Tuần lễ nhằm thúc đẩy quyền được hưởng giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người.
Sáng 23/4, tại đền thờ Chu Văn An, xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương diễn ra lễ phát động Tuần lễ Toàn cầu hành động vì giáo dục 2013.
Tuần lễ giáo dục toàn cầu là sự kiện thường niên do Liên minh các Tổ chức phi chính phủ và các Hiệp hội giáo viên trên toàn thế giới triển khai tại 120 quốc gia.
Tại Việt Nam, Tuần lễ bắt đầu từ 21-28/4. Trong suốt tuần lễ, các trường học trên toàn quốc sẽ tổ chức các cuộc thảo luận giữa sinh viên, phụ huynh, giáo viên và lãnh đạo giáo dục địa phương về những cách thức cụ thể để hỗ trợ giáo viên giảng dạy tốt hơn.
Chủ đề toàn cầu của Tuần lễ năm nay là "Học sinh nào cũng cần có giáo viên” và “Giáo viên được đào tạo tốt cho mọi người học " đã được điều chỉnh thành "Học sinh nào cũng có quyền có giáo viên tốt" và "Đội ngũ giáo viên có năng lực và tâm huyết cho mọi người học" cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Cả hai thông điệp đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ nhà giáo nhằm đảm bảo cho mọi người học đều có cơ hội hưởng quyền được giáo dục có chất lượng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Học sinh sẽ chỉ được tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ và hiệu quả nếu nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo của những giáo viên thật sự có năng lực và tâm huyết. Bộ GD-ĐT đang nỗ lực cải thiện việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ”.
Trọng tâm của nền giáo dục Việt Nam đang chuyển từ đảm bảo quyền được tiếp cận giáo dục sang đảm bảo quyền được tiếp cận giáo dục có chất lượng tốt. Do đó, hệ thống giáo dục và chương trình đào tạo giáo viên cần được đổi mới để đảm bảo rằng tất cả những ai đang và sẽ là giáo viên đều được đào tạo và hỗ trợ. Chính vì vậy, công tác đào tạo, tuyển dụng, duy trì và nâng cao vị thể của đội ngũ giáo viên, cùng điều kiện làm việc của họ là những ưu tiên hàng đầu của Bộ GD-ĐT.
Nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo là yếu tố thiết yếu để đảm bảo rằng tất cả các giáo viên mới vào nghề và đang giảng dạy đều được đào tạo và nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Một trong những thách thức lớn nhất được xác định là đảm bảo được các giáo viên được đào tạo tốt, chuyên nghiệp và tâm huyết cho những vùng khó khăn nhất.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam cảnh báo rằng, các quốc gia chỉ còn chưa đầy 1.000 ngày để đạt được mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và các mục tiêu về Giáo dục cho mọi người.
Bà Pratibha Mehta nhấn mạnh “ Việt Nam cần có những biện pháp đặc biệt để thu hút, đào tạo và giữ chân giáo viên ở các xã nghèo, vùng sâu vùng xa để đảm bảo giáo dục có chất lượng đến với tất cả người học ở Việt Nam, đặc biệt những người học thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn”.