Quản lý sách tham khảo từ việc triển khai đúng mục tiêu phát triển giáo dục

08:15, 28/03/2013

Thời gian qua, dư luận hết sức quan tâm đến việc một số cuốn sách tham khảo (STK) được xuất bản không phù hợp  mục tiêu giáo dục, thuần phong mỹ tục.

Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề xuất bản, quản lý STK trong giáo dục mầm non và phổ thông. Tại buổi trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), có một số câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Sau đây là một số ý kiến của các chuyên gia trong ngành giáo dục, cán bộ quản lý nhà xuất bản, phụ huynh học sinh với chủ đề: "Nâng cao chất lượng sách tham khảo trong giáo dục mầm non và phổ thông".

 

Sách tham khảo trong lĩnh vực giáo dục hiện nay khá phổ biến trên thị trường. Mới đây, một số cuốn sách tham khảo (STK) có nội dung không đúng với quy định về nội dung giáo dục trong nhà trường đã gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng STK trong giáo dục mầm non và phổ thông, cần có cái nhìn tổng quan từ mục tiêu phát triển giáo dục hiện nay.

 

Có thể nói, từ những năm 80 và một phần của những năm 90 thế kỷ 20, kinh tế nước ta chưa phát triển như hiện nay cho nên lĩnh vực xuất bản cũng có những hạn chế nhất định. Thí dụ, môn Toán ở phổ thông, những năm 80 của thế kỷ 20 chỉ có sách giáo khoa học ở trường là chính, STK chỉ một vài cuốn,  là những bài toán khó, toán đố để những học sinh thật sự xuất sắc về môn học này tham khảo, nâng cao trình độ. Ðến nay, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, số đầu sách xuất bản tăng lên khá lớn, tốn cả chục nghìn tấn giấy xuất bản mỗi năm. Ðáng chú ý, nếu dạo quanh các cửa hàng sách, có thể gặp hàng chục đầu STK cho mỗi môn học. Riêng môn Toán ở  bậc tiểu học có  từ 50 đến 60 đầu STK. Việc có nhiều sách, nhiều người viết, nhiều người mua, nhiều người đọc và nhất là tạo văn hóa đọc, tìm tòi tri thức trong học sinh là điều rất tốt. Tuy nhiên, có một thực tế là chất lượng STK và việc sử dụng STK của phụ huynh, học sinh hoặc thầy giáo, cô giáo trong nhà trường vẫn là điều đáng bàn. Các nghị quyết của Ðảng đều khẳng định "giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhưng trong thực tế, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) chưa xác định đúng và chưa quán triệt được mục tiêu giáo dục, dẫn đến tình trạng hỗn loạn vì sách, tạo nên nhiều điểm bất cập trong giáo dục.

 

Mục tiêu giáo dục về mặt lý thuyết là dạy chữ, dạy người, dạy nghề, nhưng thực chất chủ yếu vẫn chạy theo việc dạy chữ là chính. Mà dạy chữ thì do quan niệm, ý tưởng, triết lý trong ngành cũng như trong xã hội, rất nặng chạy theo khối lượng tri thức, mà không chú ý tới vốn hiểu biết, năng lực giải quyết các vấn đề cho học sinh.  Hiện nay, vấn đề xã hội đang hết sức quan tâm là không có chuẩn nào thật thích hợp trong giáo dục. Bộ GD và ÐT làm ra chương trình, sách giáo khoa phổ thông nhưng còn nhiều bất hợp lý như: Kiến thức khoa học quá nặng (có thể giảm 40%-50%) nhưng lại thiếu những điều cần  thiết trong thực tiễn. Thí dụ, ở lứa tuổi trẻ em cần  chú ý đến sức khỏe, đạo đức thì lại ít được chú trọng, giảng dạy. Nhu cầu dạy và học kỹ năng sống hiện nay khá lớn, nhưng Bộ GD và ÐT không có chương trình cho nên phụ huynh và các trường phải tự tìm hiểu. Có "cầu" sẽ có "cung" và sự phát triển hệ thống STK đáp ứng nhu cầu là tất yếu. Do mục tiêu giáo dục hiện nay không đi vào cuộc sống, nặng về dạy chữ, dẫn đến tình trạng chương trình học nặng quá, kéo theo dạy thêm, học thêm, thúc đẩy nhu cầu mua STK, tạo cơ hội cho nhiều người viết STK. Như vậy, ở đây có vấn đề đáng bàn là mục tiêu giáo dục nhất là bậc tiểu học và trung học không gặp nhau, cấp quản lý nhà nước và các nhà khoa học viết sách một đằng, thực tiễn và phụ huynh chạy theo một nẻo.

 

Theo Luật Xuất bản, các nhà xuất bản hoàn toàn có thể xuất bản STK, không hạn chế. Những sách hay thì nên khuyến khích, trừ việc lợi dụng sách làm sai trái về chính trị, lập trường, tinh thần dân tộc, lợi ích quốc gia... Tuy nhiên, STK được xuất bản quá nhiều lại không phải do thực tiễn phát triển giáo dục của từng lớp học, cấp học đặt ra mà do không có quan niệm đúng về mục tiêu giáo dục, dẫn tới việc phụ huynh, học sinh chạy theo kỳ vọng, muốn học thêm những bài văn mẫu, bài toán đố... để trở thành "thần đồng". Ðiều đó dẫn tới quan niệm về phát triển trẻ không đúng, có tiền là mua sách, không theo chương trình nào, mua tùy tiện cũng làm tăng "cung" STK. Trong quá trình học tập, phụ huynh, học sinh phải theo nhà trường dạy, kiểm tra, chuyển cấp... như thế nào? Ở các nước, học sinh lớp một về nhà chỉ học 30 phút, đến lớp năm cũng chỉ một tiếng là đủ còn lại là vui chơi, học tập kỹ năng sống, lao động... Còn ở Việt Nam, học sinh tiểu học học đến 10-11 giờ đêm. Tri thức là biển cả, không bao giờ hết được. Theo chương trình, mục tiêu hiện nay, cứ lấp đầy tri thức này, tri thức khác thì STK sẽ ra đời, phụ huynh sẽ cứ đi tìm vì học sinh cần học thêm.

 

Ở một khía cạnh khác, phương pháp giảng dạy cũng là vấn đề đáng quan tâm trong việc xuất bản, sử dụng STK. Một cuốn sách có thể phá hoại tất cả những cuốn sách khác hoặc có thể phá hoại một phương pháp giảng dạy, nếu quyển sách đó sai lầm. Thí dụ, STK bài văn mẫu, cơ quan quản lý xuất bản không thể không cấp phép xuất bản và học sinh mua được dễ dàng. Tuy nhiên, với cách dạy và đánh giá chất lượng trong nhà trường như hiện nay, học sinh cứ làm theo bài văn mẫu là đạt điểm cao thì sẽ thui chột sự sáng tạo, tư duy sống động của các em. Nhưng trong quá trình giảng dạy, nhà trường lại chỉ đánh giá chất lượng những gì học sinh "làm theo sách đã có" mà thiếu sự kích thích sáng tạo của học sinh. Làm thế nào để nhà trường kiểm tra, đánh giá theo đúng chương trình chuẩn, học sinh không cần phải chạy theo STK. Còn ở nước ta, do phương pháp dạy, thi cử như hiện nay thì học sinh luôn phải mua STK. Ðiều đó đòi hỏi công tác quản lý giáo dục và các bậc phụ huynh phải theo đúng quy luật phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của các lớp học, cấp học, bậc học. Thí dụ ở bậc tiểu học, chỉ cần đánh giá đúng chất lượng chương trình dạy thật phù hợp thì không có gì phải học thêm hay tham khảo. Cốt lõi vẫn là mục tiêu giáo dục đúng, phù hợp để mọi người thay đổi quan niệm.

 

Có thể nói, nhìn từ quan điểm, mục tiêu giáo dục thì không quá khó để giải bài toán về sự bùng nổ của thị trường STK. Việc kiểm soát chất lượng STK về giáo dục không phải bằng một công cụ văn bản hay sự can thiệp của Bộ GD và ÐT về việc cho in hay không in cuốn sách nào đó. Ðiều quan trọng vẫn là mục tiêu giáo dục, phương pháp dạy và học cũng như cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng trong trường học cần có sự thay đổi. Những điều nêu trên sẽ tác động trực tiếp đến "cầu" và "cung" chất lượng, hiệu quả của STK. Ðiều đó cũng không gây tâm lý nặng nề trong xã hội về việc luôn luôn phải nhồi nhét kiến thức cho học sinh. Phụ huynh, học sinh có sự lựa chọn tốt hơn và có thể không sử dụng STK nhưng vẫn đáp ứng được chương trình học sẽ là cán cân điều chỉnh hợp lý vấn đề STK hiện nay. Từ đó  tránh được tình trạng "cầu" lớn dẫn đến "cung" lớn và đi kèm là việc sử dụng STK của phụ huynh, học sinh mang tính hình thức, lãng phí, kể cả sách không bảo đảm chất lượng. Mặt khác, sách học ở nhà trường có thể nhiều bộ nhưng cần nâng cao trách nhiệm của  giáo viên trong việc lựa chọn, hướng dẫn sử dụng sách cho học sinh. Các giáo viên cần nâng cao trách nhiệm về những nội dung sách đang sử dụng trong nhà trường.

 

Kết luận số 51-KL/T.Ư của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI khẳng định: "Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bao gồm: đổi mới tư duy; đổi mới mục tiêu đào tạo; hệ thống tổ chức, loại hình giáo dục và đào tạo; nội dung, phương pháp dạy và học...". Ðó cũng là vấn đề cần quán triệt thực hiện tốt nhằm tạo bước đột phá trong phát triển giáo dục, giải quyết vấn đề cốt lõi là mục tiêu giáo dục, chứ không phải chỉ chỉnh sửa từng lỗi nhỏ,  đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong phát triển giáo dục và thực hiện tốt chủ trương: "giáo dục là quốc sách hàng đầu" được đề ra từ Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII đến nay.