Dạy và học theo hướng chủ động

14:25, 08/05/2013

Ngồi dự tiết học ôn tập về Đại lượng của lớp 3B, Trường Tiểu học Tân Cương T.P Thái Nguyên đưa tôi đến hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lớp học không kê bàn ghế theo kiểu truyền thống mà phân chia thành 5 nhóm. Mỗi nhóm có 1 trưởng nhóm. Tiết học trở nên sinh động khi nhân vật trung tâm của quá trình dạy học (học sinh) chủ động làm việc thực thụ.

Thay vì ngồi để nghe và chép lại những điều giáo viên giảng, học sinh đã được tham gia thảo luận nhóm. Học sinh sử dụng các tài liệu và dụng cụ học tập từ các góc học tập trong lớp để phục vụ cho nhu cầu của mình. Nhờ cách làm việc theo nhóm đã phát huy được trí tuệ của tất cả các học sinh trong lớp. Qua tiết học giúp các em trải nghiệm, tự tìm tòi, khám phá, phát hiện kiến thức, từ đó khắc sâu tri thức đã được tiếp thu. Đặc biệt, áp dụng mô hình học tập này còn rèn luyện tốt cho các em kỹ năng diễn đạt, thông qua việc nói, làm việc theo nhóm và khả năng viết.


Em Nguyễn Thị Thu, Lớp trưởng cũng là Chủ tịch Hội đồng tự quản của lớp 3B nói với chúng tôi: “Năm nay, chúng em mới được học theo phương pháp mới này. Mỗi tiết học đều mang đến cho cả lớp sự hứng thú vì học như thế này tùy theo cấu trúc từng bài, chúng em được làm việc theo nhóm đôi, cá nhân hoặc cả nhóm lớn. Trước mỗi bài tập, các thành viên trong nhóm tích cực thảo luận đưa ra kết quả, sau đó tổng hợp, nhóm trưởng sẽ trình bày trước cả lớp, rồi cô đưa ra đáp án cuối cùng. Học như thế này các bạn không thể lười được vì suốt 1 tiết học phải tư duy liên tục. Mỗi tuần, chúng em lại thay nhóm trưởng một lần, vì thế các bạn đều mạnh dạn hơn rất nhiều”. Còn theo em Nguyễn Đức Phú, Lớp trưởng, Chủ tịch Hội đồng tự quản lớp 2A, Trường Tiểu học số 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ) thì: “Hội đồng tự quản của lớp em do chính các bạn học sinh tự bầu ra. Hội đồng tự quản của lớp có nhiệm vụ tự quản lý, tổ chức lớp học.”. Đây là lớp học được triển khai theo Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – Viet Nam Escuela Nueva) gọi tắt là VNEN do Tổ chức Hợp tác toàn cầu giáo dục triển khai. Đây cũng là mô hình trường học do các nhà khoa học, quản lý giáo dục hàng đầu tại Colombia nghiên cứu và áp dụng thành công tại đất nước này.

 

Trường Tiểu học Tân Cương và Tiểu học số 2 Hóa Thượng nằm trong 16 trường tiểu học của toàn tỉnh triển khai dự án VNEN từ năm học 2012-2013. Dự án triển khai trong vòng 3 năm. Năm đầu tiên triển khai áp dụng đối với khối lớp 2 và 3. Năm học tiếp theo mở rộng từ thêm khối lớp 4 và năm học 2014-2015 thêm khối lớp 5. Dự án VNEN khởi nguồn từ Côlômbia từ những năm 1995-2000. Đây là mô hình trường học do các nhà khoa học, quản lý giáo dục hàng đầu của Colombia nghiên cứu và đã áp dụng thành công ở nước sở tại. Được sự cho phép của Chính phủ, Bộ GD & ĐT đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác toàn cầu về giáo dục triển khai tại 24 trường tiểu học thuộc 6 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum, Đắc Lắc từ năm học 2011-2012. Năm học này mở rộng ra 1.447 trường thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước. Mục tiêu của dự án chủ yếu tác động vào thay đổi cách tổ chức lớp học, thay đổi quá trình sư phạm của giáo viên theo phương châm đổi mới con đường dạy học truyền thống (dạy học thông báo- chủ yếu truyền thụ một chiều) sang dạy học hiện đại (dạy học tương tác tích cực- chủ yếu thiết kế, tư vấn, thúc đẩy) nhằm phát huy tính tự giác, óc sáng tạo của mỗi HS với tư cách là chủ thể của quá trình dạy học.

 

Về phần sách giáo khoa được biên soạn giảm tải mà vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng. HS học theo lớp học thông thường (chương trình 2000) phải học theo 9 môn học bắt buộc (Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội (1, 2, 3) hoặc Khoa học lớp 4, 5; Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Lịch sử và Địa lý lớp 4, 5; Thủ công 1, 2, 3 hoặc Kỷ thuật lớp 4, 5. Ngoài ra, còn phải học các môn Tự chọn (Ngoại ngữ, Tin học) và tham gia các hoạt động tập thể (02 tiết/tuần) và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (4 tiết/tháng). Khi học theo các lớp dự án, HS chỉ còn phải học 4 môn bắt buộc (Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ (chỉ học từ lớp 3); Tự nhiên xã hội các lớp 1, 2, 3) hoặc Lịch sử- Địa lý lớp 4, 5. Các môn học khác ở chương trình hiện hành được chuyển sang Hoạt động giáo dục (HĐGD) lối sống, Thể chất, Nghệ thuật- Thẩm mỹ. Vớ sự thay đổi cơ cấu các môn học, hoạt động giáo dục theo hướng trên, học sinh không mất cơ hội phát triển toàn diện; mặt khác việc tham gia các hoạt động học tập, giáo dục tại trường trở nên nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn. Dự án góp phần “giảm tải” cho học sinh từ sự thay đổi về cơ cấu các môn học.

 

Thông qua thực hiện Dự án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rút ra những bài học thực tiễn về đổi mới việc tổ chức các hoạt động dạy và học trên toàn quốc nhằm chuẩn bị cho đổi mới căn bản, toàn diện cả về chương trình, nội dung, phương pháp và đánh giá cho chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015, đồng thời để đạt được mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng bền vững.

 

Theo cô giáo Ngô Thị Tâm, chủ nhiệm lớp 3B, Trường Tiểu học Tân Cương: “Điểm nổi trội của mô hình trường học mới là sách giáo khoa được viết khác với sách hiện hành ở chỗ không chỉ nhằm cung cấp thông tin, kiến thức mà chú trọng việc hướng dẫn học sinh phương pháp học tập, tư duy, phát triển tính chủ động, sáng tạo, tự tin, năng lực học tập, năng lực giải quyết vấn đề, hợp tác nhóm, khả năng giao tiếp, thực hành…Sách viết nhẹ nhàng mà vẫn đảm bảo về chuẩn kiến thức, kỹ năng. Đơn cử như 1 bài học môn Toán của sách lớp 3 đang hiện hành, tiết 1 giáo viên phải cung cấp kiến thức mới, tiết 2 cho học sinh luyện tập thì sách của dự án VNEN, tiết 1 học sinh tự khám phá kiến thức, tư duy tìm kiến thức mới, giáo viên chỉ là người theo dõi, giúp đỡ khi cần thiết. Tiết 2, học sinh thực hành và tự rút ra kiến thức của bài học”. Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Mão, Chủ nhiệm lớp 3A, Trường Tiểu học số 2 Hóa Thượng: “Để dạy theo mô hình của Dự án đòi hỏi người giáo viên rất vất vả trong việc thiết kế bài dạy, tổ chức dạy học phù hợp với nhận thức và nhu cầu của HS ở từng khối lớp. Người giáo viên phải đặc biệt chú trọng phát huy tính sáng tạo trong dạy học, vận dụng các hình thức dạy học linh hoạt trong các tiết học, áp dụng các mô hình mới như: dạy học theo góc, theo dự án để kích thích học sinh tích cực học tập thông qua các hoạt động và tăng cường sự tham gia, nâng cao hứng thú ở học sinh . Ngoài ra, để các em HS phát huy được tính sáng tạo, giáo viên chủ nhiệm luôn đề cao vai trò của thủ lĩnh lớp học trong việc tổ chức các hoạt động học tập, tạo cơ hội để nhiều học sinh  trong lớp được thể hiện vai trò của mình”.

 

Khi thực hiện dự án này thì cán bộ quản lý các nhà trường cũng rất băn khoăn, bởi các giáo viên đã quen nếp với phương pháp giảng dạy truyền thống là đọc, chép. Cô giáo Vũ Thị Quế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Cương chia sẻ: Phương pháp cũ là dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức của giáo viên đối với học sinh, nên nhiều môn học học sinh thụ động trong quá trình học tập. Khi trường triển khai dự án này, nhiều cô giáo và cả chúng tôi cũng rất băn khoăn ở chỗ nếu dạy theo phương pháp mới thì các em tiếp thu như thế nào, tổ chức lớp học theo mô hình nhóm liệu có đảm bảo chuẩn kiến thức của mỗi bài giảng. Song với quyết tâm cao, Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên khối 2, 3 năm nay bắt đầu dạy theo dự án tổ chức tập huấn về phương pháp mới cho giáo viên toàn trường. Kết quả triển khai dự án được gần 1 năm học, qua kiểm tra giữa kỳ II của khối 2,3 năm nay chúng tôi thấy rất tốt. Tỷ lệ HS giỏi môn Toán và Tiếng việt cao hơn giữa kỳ II năm học trước. Cụ thể môn Toán và Tiếng việt tỷ lệ giỏi của đều chiếm tới 53,1% (năm học trước môn Toán là 49,7%, Tiếng việt giỏi 39,9%). Còn theo cô Trần Thị Thu Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Hóa Thượng thì: Tuy mới đưa vào dạy trong năm học này ở một số trường tiểu học song nó đã dần khắc phục được những hạn chế, bất cập trong các hoạt động sư phạm hiện nay ở các trường học, nhất là việc dạy theo phương pháp cũ khiến HS thụ động trong quá trình học tập. Song để triển khai rộng rãi thì thời gian tới, ngành Giáo dục cần tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo, các lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên nhất là về phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS làm chủ quá trình học tập.

Mặc dù mới chỉ là triển khai thí điểm trong năm học này ở một số ít trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, song thông qua việc đổi mới cách tổ chức các hoạt động giáo dục và dạy học đã giúp học sinh - nhân vật trung tâm của lớp học tự tin hơn trong học tập, giáo viên và HS cùng tương tác với nhau nhiều hơn, không khí học tập trong lớp tự nhiên, nhẹ nhàng và thân thiện. Đặc biệt là kết quả học tập, chất lượng giáo dục được cải thiện theo hướng thực chất hơn.

 

 

 

Bài học thiết kế theo mô hình VNEN gồm 3 hoạt động, đó là:

1/ Hoạt động cơ bản: Giúp học sinh trải nghiệm, tìm tòi, khám phá, phát hiện kiến thức, thông qua hoạt động. Học sinh hoạt động theo nhóm, cặp, cá nhân hoặc hướng dẫn của giáo viên nếu cần thiết.

2/ Hoạt động thực hành: Giúp học sinh áp dụng trực tiếp kiến thức đã học, củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng.

3/ Hoạt động ứng dụng: Giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống thực (với sự giúp đỡ của cha mẹ, người lớn).