suất gửi ngân hàng, học phí không cao hơn trường công lập, tình hình sẽ được cải thiện nhiều. Nếu như có chính sách và sự đối xử tốt đối với GV, đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, sẽ nâng cao được chất lượng đào tạo, khẳng định được vị thế của trường NCL trong xã hội, chắc chắn sẽ có nhiều thí sinh, có thí sinh đạt điểm cao vào học trong các trường NCL.