Qua khảo sát thực tế ở một số trường THPT, chúng tôi nhận thấy chất lượng giảng dạy của một số giáo viên chưa cao, độ tích hợp kiến thức truyền thụ của người thầy trong 1 tiết học không nhiều, sự liên hệ giữa lí thuyết và thực tế còn ít. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Trách nhiệm của Người thầy
Giáo viên là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, hầu hết các trường THPT trên toàn quốc đều có đội ngũ giáo viên phổ thông đảm bảo số lượng, trình độ chuyên môn được nâng cao, nhưng trên thực tế chúng ta vẫn thiếu giáo viên có chất lượng, thực sự nhiệt huyết và say mê nghề nghiệp. Số lượng giáo viên giảng dạy có chất thật sự không nhiều.
Tất nhiên dạy học không chỉ cần trí tuệ, sự nhiệt huyết của tấm lòng, tình cảm mà còn là năng khiếu nghề nghiệp, và không phải ai cũng có được năng khiếu đó. Có những giáo viên có kiến thức nhưng không có năng lực truyền thụ. Có những giáo viên rất tâm lý với học sinh nhưng tri thức thầy cô cần phải mang đến cho các em trong mỗi tiết học chưa đủ để thuyết phục lòng say mê học tập của các em. Đặc trưng của mỗi bộ môn đòi hỏi người giảng dạy phải có sự ứng biến linh hoạt với từng bài cụ thể. Điều đó cần phải có sự đầu tư thời gian, sự tìm tòi học hỏi đồng nghiệp hay tự học trên Internet. Tưởng rằng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được việc này bởi lẽ nhiều người vì sĩ diện cảm thấy ngại khi hỏi đồng nghiệp ít tuổi hơn hoặc ngang hàng với mình, nhiều người lại ngại khi đọc trên mạng... khiến cho kiến thức cùn dần, mòn dần cùng lòng yêu nghề cứ nhạt nhẽo, mai một dần theo năm tháng.
Mỗi một thầy cô giáo cần tự nâng cao nhận thức về nghề, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, cố gắng tự làm mới mỗi giờ dạy cả về hình thức lẫn nội dung để mỗi tiết lên lớp là một sự sáng tạo, là một “tác phẩm ” mới. Khi một người giáo viên có kiến thức chắc chắn, có khả năng truyền thụ mỗi giờ giảng sẽ hiệu quả hơn. Để tạo ra sự hấp dẫn trong mỗi tiết học, người thầy phải tìm cách đổi mới từ những cái nhỏ nhất mỗi khi lên lớp như cách đặt vấn đề cho bài giảng, hệ thống câu hỏi phát vấn, thảo luận, hình thức kiểm tra bài, đổi mới ngay cả cách ghi bảng, tên đề mục, cần tạo được sự chú ý của học trò ngay từ những nét phấn đầu tiên bắt đầu một bài giảng.
Cần dạy học sinh phương pháp học
Phương pháp giảng dạy của người giáo viên cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng giờ dạy. Không thể dạy cho các em tất cả những kiến thức mà người thầy có, nên cần dạy cho học sinh cách kiếm tìm kiến thức, giúp các em tự học, tự đọc. Trên hành trình kiếm tìm tri thức, các em có thể khám phá được nhiều hơn những điều cần học trong lãnh địa của sự sáng tạo. Người thầy cần trao truyền cho các em kỹ năng phân tích vấn đề, lựa chọn tiếp thu những kiến thức cơ bản và trọng tâm, nâng cao bản lĩnh trong tư duy phản biện vấn đề của học sinh. Có như thế, các em mới thực sự làm chủ trong hoạt động tiếp nhận, lĩnh hội tri thức. Năng lực, bản lĩnh, tâm huyết của người thầy đứng trên bục giảng có tính quyết định đến hiệu quả chất lượng của giờ học ngày hôm đó. Phần định hướng, gợi ý của người thầy quan trọng hơn bất cứ cuốn sách giáo khoa hay sách tham khảo nào. Chính bởi vậy, người thầy phải là người biết chắt lọc, tổng hợp tri thức để truyền thụ cho mỗi học trò. Mỗi vấn đề nói ra vừa phải rõ ràng sáng tỏ, vừa hàm súc gợi mở, điều đó mới thực sự gây được hứng thú đối với học sinh. Học sinh đã tin, đã hứng thú với bài giảng của thầy cô, các em sẽ không thờ ơ, nguội lạnh với môn học đó.
Bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên: Cần làm ngay!
Một người giáo viên có năng lực tốt nhưng không được bồi dưỡng, không tự trau dồi một cách thường xuyên thì sớm muộn cũng trở thành một giáo viên với kiến thức lạc hậu, đi sau thời đại. Vì vậy, hoạt động sinh hoạt chuyên môn rất cần được quan tâm. Để làm tốt công tác này, chúng ta cần đầu tư thích đáng, đặt hàng những nhà quản lý giáo dục, những nhà giáo có kinh nghiệm đến trao đổi, thảo luận, giải đáp, mang những thông tin mới thực sự ích dụng đến với thầy cô. Tổ chức cho giáo viên tham quan, dự giờ học tập các đơn vị tổ, trường có phong trào và chất lượng dạy học tốt ở trong và ngoài địa phương, đó cũng là những biện pháp kích thích nâng cao chuyên môn cho giáo viên.
***
Suy cho cùng, để có được chất lượng và sự đổi mới trong mỗi giờ lên lớp, đòi hỏi ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình và sự say mê tâm huyết của mỗi giáo viên. Nhân tố người thầy là yếu tố hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục trong thực tế hiện nay. Người giáo viên giỏi không phải là người truyền thụ cho học sinh tất cả những gì mình biết. Không ai có thể dạy cho các em được hết các kiến thức trong cuộc đời này mà cái chính là biết khơi dậy trong các em tình yêu đối với bộ môn, khơi dậy ngọn lửa của lòng đam mê đọc sách, khao khát tìm hiểu, để từ đó các em có thể tự tìm đọc và tự học.
Bằng tri thức trí tuệ, bằng lòng tận tụy và sự say mê sáng tạo, mỗi thầy cô có ý thức đổi mới trong giờ dạy, sẽ tạo ra cho giáo dục một diện mạo mới, và một lớp thế hệ tuổi trẻ, có tư duy sáng tạo, cách nghĩ cách cảm mới, và khi đó người giáo viên cũng mới làm trọn sứ mệnh của mình.
|