Dạy trò bằng cả trái tim

13:45, 01/04/2013

Ở địa phương còn nhiều khó khăn như huyện Phú Bình, với tỷ lệ hộ thuần nông chiếm tới trên 80% có 1 lớp học với 43 học sinh đều thi đỗ đại học nguyện vọng 1, trong đó có hơn nửa thi đỗ vào các trường danh tiếng ở Hà Nội với điểm bình quân trên 22 là điều khiến không ít người ngỡ ngàng. Càng bất ngờ hơn khi được biết  thầy chủ nhiệm lớp học 12A1 ấy vẫn trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn. Thầy Nguyễn Văn Chiến (SN 1979), giáo viên Toán, Trường THPT Lương Phú.

Thầy Nguyễn Văn Chiến hiện là Bí thư Chi bộ 1, Tổ phó Tổ chuyên môn Toán - Tin và là Tổ trưởng Tổ chủ nhiệm khối sáng của Trường THPT Lương Phú. Năm 2012, thầy Chiến vinh dự được nhận 2 Bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo và UBND tỉnh; được Sở Giáo dục - Đào tạo tôn vinh là tấm gương đạo đức nhà giáo….

 

“Nảy mầm” trong môi trường tốt

 

Sau nhiều lần hẹn, rồi phải “nhờ” cả lãnh đạo Nhà trường “tác động”, thầy Chiến mới đồng ý cho chúng tôi gặp mặt. Ngại - là lý do thầy bảo không muốn “lên” báo. Tuy nhiên, khi gặp rồi, điều chúng tôi cảm nhận rất rõ ở thầy đó là một con người cởi mở, tâm huyết với nghề và cũng hết sức khiêm tốn. Thầy ít nói về bản thân, mà nói nhiều về tập thể sư phạm nhà trường. Thầy bảo, ở ngôi trường này, không phân biệt mới cũ, thân sơ…, giáo viên nào cũng được tạo điều kiện để thể hiện khả năng của mình. Bằng chứng sinh động nhất đó là việc ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi. Ở từng bộ môn và khối lớp, công việc này được giao luân phiên, chứ không phải chỉ do 1 vài người đảm nhận như nhiều trường vẫn làm, dù đó là những giáo viên vừa ra trường.

 

Ngày mới về nhận công tác, thầy Chiến cũng được Ban Giám hiệu giao vừa ôn luyện đội tuyển, vừa làm chủ nhiệm lớp. “Không tránh khỏi cảm giác băn khoăn, thậm chí cả lo lắng, nhưng vượt lên tất cả đó là niềm vui và lòng quyết tâm” - thầy Chiến tâm sự. Biết thành tích mà từng bộ môn cũng như toàn Trường đạt được, ai nấy đều tự nhủ phải cố gắng. Có lẽ vì điều đó nên ở ngôi trường này, việc ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi lẫn học sinh yếu kém từ nhiều năm qua đã không còn được tính bằng số buổi theo quy định mà hễ có thời gian, sắp xếp được lịch, được lớp, là các thầy cô lại miệt mài cùng trò ôn luyện. Nhờ đó, trung bình mỗi đội tuyển thường được bồi dưỡng vài chục buổi. Bên cạnh đó, ngoài thời gian lên lớp, bất cứ khi nào, học sinh có thắc mắc, đều có thể trao đổi với thầy cô qua điện thoại. Tấm lòng của các thầy cô được các em cảm mến như những người cha, người mẹ, người anh, người chị. Ngôi trường đã thực sự là ngôi nhà thứ 2 của mỗi em.

 

Bởi thế, dù mới thành lập được hơn 10 năm (từ năm 2002 đến nay), nhưng những thành tích mà Nhà trường đạt được ngay cả nhiều trường “đàn anh” cũng phải nể phục. Bằng chứng sinh động nhất đó là Trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào tháng 2-2012. Và mới đây, Trường đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

 

Tự giác - Yếu tố đầu tiên rèn trò

 

- Đã bao giờ học trò hỏi mà anh không trả lời được? - Tôi hỏi.

- Có đấy, mà không phải chỉ có 1 lần.

- Khi đó, anh phải nói sao với các em?

- Đành phải khất nhưng ngay tiết học sau, mình phải có câu trả lời. Tuy nhiên, là người thầy, không nên “nợ” các em nhiều lần. Như thế sẽ khiến các em bớt đi sự tin cậy. Anh Chiến lý giải: Ngày nay, với nhiều phương tiện hỗ trợ cho việc học, các em dễ dàng tìm thấy những dạng bài hay và khó. Nếu thầy lười tư duy và ngại tìm hiểu, học hỏi thì việc không giải được các dạng bài khó là điều không tránh khỏi.

 

Anh Chiến sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất xã Lương Phú. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên năm 2002, anh về dạy tại Trung tâm GDTT huyện Phổ Yên. Được 1 năm thì anh xin chuyển về Trường THPT Phú Bình. Năm 2004, Trường THPT Lương Phú thiếu giáo viên Toán nên anh xin chuyển về đây vừa để gần nhà, vừa để thực hiện nguyện vọng được đóng góp một phần công sức xây dựng quê hương. Hơn 8 năm về trường, anh được phân công chủ nhiệm 2 khóa (từ lớp 10 đến lớp 12). Với quan niệm, học sinh cũng như các em của mình, anh luôn dành mọi thời gian có thể để tâm sự, giải đáp và định hướng cho các em những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Vốn sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên anh hiểu rất rõ những bất lợi mà học sinh của mình sẽ gặp phải sau khi rời ghế nhà trường phổ thông. Bởi thế, anh luôn tạo điều kiện để các em được thể hiện mình trước đám đông, thông qua việc gọi lên bảng kiểm tra bài, khuyến khích hát, kể chuyện trong những giờ sinh hoạt ngoại khóa; động viên tham gia các hoạt động thể dục thể thao... Chính sự tận tình và lòng yêu thương nhưng cũng hết sức nghiêm túc của thầy đã giúp các em tự tin, mạnh dạn, nhờ đó tác động tích cực trở lại việc học tập. Chẳng thế mà, môn Toán vốn khô khan, cứng nhắc là thế nhưng học trò ai cũng mong đến giờ của thầy.

- Bí quyết để có một lớp học do mình chủ nhiệm đạt kết quả tốt như năm học vừa qua của anh là gì? – Tôi hỏi tiếp.

- Chẳng biết có phải là bí quyết không nhưng cách mà lâu nay mình vẫn làm đó là, trước hết phải rèn cho các em tính tự giác, tinh thần ham học tập và có ý thức vươn lên. Và muốn trò tin, nghe, cũng như thích học môn của mình, thì trước hết, thầy phải tạo được thiện cảm, sự gần gũi với các em. Bên cạnh việc học, mình cũng khuyến khích các em tham gia một, hai môn thể thao cho tinh thần sảng khoái hoặc dành thời gian hợp lý giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Nhưng khi đã học thì phải thực sự tập trung. Mình thường dành thời gian để hỏi han các em mỗi ngày; trao đổi thường xuyên với giáo viên bộ môn và giữ mối liên hệ với ban đại diện phụ huynh học sinh. Trong trường hợp cần thiết thì trực tiếp trao đổi với cha mẹ các em. Em nào có biểu hiện học tập sa sút hoặc vi phạm nội quy trường, lớp, mình gọi riêng nhắc nhở, tìm hiểu nguyên nhân, nếu thấy cần thiết thì phân công bạn cùng lớp theo dõi, giúp đỡ…

 

Đó là người thầy mẫu mực

 

Nói về thầy Chiến, thầy giáo Dương Thanh Trọng, Hiệu phó Nhà trường không dấu được sự tự hào: Đó là một người thầy mẫu mực cả trong lối sống và công việc. Có thể nói, năm học 2011-2012 là năm đánh dấu sự thành công lớn nhất của thầy khi mà cả 43/43 em do thầy chủ nhiệm đều thi đỗ đại học nguyện vọng 1 (trong đó có tới 27 em đỗ đại học Hà Nội với số điểm trên 22, trong đó em Nguyễn Đông Dương đạt tới 27,5 điểm (điểm môn Toán đạt 9,75). Ở khóa chủ nhiệm trước, lớp thầy Chiến cũng có tới 37/43 em thi đỗ đại học); 2 học sinh giành giải Nhất môn Toán cấp tỉnh (đây là năm đầu tiên Nhà trường có giải Nhất môn Toán); 1 em giành giải Nhì cấp Quốc gia máy tính cầm tay, 1 em đoạt giải Nhất tuần Đường lên đỉnh Olympia... Hơn ai hết, chúng tôi hiểu, thành tích ấy có được là nhờ sự kết tinh của cả một quá trình lao động miệt mài, nghiêm túc và quan trọng hơn là thầy đã dạy, bảo các em bằng cả trái tim và sự nhiệt huyết. Ở cương vị nào, thầy cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Đảng bộ Nhà trường cũng như Đảng bộ huyện, ngành Giáo dục - Đào tạo đánh giá cao.

 

Có lẽ, với những thành tích đầy ấn tượng ấy, ít ai biết, thầy đã từng phải bỏ học giữa chừng. Thầy Chiến tâm sự: Ngay từ nhỏ, mình đã ước ao được đứng trên bục giảng. Những tưởng ước mơ đó đã không thể thực hiện khi mà năm học lớp 7, mình phải bỏ học do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn. Một người bạn phải thuyết phục mãi mình mới có thêm quyết tâm học tiếp. Mình luôn thầm cảm ơn người bạn đã khiến mình trở lại trường. Giờ đây, mình cảm nhận rất rõ tác dụng của việc học. Đúng như Bác Hồ đã dạy: “Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”; “Ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình”… Tư tưởng này của Người luôn được mình ghi nhớ. Và khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai, anh xem đó là cơ hội để truyền tải tới học sinh những điều bản thân học được từ tấm gương đạo đức cũng như những câu triết lý của Người thông qua việc kể chuyện về Người, về những tấm gương làm theo Người... Bản thân anh cũng ý thức hơn trong công việc, sinh hoạt và đời sống riêng để làm gương cho các em. Sau mỗi câu chuyện, mỗi lời căn dặn của Bác, anh lại rút ra ý nghĩa, bài học kinh nghiệm và hướng các em đến những giá chân – thiện – mỹ. Cuộc vận động đã giúp anh có ý thức hơn trong việc dạy các em về ý chí, tinh thần tự lực tự cường, cũng như hoàn thiện nhân cách…  Cũng chính từ lý do đó, năm 2010, anh đã tham gia học cao học và tháng 1 vừa qua, anh đã bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ.

 

Không chỉ thành công trong công việc, anh Chiến còn có một gia đình hạnh phúc, với người vợ cũng là giáo viên giỏi của Trường THCS Hương Sơn, cùng một cô con gái chăm ngoan, học giỏi. Và chỉ một thời gian ngắn nữa, anh sẽ được đón thành viên thứ 4 trong gia đình.


 

 

Cô giáo Đỗ Thị Toàn, Trường THPT Lương Phú: Thầy Chiến là người chịu khó tìm tòi và tư duy. Thầy có cách soạn bài rất khoa học và công phu. Thầy thường đưa ra được nhiều loại bài, tổng kết được từng dạng bài tập, giúp học sinh dễ dàng nắm được các dạng bài và hệ thống hóa được kiến thức đã học.  Ở mỗi dạng bài, thầy luôn đưa ra được nhiều cách giải. Tôi và các đồng nghiệp tổ Toán học hỏi và đã vận dụng được rất nhiều kinh nghiệm hay của thầy.

 

 

Em Nguyễn Thị Duyên, học sinh lớp 12A8: Em thực sự thích cách dạy của thầy Chiến. Thầy sưu tầm được rất nhiều dạng toán hay, rồi hướng dẫn chúng em cách làm, từ cơ bản đến nâng cao. Những bạn học yếu, thầy gọi lên bảng nhiều hơn để có biện pháp giúp đỡ. Từ ngày được thầy dạy, điểm Toán của lớp em nâng lên rõ rệt. Riêng em từ chỗ học yếu toán, nay đã được gần 9 phẩy. Thay vì sợ, cả lớp em giờ rất thích môn học này. Em sẽ chọn Toán để thi đại học.