Trong học tập: Đừng ngẫu hứng

09:06, 28/04/2013

"Lập kế hoạch" là một khái niệm rất được coi trọng và phổ biến ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ - nơi tính thực tiễn được xem như một giá trị sống. Thực tế, nếu không có kế hoạch thì sẽ không thể gặt hái thành công trong học tập.

Kế hoạch học tập khoa học

 

Tuyết Hoa đang học năm thứ 3 ở Đại học Stanford (Mỹ) chia sẻ: "Để có một kế hoạch học tập khoa học, cần phân tích tình hình học tập của bản thân, biết năng lực học tập của mình tới đâu, từ đó đưa ra kế hoạch học tập hợp lý nhất. Khi biết rõ thực lực mới xác định mục tiêu học tập để đảm bảo vừa sức vì nếu quá cao thì khó thực hiện, dễ mất niềm tin vào bản thân, khiến mọi kế hoạch mãi mãi nằm trên giấy. Ngược lại, quá thấp thì không cần nỗ lực cũng đạt được, dễ nhàm chán, không tạo ra thách thức để vươn lên”. 

 

Với những người luôn biết lên kế hoạch cho cuộc sống của mình thì mọi việc sẽ luôn khoa học và trôi chảy từng giây từng phút. Xác định mục tiêu và lập kế hoạch là chúng ta đã tự chỉ dẫn cho mình một con đường đi đến thành công.


Theo Thu Hà - du học sinh tại Đại học California (Berkeley, Mỹ): Nếu từ nhỏ bạn lên kế hoạch trở thành một nhà kinh doanh giỏi, trước hết bạn phải đầu tư cho việc học hành; lựa chọn ngành học về kinh doanh; lựa chọn việc làm quen với môi trường kinh doanh, thậm chí bạn lựa chọn việc mạo hiểm là học kinh doanh một lĩnh vực nào đó mà cần ít vốn... Từ những kế hoạch đó bạn sẽ quyết định được những lựa chọn trong cuộc sống của bạn.

 

Nguy hiểm nhất là không có kế hoạch

 

Theo Nguyễn Hồng Lâm, Đại học California (Berkeley, Mỹ), nguyên nhân khiến sinh viên giảm hoặc mất động lực trong học tập có rất nhiều: Không tự tin vào bản thân, không tập trung, không biết hướng đi. Để khắc phục, Lâm cho rằng hãy viết tất cả những khả năng, thành tích đã đạt được ra một tờ giấy và dán nó trên bức tường trước mặt nơi bạn học. Ghi tất cả tin nhắn khen ngợi, động viên của người khác dành cho bạn vào một cuốn sổ. Việc nhắc lại thành tích hay nghe lại những lời khen tặng giúp bạn có thêm động lực vì biết mình đã làm và có thể làm được những gì chứ không phải để bạn tự mãn về thành tích đó.

 

Lâm chia sẻ, nguy hiểm nhất là khi bạn không có kế hoạch. Không có kế hoạch, bạn không biết tập trung vào việc gì, và bạn sẽ có khuynh hướng làm những việc mà bạn cảm thấy quan tâm vào thời điểm đó rồi thôi. Hơn nữa, từ việc không xác định kế hoạch rõ ràng sẽ tự tạo ra những mục tiêu nguy hại. Ví dụ như khi bạn bước vào một kỳ thi, bạn xác định chỉ cố gắng không thi rớt là được. Vì vậy không có gì bất ngờ khi bạn nhận được những kết quả chỉ ở mức trung bình, nếu không muốn nói là tệ hại. Như thế con đường đến với thành công là rất ít và khó khăn.

 

Bí quyết để thành công là mỗi người phải luôn có những kế hoạch cho những công việc và cuộc sống. Có kế hoạch sẽ thúc đẩy hành động đúng, tiếp thêm năng lượng và sức mạnh để đạt được mục tiêu, nếu không chúng ta sẽ lười biếng, vô vị không có mục đích, mục tiêu hoàn thành.

 

 

Bí quyết “lập trình” trong học tập

 

- Luôn đặt câu hỏi tại sao sẽ giúp người học đào sâu và nhớ lâu hơn, đồng thời còn rèn luyện độ nhạy bén và khả năng tư duy logic.

 

- Thói quen lập kế hoạch sẽ giúp người học không hoang mang vì lạc lối.

 

- Đặt ra mục tiêu từ dễ đến khó để tạo cảm giác hưng phấn, niềm tin khi đạt được mục tiêu, từ đó giúp bạn có thể vươn tới những mục tiêu khó hơn.

 

- Học tập cũng cần có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.