Người thầy giáo “viết cổ tích” bằng… cuộc đời

09:52, 18/03/2013

“Tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 18 tuổi, chiến tranh tàn khốc đã cướp mất của anh nửa cánh tay phải. Nhưng, vượt lên sự đau đớn, suy sụp về thể xác, tinh thần, anh miệt mài tập viết bằng tay trái để hoàn thành chương trình học phổ thông và biến ước mơ làm thầy giáo thành hiện thực. Cuộc đời anh giống như một câu chuyện cổ tích về nghị lực sống mãnh liệt khiến nhiều người nể phục…”.

Đó là những lời chia sẻ với chúng tôi của thầy Nguyễn Văn Viện, Hiệu trưởng Trường THCS Hóa Trung, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) khi nhắc đến thầy giáo dạy Ngữ văn Lê Trọng Thành, người đã gắn bó với ngôi trường này 20 năm nay. Đến thăm thầy Thành đúng lúc thầy đang có tiết dạy ở trường, dự và nghe thầy truyền đạt kiến thức cho các em chỉ khoảng 30 phút nhưng chúng tôi đã cảm nhận được sự say mê, yêu nghề của người thầy giáo đặc biệt này. Thầy Thành có giọng nói truyền cảm, mỗi đoạn văn được thầy phân tích rất cặn kẽ, dễ hiểu, thu hút sự chú ý của học sinh và làm không khí trong lớp học sinh động bằng cách lồng những câu chuyện nhỏ, những dẫn chứng hóm hỉnh vào bài học. Tuy phải cầm phấn viết bằng tay trái nhưng nét chữ của thầy vẫn rõ ràng, thẳng hàng. Trong giờ ra chơi, em Đàm Thu Thủy, học sinh lớp 9A cho chúng tôi biết: Mỗi tiết học, thầy Thành luôn mang đến cho học sinh nhiều điều mới mẻ nên chúng em rất thích học môn của thầy. Chúng em yêu quý, kính trọng thầy không chỉ bởi sự giản dị, tận tình trong giảng dạy mà còn bởi thầy luôn là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

 

 

Ngồi đối diện với thầy Thành trong Phòng Ban Giám hiệu Nhà trường, chúng tôi có dịp quan sát thầy kỹ hơn. Trên gương mặt in hằn vết thời gian nhưng đôi mắt của thầy luôn rạng ngời niềm vui và nụ cười luôn thường trực. Trầm ngâm một chút để sắp xếp lại những ký ức xa xưa, thầy Thành kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình và những tháng ngày lửa đạn đã qua: Sinh ra và lớn lên tại T.P Thái Nguyên, sau khi học xong lớp 8/10 thầy đã xung phong đi nghĩa vụ quân sự rồi lên đóng quân tại Sư đoàn 346 ở Cao Bằng. Năm 1980, trong một trận đánh ác liệt với Trung Quốc để bảo vệ biên giới phía Bắc, thầy Thành bị trúng đạn pháo rồi ngất đi. Khi tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm trong bệnh viện, cánh tay phải mất đi một nửa, toàn thân đau đớn bởi nhiều mảnh kim loại găm vào người, khi ấy thầy vừa tròn 20 tuổi. Không còn khả năng chiến đấu, thầy Thành xuất ngũ với tờ giấy chứng nhận thương binh hạng ¾ và về Thái Nguyên điều trị tại Viện Quân y 91 (Phổ Yên). Nằm trên giường bệnh, mọi sinh hoạt của thầy đều phải nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và các y, bác sĩ. Đây chính là khoảng thời gian tinh thần thầy suy sụp nhất, thầy mặc cảm mình là kẻ vô dụng nên sống lặng lẽ như một cái bóng giữa cuộc đời và trốn tránh tất cả. Để giúp thầy vượt qua sự mặc cảm này, những người chăm sóc cho thầy đã luôn bên cạnh trò chuyện, động viên. Dần dần, thầy nhận ra mình còn may mắn hơn những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Sự vui vẻ, lạc quan  trở lại, thầy có niềm tin vào cuộc sống hơn và ao ước được đi học đại học để truyền đạt kiến thức cho các em học sinh, lúc bấy giờ mục tiêu thầy đặt ra là phải quyết tâm viết được chữ.

 

Năm 1983, sau khi ra viện thầy vừa xin đi học tiếp lớp 9 vừa bắt đầu tập viết bằng tay trái. Với thầy, việc giữ chắc bút đã khó, di chuyển cây bút sao cho đúng ý mình lại càng khó hơn vì những ngón tay còn lại đã bị biến dạng, cong queo. Thời gian đầu tập viết, do chưa quen tay nên chiếc bút cứ chực tuột ra, có khi lại cắm im một chỗ hoặc kéo theo cả tờ giấy mỗi khi thầy di chuyển ngòi bút. Không viết được chữ, bàn tay lại tê cứng, đau đớn nhưng tất cả những khó khăn ấy không khiến thầy nản chí. Bằng nghị lực của người lính, thầy miệt mài tập viết và sau hai năm vừa học văn hóa vừa học viết với nhiều đêm thức trắng, thầy Thành đã viết được những nét chữ tròn trịa. Năm 1985, thầy hoàn thành chương trình học phổ thông rồi đăng ký dự thi vào Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Lúc này, bạn bè, người thân của thầy đều ra sức can ngăn, họ cho rằng việc thầy thi đỗ vào đại học là một việc không tưởng, thậm chí có người còn nghĩ thầy… gàn dở. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, chú tâm vào ôn thi và công sức của thầy được đền đáp bằng tờ giấy gọi nhập trường.

 

Kết thúc 4 năm đại học, thầy Thành xin về dạy ở Trường THCS xã Văn Hán (Đồng Hỷ), và nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Anh, người con gái đẹp người đẹp nết đã vượt qua mọi khó khăn để đến với một thầy giáo thương binh nghèo. Sau 3 năm dạy học ở Văn Hán, thầy Thành xin chuyển về Trường THCS Hóa Thượng và gắn bó với ngôi trường từ đó cho đến giờ. Dù ở đâu thầy cũng cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Đồng nghiệp, học trò luôn nhắc đến thầy với sự nể phục và dành cho thầy những tình cảm quý mến. Năm 2009, thầy được Bộ Giáo dục & Đào tạo suy tôn là Nhà giáo - chiến sĩ.

 

Bất kể trời mưa hay nắng, hàng ngày, thầy Thành đều cần mẫn đạp xe đến trường để truyền đạt tri thức cho bao thế hệ học trò, về nhà thầy lại dạy bảo con cái và tranh thủ cùng vợ tăng gia sản xuất để ổn định cuộc sống. Hiện nay, vợ chồng thầy đã có một cơ ngơi khang trang với hai người con chăm ngoan, học giỏi. Cô con gái đầu lòng đang học năm thứ 3 Đại học Luật Hà Nội, con gái thứ hai của thầy đang học lớp 10 nhưng luôn phấn đấu noi theo gương chị.