Lời khen và tiếng chê luôn là gia vị không thể thiếu trong cuộc sống. Con người ta dù ở lứa tuổi nào cũng thường ưa những lời nói ngọt. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, những lời khen ngợi luôn là động lực và vũ khí mà người lớn thường xuyên sử dụng nhằm đạt được những mục tiêu giáo dục nhất định. Tuy nhiên, khen - chê nếu không đúng “cữ” sẽ trở nên phản tác dụng và giảm giá trị, thậm chí gây hậu quả không tốt đối với sự phát triển nhân cách của trẻ.
Khen, chê cần sự chân thành
Với trẻ nhỏ, lời khen và sự ghi nhận của người lớn cho những nỗ lực của mình luôn có giá trị hơn mọi thứ phần thưởng. Lời động viên kèm theo một thái độ chân thành luôn làm trẻ cảm thấy an tâm và tự tin hơn.
Trong cách dạy con tại nhiều gia đình hiện nay, không khó để quan sát thấy, trẻ bị bao phủ bởi những lời chê trách từ người lớn. Một cô bé vừa tròn 5 tuổi thường được nghe nhiều lần trong ngày một câu y hệt nhau từ tất cả những người lớn trong nhà: “Con hư lắm, không biết nhường em gì cả” hay “Con lớn thế rồi mà chả biết gì”… hay những câu nói có hàm ý chê trách tương tự thì không kể hết. Cứ như thế, lặp đi lặp lại… Sau một thời gian có thêm em nhỏ, mọi người lớn trong nhà đều rút ra một kết luận rằng: Con bé này ngày càng ương bướng, không biết nghe lời. Và những lời chê trách lại tiếp tục xuất hiện mỗi lúc gặp tình huống cụ thể trong những cuộc giao tiếp của người lớn trong nhà với những đối tượng khác nhau.
Bé 3 tuổi học ở trường mầm non, đến lớp khóc nhè hay tè dầm là bị cô giáo và các bạn “lêu lêu” làm cho xấu hổ. Hoặc nếu làm trái lời cô sẽ bị phạt đứng góc lớp,.. Hậu quả dễ nhận thấy nhất là sau những lần như thế bé dần dần giảm hứng thú đến trường.
Có lẽ đúng đắn hơn cả trong nghệ thuật khen chê chính là sự “vừa đủ”. Khen tặng mà không đúng lúc và đúng mức cũng gây hại chẳng kém gì những lời chê bai, trách móc.
Một em bé mà lúc nào cũng chỉ nghe thấy những tán dương như “Con giỏi quá”, “Con thông minh quá”,…thì sẽ đến lúc những lời khen “hết tầm” như thế sẽ không còn giá trị. Điều đáng nói là, những lời khen “khủng” cho một việc làm vừa tầm sẽ khiến trẻ dần có xu hướng trở thành người chỉ ưa nói ngọt, khó nhận ra khuyết điểm của mình khi phải đối mặt với các tình huống cụ thể và đa dạng trong cuộc sống.
Khen, chê là quyền của mỗi người. Tuy nhiên để mang lại giá trị cho những lời nói của mình, người lớn cũng rất cần “lựa lời mà nói” để tránh làm tổn thương trẻ hoặc biến trẻ dần trở thành tự tin thái quá. Làm sao để lời khen, tiếng chê mang ý nghĩa giáo dục, không gì khác ngoài nguyên tắc “chân thành”.
Ngay từ những bài học đầu tiên của cuộc sống, trẻ đã cần được nếm thứ gia vị sẽ có thường ngày trong suốt cuộc đời, đó là lời khen và tiếng chê. Chính bởi vậy, người giáo dục trẻ cần phải biết lựa và ý thức sâu sắc rằng, Thiện – Ác có thể phân biệt được chỉ qua một lời khen. Và điều quan trong nữa là dạy trẻ kỹ năng phân biệt ranh giới vốn mong manh giữa “khen” và “nịnh” như lời Tuân Tử: “Người khen ta mà khen đúng là bạn ta. Kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta. Còn kẻ nịnh ta là thù địch ta vậy”.
Hãy trao niềm tin cho trẻ
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những trẻ được động viên kịp thời và được trao niềm tin từ phía gia đình và thầy cô thường thành công hơn khi chinh phục các thử thách. Ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển, kể cả khi trẻ hoàn thành mọi việc chưa thực sự tốt thì việc đầu tiên của thầy cô, cha mẹ là khen ngợi nỗ lực của chúng. Phương châm là, được đến đâu ghi nhận đến đó. Điểm chưa đúng, còn thiếu sẽ nhận được sự góp ý chân thành và tập trung vào đúng vấn đề chưa hoàn thiện, không lan man. Kết quả của quá trình này mang lại cho trẻ sự tự tin, không sợ sai, dám dấn thân, dám sáng tạo và dám chịu trách nhiệm.
Điều quan trọng hơn nữa, khi được người lớn trao gửi niềm tin trẻ sẽ có thêm động lực để cố gắng để không phụ lòng tin của mọi người.
Một câu nói kiểu như, “con hãy cố gắng lên, mẹ tin con sẽ làm bài tốt” sẽ có giá trị và ý nghĩa hơn rất nhiều so với câu nói kiểu như “con mà không làm bài tốt thì đừng có bóng banh gì nữa đấy”, hay “con mà làm bài không tốt thì đừng có trách mẹ”…
Khi trẻ được người lớn trao cho cơ hội thể hiện, trao cho niềm tin, tự chúng đã tích lũy được thêm sức mạnh để hoàn thành công việc được giao. Một tinh thần thoải mái cùng với sự tự tin và động lực như thôi thúc từ phía người lớn sẽ nuôi lớn ý chí phấn đấu vươn lên của trẻ, góp phần hoàn thiện một nhân cách, một mẫu người thành công trong tương lai và đủ sáng suốt để phân biệt Thiện – Ác từ những tiếng Khen – Chê trong đời.