Giáo dục thể chất: Nhiều nơi còn học cho có

09:14, 17/04/2013

Giáo dục thể chất và dinh dưỡng góp phần không nhỏ vào sự phát triển thể chất của trẻ, nhất là trẻ ở độ tuổi 11 đến 15 - thời kỳ phát triển nhanh nhất về tầm vóc và thể trọng. Tuy nhiên, việc dạy môn giáo dục thể chất vẫn còn hạn chế. Ở nhiều trường, môn Thể dục còn mang tính hình thức vì thiếu sân bãi: bậc Tiểu học chỉ có khoảng 30% trường có đủ sân bãi tập, THCS 40%, THPT 60%.

Học chay, tập chay ngoài vỉa hè

 

Với các em gái ở lứa tuổi dậy thì 11 đến 14 tuổi, có năm các em tăng đến 12-18 cm về chiều cao và cân nặng tăng từ 4 đến 6, 7 kg; các em trai vào tuổi 15 - 17 tăng nhanh đến 15 - 17 cm/năm và cân nặng cũng tương đương.

 

Nếu trong thời gian tăng nhanh về chiều cao như vậy, chế độ dinh dưỡng cho các em không đủ dễ dẫn đến đau nhức xương khớp và các em bị hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, thậm chí có những em lớn nhanh đến mức khiến các bậc cha mẹ phải lo lắng... Để thế hệ trẻ có sự phát triển đồng đều về thể chất, ngoài việc nâng cao chế độ dinh dưỡng, tạo điều kiện cho các em được sống trong môi trường trong lành, việc tập thể dục trong nhà trường và hoạt động ngoài nhà trường sẽ góp phần rất lớn trong nâng cao thể chất cũng như tư chất của các em.

 

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn thiếu sân chơi và sân tập cho môn thể dục, nhất là các quận nội thành, thầy và trò nhiều  trường thường xuyên phải mượn công viên, hè đường làm địa điểm học môn thể dục. Các bậc phụ huynh chứng kiến các em chạy, nhảy cao, nhảy xa thiếu các phương tiện bảo hộ... Theo đúng quy trình thì nhảy xa phải có hố cát, nhảy cao phải có bệ đỡ bằng mút xốp, nhưng vì học ở công viên, hè đường nên thầy trò đành… chấp nhận thiếu những dụng cụ này.

 

Từ thiếu đến coi thường

 

Điều kiện như vậy nên chất lượng không thể cao, nếu không nói là không đảm bảo tính khoa học. Bên cạnh đó, nhiều trường vẫn coi môn Thể dục là môn phụ nên việc dạy và học cũng có phần chểnh mảng. Đặc biệt có trường tiểu học còn thiếu giáo viên chuyên trách dạy môn thể dục, hầu hết các giáo viên phải dạy kiêm nhiệm.

 

Theo một số nghiên cứu khoa học, giáo dục thể chất còn góp phần không nhỏ trong tạo dựng cơ sở cho sự phát triển cơ thể toàn diện, hoàn thiện hình thái hình thể, tư thế, sức khoẻ và hình thành các kỹ năng vận động, góp phần rèn luyện, hình thành nhân cách cho các học sinh. Đó là lý do khiến các nhà quản lý và chuyên gia e ngại cho thế hệ tương lai.

 

Để học sinh tiểu học phát triển toàn diện, hình thức vận động không chỉ bằng các bài thể dục 8 động tác, tập đi, tập đứng, mà còn qua các trò chơi vận động hết sức sinh động, nhưng phải có sân, có dụng cụ dạy và học thì mới phát huy hiệu quả của môn học. Đối với học sinh THCS, THPT, các em phát triển tố chất nhanh mạnh hơn, qua các vận động tích cực hàng ngày, hàng tuần với các môn mang tính đại chúng và có hiệu quả giáo dục cao như chạy, nhảy cao, nhảy xa, bơi, đá cầu, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá... trong giờ nội khoá và ngoại khoá mỗi tuần ít nhất cần từ 4 đến 6 tiết học. Nhưng đa phần các trường hiện nay chỉ dạy 2 - 3 tiết mỗi tuần là không đủ so với lứa tuổi của các em, nên đã dẫn đến thể trạng của nhiều em... yếu. Bởi vậy, giáo dục thể chất trong nhà trường không những đóng góp một vị trí quan trọng trong việc giáo dục con người phát triển toàn diện, mà còn giúp cho các em học sinh có đầy đủ mọi điều kiện bước vào cuộc sống tự lập sau này.

 

Theo đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 có 55% tổng số trường phổ thông có câu lạc bộ thể dục thể thao, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao... và tỷ lệ này tăng lên 90% vào năm 2030.