Xây dựng cơ sở vật chất trường mầm non: Ngành Giáo dục vẫn bị ngoài cuộc

16:35, 22/03/2013

Sau hơn 3 năm triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, nhiều địa phương đã đạt được những thành quả trông thấy với những lớp học được sửa chữa, nhiều ngôi trường mới mọc lên. Nhưng cũng có một số địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho bậc học này chưa đạt được kết quả như mong đợi.  

Khi chính quyền và người dân đồng lòng

 

 

Từ cơ ngơi của một trường mầm non thuộc nông trường quốc doanh được xây từ những năm 1965, Trường mầm non Bến Tắm (Chí Linh, Hải Dương)  với nhiều điểm lẻ nay đã được xây dựng trên khuôn viên hơn 5,5 ngàn m2.

 

Hiệu trưởng Trường mầm non Bến Tắm Nguyễn Thị Minh cho biết: Nhà trường có 9 phòng học (54m2/phòng), các phòng chức năng, bếp ăn một chiều và đầy đủ trang thiết bị dạy - học. Chia sẻ về quá trình xây trường chuẩn của địa phương, theo Bí thư  Đảng ủy phường Bến Tắm Lê Văn Dương, trước nhu cầu gửi trẻ của người dân, chính quyền đã quyết tâm xây dựng một ngôi trường chuẩn để thu gom các điểm lẻ về một mối. “Trường đi vào hoạt động nhưng chính quyền vẫn nợ tiền đền bù đất của người dân. Điều này cho thấy người dân thực sự tâm huyết, đồng lòng với chính quyền trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục”, ông Dương nhận định.

 

Cùng vào cuộc với ngành Giáo dục trong việc xây dựng để kiên cố hóa trường lớp, chính quyền xã Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên) đã dành hơn 14 tỷ đồng từ ngân sách xã để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huy Lập cho biết: Để ngôi trường khang trang, lớp học thoáng mát, chính quyền xã và nhà trường đã đi tham khảo mô hình ở nhiều nơi. Kết quả, chính quyền xã và nhà trường thống nhất xây dựng lớp học theo tiêu chuẩn mới (mỗi lớp rộng trên 90m2, chia làm 3 khu cho trẻ học, ngủ và ăn). Mỗi lớp học có 2 hiên để đảm bảo diện tích cho trẻ hoạt động, vừa để lớp học thoáng, mát.

 

25 năm gắn bó với mảnh đất cực nam Tổ quốc (Đất Mũi, Ngọc Hiển, Cà Mau) từ những ngày chưa có trường, lớp, trẻ không biết đến khái niệm đi học, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Đất Mũi Nguyễn Thanh Thêm đã trải qua hành trình dài để vận động trẻ đến trường, vận động chính quyền xã và các doanh nghiệp cùng đồng sức xây dựng một ngôi trường khang trang để cô và trò không còn chịu cảnh “nắng thì học, lũ thì nghỉ”. Cô Thêm nhớ lại: “Mưa dầm thấm lâu”, chính quyền địa phương dần cũng có sự quan tâm, người dân cũng dần thấy được lợi ích của việc cho con đi học nên đã tạo điều kiện cho trẻ đến trường ngày càng đông hơn. Ban đầu chỉ là việc mở rộng phòng học, sau là nâng nền tránh ngập nước. Cứ như vậy, mỗi năm tôi xây dựng kế hoạch tham mưu xin kinh phí sửa chữa nâng cấp dần đến năm 2002 trường mẫu giáo  xã Đất Mũi  chính thức được thành lập thu hút số lượng trẻ ra lớp tăng hơn so với những năm học trước nên phòng học lại thiếu không đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân. Tôi tiếp tục tham mưu và được sự ủng hộ của đơn vị  vùng đệm vườn Quốc gia mũi Cà Mau, UBND  xã Đất Mũi và nhân dân  ủng hộ hơn một tỷ đồng để xây dựng lên một ngôi trường mới khang trang với 4 phòng học.

 

Còn nhiều khó khăn

 

Tuy trường đã ra trường, lớp đã ra lớp nhưng theo cô Thêm, Trường mẫu giáo Đất Mũi vẫn gặp không ít khó khăn bởi cả xã (15 ấp) mới chỉ có một trường mẫu giáo nên số trẻ 5 tuổi đến trường cũng mới đạt trên 30%. Cô Thêm cho biết: Để huy động 100% trẻ 5 tuổi ra trường như mục tiêu Sở GD&ĐT đề ra vào năm 2015, tăng tỷ lệ huy động trẻ 3-4 tuổi và trẻ nhà trẻ, nhà trường còn thiếu 10 phòng học, các phòng chức năng và thiếu 20 giáo viên.

 

Cũng trong cảnh khó khăn về cơ sở vật chất, Trường mầm non Yên Đĩnh (Chợ Mới, Bắc Kạn) tuy đạt chuẩn nhưng cơ sở vật chất của nhà trường chủ yếu do cải tạo lại từ nhà làm việc của UBND xã và trạm y tế. Do vậy, diện tích lớp học nhỏ, sân chơi chật hẹp, không có nhà vệ sinh trong mỗi lớp học, thiếu phòng chức năng, phòng làm việc... Theo Hiệu trưởng Hoàng Kim Minh, cơ sở vật chất nhà trường do sửa chữa cải tạo lại nên nhanh chóng xuống cấp. Hiện nhà trường còn thiếu 1 phòng học nhà trẻ ở khu chính, vẫn còn 1 phòng học nhà tạm tại điểm trường… Trường mầm non Lục Bình (Bạch Thông, Bắc Kạn) tuy mới được công nhận đạt chuẩn mức độ 1 trong năm 2012 khuôn viên trường, sân chơi, nhà bếp còn chật nên chưa  thể thực hiện quy trình chế biến một chiều, nhà vệ sinh ở điểm lẻ chưa đạt yêu cầu…

 

Tại những trường mầm non mới được đầu tư xây dựng như Trường mầm non thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) hay mầm non Cao Phong (Sông Lô, Vĩnh Phúc) là những trường được cải tạo, xây mới với phòng học rộng, thoáng mát nhưng lại thiếu phòng chức năng, chưa có nhà vệ sinh trong mỗi lớp học. Tại trường mầm non Cao Phong là trường đạt chuẩn mức độ 1 nhưng công trình vệ sinh cho lớp 3 tuổi lại tách biệt, đường ra nhà vệ sinh trơn trượt, không có mái che, nhà bếp chật, không có tủ lạnh lưu mẫu…

 

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) Ngô Thị Hợp nhận xét: Kiểm tra tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên cho thấy một số trường xây dựng khang trang nhưng công trình vệ sinh lại chưa hợp lý (chật, khép kín nên giáo viên khó quan sát, bồn cầu cao không phù hợp với trẻ). Nhiều trường mầm non bê tông hóa sân trường quá nhiều, thiếu cây xanh, bóng mát, chưa thân thiện với trẻ…

 

Thiếu cơ sở vật chất do chưa nhận được sự quan tâm thích đáng, có cơ sở vật chất nhưng hiệu quả sử dụng không cao là điều dễ nhận thấy ở nhiều trường mầm non hiện nay. Điều này cho thấy ngành Giáo dục chưa được tham gia vào quá trình xây dựng trường, ngay từ khâu thiết kế nên công trình vệ sinh thường không an toàn, cầu trượt ngoài trời không có đệm hay thảm cỏ gây nguy hiểm cho trẻ. Đây là những lỗi  nhỏ nhưng cần khắc phục ngay bởi đối với các trường mầm non, an toàn cho trẻ luôn là yếu tố quan trọng nhất.