Theo ông Nguyễn Đức Hãnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh: Nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào từ nhiều đời nay đã có mối tình keo sơn như ruột thịt, son sắt tình nghĩa anh em. Với riêng tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Luông Pha Băng lại có mối quan hệ truyền thống đặc biệt, giữa 2 tỉnh đã có một số ký kết hợp tác trong phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục. Còn ông Phùng Đình Thiệu, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Thái Nguyên cho biết: Ngay trên mảnh đất Thủ đô gió ngàn Thái Nguyên, nhiều con em nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào đã sang học tập, rèn luyện, mang kiến thức, kinh nghiệm quý báu học được từ Việt Nam về xây dựng Tổ quốc.
Tổ quốc - 2 từ ấy hết sức thiêng liêng đối với bất cứ người con xa xứ nào. Nọi su my (Luông Pha Băng), sinh viên (SV) Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên cho biết: Em cùng các bạn của mình sang Việt Nam học tập, với suy nghĩ phấn đấu học tập thật tốt để sau này có kiến thức trở về xây dựng Tổ quốc mình. Trong thời gian học tập ở Thái Nguyên, chúng em được các thầy, cô giáo và Nhà trường quan tâm, tạo nhiều thuận lợi để chúng em học tập tốt.
Nọi su my sang Việt Nam ngày 15/9/2011. Em được các bạn Lào sang du học tại Thái Nguyên bầu chọn làm Phó Ban Liên lạc lưu HSSV Lào. Năm đầu vào học, em cũng như các bạn đồng khoá được học tiếng Việt. Bỡ ngỡ qua mau, bởi bên các em có các bạn sinh viên Việt Nam học cùng trường, luôn sẵn lòng giúp đỡ việc luyện tập môn tiếng Việt. Phó Hiệu trưởng Nhà trường, thầy Phạm Chí Cường cho biết: Để các em thuận lợi trong cuộc sống, học tập, Nhà trường bố trí cho các em ăn, ở, sinh hoạt và học tập trong cùng nhà ký túc xá. 4 em ở chung 1 phòng khép kín, có điều hoà nhiệt độ… Nọi su my cho biết thêm: Hiện em đang theo học năm đầu chuyên ngành Tài chính Ngân hàng. Sau khi học xong hệ cao đẳng, em phấn đấu học tiếp lên hệ đại học để sau này có nhiều điều kiện cống hiến tốt hơn cho Tổ quốc mình.
Đang những ngày tháng Năm, nắng như đổ lửa, các bạn HSSV Lào bận rộn với việc ôn tập, trả bài thi cho môn học. Nhưng từ một góc nhỏ của ký túc xá hay bên hành lang giảng đường, các em có thể nhìn thấy những cành phượng hồng ra rả tiếng ve gọi hè. Thấp thoáng đâu đó trong khuôn viên sân trường, bông Dok Champa (hoa đại) nở trắng. Dok Champa là Quốc hoa của nước Lào. Mỗi mùa hoa nở, là một năm học nữa khép lại, đồng thời mở ra một tương lai mới cho mỗi học trò. Như ở Trường Văn hoá I, Bộ Công an, em Sổm Vẳng vừa kết thúc năm học lớp 11. Sau 3 tháng hè sẽ lên lớp 12. Còn Su Khạ Vạ Đi, học sinh lớp 12C2 cùng 20 bạn học cùng lớp sau khi qua kỳ thi tốt nghiệp, các em sẽ học tiếp lên hệ đại học, cao đẳng như nguyện vọng. Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Văn Hoá I, Bộ Công an, bà Lý Thị Hảo cho biết: Trường hiện đang có 90 học sinh Lào theo học. Các em theo học từ lớp 10 đến hết lớp 12 rồi có thể học tiếp lên các bậc học cao hơn. Chương trình PTTH là 3 năm, nhưng các em phải theo học 4 năm, trong đó có 1 năm học tiếng Việt và 3 năm học văn hoá. Nhìn chung, các em đều chăm chỉ học tập, rèn luyện và có kết quả học tập khá tốt.
Theo ông Nguyễn Năng Đắc, Chánh Văn phòng Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên: Hiện trên địa bàn của tỉnh có hơn 275 lưu HSSV Lào, trong đó Trường Văn hoá I, Bộ Công an có 90 học sinh; Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên có 56 SV. Các trường thuộc Đại học Thái Nguyên: Sư phạm có 63 SV; Kỹ thuật Công nghiệp có 45 SV; Nông lâm có 10 SV và Trường Đại học Y Dược có 11 SV. Để các em yên tâm tư tưởng, học tập tốt, Hội phối hợp cùng các trường có lưu HSSV Lào theo học, tổ chức cho các em tham gia các hoạt động ngoại khoá, như thăm quan, tìm hiểu về những nét đẹp văn hoá của người Việt Nam và các dân tộc trên thế giới. Vào ngày Lễ, Tết của Việt Nam, các em được mời tham gia cùng cán bộ, giảng viên và sinh viên cùng trường. Đặc biệt dịp Bun Pi May - ngày Tết truyền thống của nước Lào vào trung tuần tháng Tư, các em được Hội và nhà trường tổ chức đón Tết, làm lễ té nước, buộc chỉ cổ tay và tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục - thể thao. Nhờ đó, các em cảm nhận được tình cảm ấm áp từ ngay cuộc sống hằng ngày, từ ngay những người bạn Việt Nam đang cùng học tập dưới một mái trường. Còn Tiến sĩ Từ Quang Tân, Phó Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Sư phạm cho biết: Từ năm 2008, Nhà trường đã có SV Lào theo học. Và hiện Nhà trường đang có 63 SV Lào đang theo học ở nhiều hệ khác nhau, trong đó có 29 SV được hưởng học bổng Chính phủ Việt Nam cấp; 16 học viên cao học được hưởng học bổng do Nhà trường cấp, 18 SV khác được Nhà trường miễn giảm học phí. Trong thời gian học tập ở đây, các em được Nhà trường quan tâm, dành cho những điều kiện thuận lợi nhất Nhà trường có thể. Vì thế nhiều SV khi ra trường đều nhớ về nơi mình được đào tạo. Với riêng Kai Phone (Viêng Chăn), SV ngành Giáo dục Mầm non cho biết: Tháng 6 này em tốt nghiệp đại học. Trở về nước, em là 1 trong 10 giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành giáo dục Mầm non. Vì thế em thấy mình phải phấn đấu, rèn luyện nhiều hơn nữa để phục vụ tốt cho nhân dân Lào.
Qua trò chuyện chúng tôi được biết thêm: Kai Phone sang học tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên theo chương trình liên thông từ cao đẳng lên đại học. Kai Phone sang học từ năm 2011. Trước đó, em đã có thời gian học tập tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (Khánh Hoà). Vì thế Kai Phone sử dụng thành thạo tiếng Việt, hiểu nhiều về quê hương, đất nước Việt Nam và Kai Phone có nhiều bạn thân là người Việt Nam.