“Hôm nay tôi tự hào về Trường, ngày mai Trường tự hào về tôi” đó là khẩu hiệu được treo trang trọng ngay ở cổng Trường THPT Chu Văn An. Khẩu hiệu đó đã được lớp lớp các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh Nhà trường vun đắp trong suốt hơn 40 năm qua. Tự hào được làm việc, học tập trong ngôi trường có bề dày truyền thống, tự bản thân mỗi người đều có ý thức, trách nhiệm phát huy trong hiện tại và tương lai….”: Đó là bộc bạch của cô giáo Nguyễn Thị Quốc Hòa, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An.
Thành tích của Trường THPT Chu Văn An Kết quả xếp loại học lực từ năm học 2010-2011:Tỷ lệ khá, giỏi chiếm 77%, trung bình 22,2%, yếu 0,8%; có 288 HS đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh (5 giải Nhất, 35 giải Nhì, 122 giải ba và 126 giải Khuyến khích) và 3 HS giỏi Quốc gia. Năm học 2011-2012, tỷ lệ HS khá, giỏi chiếm 79,2%, trung bình 20,2%, yếu giảm xuống còn 0,6%; có 315 HS đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh (7 giải Nhất, 41 giải Nhì, 142 giải Ba và 125 giải Khuyến khích) và 5 HS giỏi Quốc gia. 5 năm gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 100%. Kết quả thi đại học Năm học 2010-2011, tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳngchiếm 93,3%, xếp thứ 209 trong các trường THPT trong toàn quốc. Năm học 2011-2012, tỷ lệ HS đỗ đại học, cao đẳng tăng lên 96%, xếp thứ 164 trong các trường THPT toàn quốc.
|
Trường THPT Chu Văn An tiền thân là Trường Bổ túc văn hóa cấp III tại chức Gang thép, ra đời vào ngày 20/11/1972. Với nhiệm vụ tổ chức các lớp tại chức văn hóa, ngoại ngữ và bổ túc nâng bậc cho cán bộ, công nhân khu công nghiệp Gang thép. Trường đã góp phần nâng cao trình độ học vấn cho công nhân khu công nghiệp gang thép - đứa con đầu lòng của nền công nghiệp nặng Việt Nam - cái nôi của ngành luyện kim cả nước. Đến năm 1984, Trường đổi tên thành Trường PTTH Kỹ thuật công nghiệp Gang thép. Tuy đã hòa nhập với khối THPT của tỉnh, nhưng Trường vẫn trực thuộc Công ty Gang thép. Thời gian này, Trường có nhiệm vụ vừa dạy văn hóa, nghề nghiệp cho con em công nhân, vừa liên kết với các trường đại học, cao đẳng để tổ chức hệ Kỹ sư thực hành và các lớp trung cấp kỹ thuật, nghiệp vụ… cho hàng nghìn cán bộ Công ty Gang thép. Sau nhiều năm thực hiện mô hình “Trường trong lòng xí nghiệp”, năm 2000, Trường chuyển từ sự quản lý của Công ty Gang thép Thái Nguyên sang quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục & Đào tạo và vinh dự được mang tên người thầy giáo mẫu mực trong lịch sử dân tộc - Trường THPT Chu Văn An.
Làm thế nào để xứng danh với ngôi trường của thành phố thép gang, với tên tuổi của người thầy giáo mẫu mực của dân tộc, đó là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo Nhà trường. Trong những năm qua, Trường THPT Chu Văn An đã duy trì và thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống làm cho mỗi cán bộ, giáo viên thêm niềm tự hào khi được sống, làm việc, học tập trong ngôi trường này và tự thấy mình phải có ý thức vun đắp, xây dựng Nhà trường ngày một phát triển. Cô giáo Vũ Thị Dương Lan, tổ Văn, gắn bó với mái trường này 12 năm tâm sự: “Để học sinh yêu trường, tự hào và luôn nhớ tới Nhà trường thì mỗi thầy, cô giáo phải tận tâm, tận lực với nghề. Từ khi về mái trường này công tác, tôi đã được các thế hệ cán bộ, giáo viên đi trước truyền dạy nhiều bài học kinh nghiệm. Tôi cho rằng, mỗi tiết giảng, nếu các thầy cô chịu khó đầu tư, thoát ra khỏi phương pháp dạy truyền thống là đọc chép, bám sát trọng tâm kiến thức, tập trung chuyên sâu vào nội dung của tiết giảng, kích thích học sinh tự học, làm việc theo nhóm thì các em sẽ hào hứng và giờ dạy đạt hiệu quả như mong muốn. Ở ngôi trường này đội ngũ cán bộ, giáo viên rất tận tụy với học trò. Việc giáo dục truyền thống không chỉ được Nhà trường đưa vào các môn học như: Văn học, Lịch sử, Giáo dục công dân, mà hằng năm, Nhà trường đều tổ chức cuộc thi “Trí tuệ Chu Văn An”. Hình thức thi gần giống chương trình “Rung chuông vàng”. Thông qua cuộc thi này, các em phải trả lời những câu hỏi không chỉ liên quan đến tri thức mà còn về lịch sử dân tộc, tỉnh nhà, nhà trường.
Bên cạnh đó, mỗi năm học, Nhà trường đều chọn cử những giáo viên tiêu biểu, học sinh học giỏi về dâng hương tại đền thờ Nhà giáo Chu Văn An ở Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đó cũng là cái đích để các thầy, cô và học sinh cùng phấn đấu để được đến thắp nén nhang thành kính trước người thầy mà Nhà trường vinh dự được mang tên”. Đúng như khẳng định của cô giáo Vũ Thị Dương Lan, trò chuyện với chúng tôi, em Hoàng Anh Thư, học sinh lớp 11A1 tâm sự: “Khi tốt nghiệp THCS, em rất băn khoăn trong việc lựa chọn trường phổ thông để theo học. Được các anh, các chị lớn tuổi khuyên và phân tích nên em đi thi vào Trường THPT Chu Văn An. Khi vào học ở đây em mới thấy những điều em tận mắt chứng kiến còn hơn sự cả sự mong đợi của mình. Ngay buổi học đầu tiên của lớp 10, chúng em đã được giới thiệu về lịch sử ngôi trường. Nhờ vậy, chúng em hiểu rõ bề dày truyền thống mà các thế hệ thầy cô, các anh chị đi trước đã dày công vun đắp, để chúng em tiếp tục nỗ lực trong học tập, rèn luyện, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp ấy. Học tập ở ngôi trường này, chúng em được các thầy cô tâm huyết giảng dạy. Nhờ vậy, kết quả học tập của mỗi học sinh đều được đánh giá rất thực chất. Giờ đây, khi gặp lại các bạn cùng học THCS em rất tự hào khi kể về ngôi trường của em”.
Lên thăm Phòng Truyền thống và cũng là nơi đặt bức tượng thờ Nhà giáo Chu Văn An, chúng tôi thêm cảm nhận về không khí trang nghiêm và bề dày truyền thống, thành tích của Nhà trường. Được biết, ngoài những ngày thường, như một thông lệ truyền thống, vào đêm 30 Tết, Nhà trường mở cửa phòng và không chỉ đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh đang làm việc, học tập tại trường mà rất nhiều các thế hệ cán bộ, giáo viên học sinh cũ trở về thắp hương cho thầy, thăm lại trường cũ. Họ gặp nhau trong giờ phút thiêng liêng chuẩn bị chào đón năm mới để cùng nhau trò chuyện, ôn lại những kỷ niệm đã gắn bó với mái trường này. Và, các thế hệ cựu học sinh của Nhà trường đã lập nên 1 trang Web có tên miền CVA-TN.net để thông tin về Nhà trường, cũng như định hướng cho các em học sinh khóa sau. Rất nhiều học sinh của Trường đã được các anh chị khóa trước tư vấn cho cách học, cũng như những ứng xử, giao tiếp thường ngày để ngày một trưởng thành hơn…
Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Chu Văn An đã trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục Thái Nguyên, dẫn đầu về chất lượng giáo dục khối các trường THPT không chuyên của tỉnh và lọt vào Top 200 trường có điểm thi tốt nhất toàn quốc. Thành quả đó có được chính là nhờ truyền thống hun đúc và được lớp lớp thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh Nhà trường tạo dựng nên.