Nhiều năm nay, hàng trăm trường đào tạo giáo viên từ địa phương đến trung ương không ngừng mở rộng, phát triển quy mô, số lượng và hình thức đào tạo (chính quy, tại chức, từ xa). Chính vì thế, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm ra trường ngày càng đông.
Hiện nay, cả nước dư thừa khoảng 30 nghìn giáo viên bậc THCS và THPT. Thành phố Hồ Chí Minh từng là địa phương có nhu cầu lớn về tuyển giáo viên vào các trường công lập, nhưng cũng không bố trí được việc làm cho 1.400 cử nhân ngành sư phạm. Các tỉnh như Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... cũng trong tình trạng dôi thừa khá lớn giáo viên. Ðào tạo ra tốn kém mà không được sử dụng đúng mục đích, gây lãng phí. Gặp, trò chuyện và cảm thông với nhiều em sinh viên ngành sư phạm học hành bài bản, song nhiều năm nay vẫn không tìm được chỗ dạy. Các em hầu hết là con em lao động vùng thôn quê nghèo khó. Các em năm nào cũng nộp hồ sơ xin việc lên phòng, sở giáo dục, với hy vọng được xét tuyển, nhưng lần nào cũng hết chỉ tiêu. Cơ hội dạy học của các em càng thu hẹp, khi mỗi năm số lượng sinh viên ra trường càng đông. Bây giờ, xin được chỗ dạy, nơi gần nhà, có điều kiện không hề dễ dàng. Có em phải tốn kém lo lót mới được nhận vào dạy học hợp đồng.
Nhiều trường phổ thông hiện nay, số giáo viên dạy không đủ tiết chuẩn khá nhiều, phải điều động làm những việc không đúng chuyên môn. Theo quy định, mỗi tuần giáo viên THCS và THPT phải giảng dạy và kiêm nhiệm 17 tiết đến 19 tiết. Nhưng thực tế, hầu hết giáo viên ở các trường đồng bằng, thành phố không đạt chuẩn này, thậm chí có trường, có giáo viên chỉ dạy 5 đến 7 tiết/tuần mà thôi. Trong khi tỉnh nào cũng có trường trung cấp sư phạm (đào tạo giáo viên cấp tiểu học), trường cao đẳng sư phạm (đào tạo giáo viên bậc THCS) và ở mỗi khu vực còn có trường đại học sư phạm, với nhiều hình thức đào tạo khác nhau. Chỉ tiêu tuyển sinh năm sau của các trường sư phạm thường cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh năm trước. Việc đào tạo của các trường gần như không có mối liên hệ gì đến nhu cầu thực tế đang cần ở cơ sở giáo dục.
Nghề dạy học, một nghề mà bấy lâu nay được xã hội chúng ta tôn vinh là "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý", thiết nghĩ, ngành giáo dục và chính quyền các địa phương cần sớm khắc phục tình trạng dư thừa giáo viên bằng các giải pháp đồng bộ: Có thể cho một số giáo viên sức khỏe yếu, năng lực yếu về hưu trước tuổi, thay vào đó là lớp sinh viên trẻ mới ra trường. Giãn sĩ số lớp từ 45 em/lớp xuống còn 30 đến 35 em/lớp vì ít học sinh, chất lượng tốt hơn. Biện pháp khác là giảm số tiết chuẩn của giáo viên, sẽ góp phần giải quyết được lượng dư thừa, đồng thời giáo viên có thời gian đầu tư cho chất lượng dạy nhiều hơn. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường sư phạm nên bám sát nhu cầu thực tế theo từng giai đoạn ở các cơ sở giáo dục, không nên đào tạo kiểu dàn trải.