Góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

09:46, 17/05/2013

Là một tập thể tiêu biểu, dẫn đầu các trường khối nông lâm ngư nghiệp khu vực trung du, miền núi phía Bắc về đào tạo, hợp tác quốc tế và xây dựng cơ sở vật chất, sau gần 43 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) luôn mạnh dạn đi đầu, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ hội nhập và phát triển.  

Trường Đại học Nông Lâm được thành lập năm 1970 theo Quyết định số 98/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau gần 43 năm xây dựng và phát triển, qua nhiều lần đổi tên để phù hợp với nhiệm vụ và yêu cầu của thực tiễn, đến năm 1994, thực hiện Nghị định 31/CP của Chính phủ về việc thành lập Đại học Thái Nguyên, Trường trở thành đơn vị thành viên với tên gọi là Trường Đại học Nông Lâm.

 

Trường có chức năng, nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp có trình độ đại học và sau đại học; nghiên cứu khoa học và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp - phát triển nông thôn, phát triển kinh tế xã hội bền vững khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Trong những năm đầu mới thành lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như: Đội ngũ cán bộ, giảng viên thiếu cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy còn nghèo nàn; quy mô đào tạo nhỏ lẻ; công tác nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin còn nhiều hạn chế…, nhưng nhờ phát huy được sự đồng thuận, nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, giảng viên, CNV Nhà trường, đặc biệt là sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và Đại học Thái Nguyên, đến nay, Nhà trường đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, giảng viên, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao, đảm nhận đào tạo 28 chuyên ngành đại học; 7 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; 6 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ thuộc các lĩnh vực: trồng trọt; chăn nuôi; kinh tế nông nghiệp; quản lí đất đai; khoa học môi trường; lâm nghiệp.

 

Trải qua gần 43 năm xây dựng và trưởng thành, với việc chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, Nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục - đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp giỏi về chuyên môn. Từ chỗ quy mô đào tạo chỉ có 150 sinh viên/năm (1970), đến nay, quy mô đào tạo của Trường đã là hơn 13.000 sinh viên và học viên/năm. Đội ngũ cán bộ do Nhà trường đào tạo chiếm trên 80% số cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Tính đến năm 2012, Nhà trường đã đào tạo được hơn 27.000 kỹ sư; trên 1.000 thạc sĩ; 30 tiến sĩ và nhiều cán bộ có trình độ cao đẳng, trung cấp và kỹ thuật viên chuyên ngành nông, lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường, trong đó có nhiều người là con em các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và khu vực miền núi.

 

Đặc biệt, Nhà trường luôn đi đầu và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Những thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ của Nhà trường đã gắn bó chặt chẽ với đào tạo, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, góp phần từng bước làm thay đổi bộ mặt các vùng nông thôn miền núi, tạo nên động lực mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên cũng có những bước chuyển biến đột phá về chất lượng, hiện Nhà trường đã có 5 giáo sư; 30 phó giáo sư; 101 tiến sĩ; 180 thạc sĩ được đào tạo trong và ngoài nước, tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học đạt 85%, là trường có tỷ lệ giảng viên đạt trình độ sau đại học cao nhất ở khu vực trung du, miền núi Bắc bộ.

 

Nhà trường tăng cường hợp tác đào tạo với các trường đại học trong và ngoài nước.

 

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển vượt bậc của nền sản xuất nông nghiệp và đổi mới nông thôn Việt Nam nói chung, khu vực trung du miền núi phía Bắc nói riêng, nhiều tập thể và cá nhân của Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh ghi nhận, tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Cờ thi đua, Bằng khen các loại, trong đó tiêu biểu là Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1995; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2005; 1 cán bộ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 1 Nhà giáo nhân dân; 10 Nhà giáo ưu tú. Đặc biệt, với những thành tích xuất sắc tiêu biểu đã đạt được qua 43 năm xây dựng và phát triển, ngày 7-1- 2013, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 26/QĐ CTN phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới cho tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên Nhà trường.

 

Nhiều năm qua, Đảng bộ và các tổ chức, đoàn thể của Nhà trường luôn được công nhận là trong sạch, vững mạnh toàn diện. Hàng năm, Đảng bộ kết nạp được từ 140 đến 150 đảng viên mới, trong đó 85% là sinh viên. Liên tục 10 năm qua, được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.