Ðổi mới phương pháp luôn được coi là khâu đột phá trong chương trình dạy học giáo dục phổ thông. Hơn 25 năm sau đổi mới đất nước, với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học (PPDH) trong giáo dục phổ thông cũng có những thay đổi nhất định. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế phát triển, PPDH vẫn còn lạc hậu, thầy truyền thụ, học sinh tiếp thu một cách máy móc.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), cả nước hiện có hơn 28,8 nghìn trường tiểu học, THCS và THPT với gần 14,8 triệu học sinh. Không kể cán bộ quản lý và nhân viên, cả nước có hơn 828 nghìn giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy. Vì vậy, để bảo đảm chất lượng dạy học ở bậc phổ thông, phương pháp giáo dục cần phát huy tính tự lực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc điểm từng lớp học, môn học, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn và đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế công tác đổi mới PPDH hiện nay vẫn tồn tại sự khác nhau về hiệu quả triển khai. Ðối với những trường có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, khả năng nhận thức của học sinh tốt thì trong các giờ giảng bài, giáo viên vận dụng đổi mới PPDH thường xuyên hơn các cơ sở giáo dục còn khó khăn. Mặt khác, việc vận dụng đổi mới PPDH trong các giờ học bộ môn của giáo viên chưa nhuần nhuyễn, còn lúng túng khi thực hiện. Kỹ năng vận dụng các PPDH mới còn hạn chế, kiểu dạy học truyền thụ một chiều giảng giải, minh họa "thầy đọc, trò chép" và kiểu dạy học "thầy hỏi, trò trả lời" vẫn còn chiếm ưu thế trong các giờ lên lớp. Một số giáo viên chưa nắm được mục tiêu, nội dung, bản chất đổi mới PPDH cho nên trong một lớp học trình độ nhận thức của các học sinh trong lớp không đồng đều nhưng hoạt động dạy học của giáo viên vẫn được tiến hành chung cho cả lớp, không thấy rõ sự phân hóa cho từng loại đối tượng học sinh.
Một nghiên cứu về thực trạng đổi mới PPDH theo chương trình, sách giáo khoa mới tại 45 trường THCS thuộc 14 tỉnh, thành phố của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy, các giáo viên vẫn còn thuyết trình nhiều, thậm chí áp đặt cách hiểu của mình cho học sinh. Trong số học sinh được hỏi cho thấy có 93% số học sinh cho rằng phải thường xuyên nghe giảng và ghi chép. Về vấn đề học bằng hỏi, trả lời cá nhân, làm bài tập có 80,4% số học sinh thường xuyên được học bằng phương pháp này. Mặc dù trình độ nhận thức của các học sinh trong lớp không đồng đều nhưng có tới 62,5% số giáo viên chỉ quan tâm đến câu trả lời của học sinh khá, giỏi. Có tới 65,1% số giáo viên chủ yếu sử dụng phương tiện minh họa hoặc tăng tính trực quan cho nội dung dạy học...
Ðẩy mạnh đổi mới PPDH trong các nhà trường là việc làm cần thiết. Vì vậy, bên cạnh việc phát động phong trào nhằm động viên, tạo động lực cũng cần coi việc đổi mới PPDH là yêu cầu bắt buộc và xây dựng thành các tiêu chí đánh giá giáo viên. Mặt khác, việc đổi mới PPDH còn có quan hệ chặt chẽ với việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Cùng với việc đổi mới PPDH, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng cần có sự thay đổi, không chỉ đòi hỏi học sinh ghi nhớ mà còn phải biết vận dụng kiến thức, kỹ năng vào cuộc sống.
Ðáng chú ý, PPDH là một thành tố trong quá trình dạy học, có quan hệ mật thiết với nội dung, chương trình, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học. Vì vậy, để đổi mới PPDH, khi xây dựng chương trình học cần tinh giản theo hướng hạn chế những kiến thức hàn lâm, dành nhiều thời gian cho những nội dung có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống; giảm kiến thức lý thuyết, tăng thực hành. Thực tế những năm qua, ngành GD và ÐT đã thực hiện việc giảm tải chương trình, tăng cường các hoạt động thực hành. Tuy nhiên, qua thực tế các hoạt động giảm tải chương trình cho thấy, yêu cầu tinh giản chưa được thực hiện triệt để. Bên cạnh đó, việc đào tạo giáo viên ở các trường đại học, cao đẳng cần đổi mới chương trình theo hướng hình thành, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp. Chương trình đào tạo giáo viên cần có sự gắn chặt và đáp ứng yêu cầu đổi mới ở chương trình dạy học phổ thông. Tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" giữa chương trình đào tạo giáo viên và chương trình dạy học ở trường phổ thông. Tăng cường thực tập sư phạm và gắn kết giữa trường đào tạo sư phạm với trường phổ thông trong đào tạo năng lực nghề nghiệp cho giáo viên...
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, trong quá trình đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015, vấn đề đặt ra, Bộ GD và ÐT cần đưa ra một mô hình sách giáo khoa theo hướng tạo điều kiện cho học sinh hoạt động dưới sự hướng dẫn của giáo viên và sự phối hợp của bạn bè để độc lập nắm kiến thức, rèn luyện kỹ năng và hình thành năng lực tự học. Gắn đổi mới PPDH với việc tự làm thiết bị dạy, học của giáo viên và học sinh. Ðiều đó cũng sẽ giúp cho tính tự lập sáng tạo trong học sinh tăng lên. Kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy, dù nền kinh tế phát triển nhưng việc tự làm thiết bị dạy học được coi là nhiệm vụ của các nhà trường. Vì việc huy động giáo viên, học sinh và cả phụ huynh vào quá trình dạy và học thông qua làm thiết bị dạy học bằng những nguyên liệu sẵn có không chỉ là giảm chi phí tài chính mà còn kích thích tính sáng tạo, huy động sự phối hợp giữa các đối tượng khác nhau cho giờ dạy học.
Có thể nói, đổi mới PPDH theo hướng tích cực hóa các hoạt động học tập của học sinh được coi như khâu đột phá quan trọng để giải quyết bài toán nâng cao chất lượng giáo dục. Các quốc gia đều nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Vì vậy, ở nước ta cùng với đổi mới chương trình, sách giáo khoa, việc tích cực đẩy mạnh công tác đổi mới PPDH sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới căn bản GD và ÐT.