Đến năm 2015, có thể áp dụng thử nghiệm sử dụng sách giáo khoa giảng dạy lịch sử mới các trưởng trường phổ thông. Sau đó, ngành Giáo dục có thể trưng cầu ý kiến của các địa phương, trường học, thầy cô giáo về bộ sách giáo khoa lịch sử mới khi được áp dụng thử nghiệm để tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn cho phù hợp với thực tế.
Sau khi tập hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, đến năm 2018, các trường phổ thông trong cả nước có thể sẽ áp dụng giảng dạy, học tập theo chương trình sách giáo khoa lịch sử mới. Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo về sách giáo khoa lịch sử ở trường phổ thông diễn ra sáng 10/5 tại Hà Nội.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, việc ban hành bộ sách giáo khoa lịch sử mới được thực hiện theo đề án “Đổi mới cơ bản và toàn diện nền Giáo dục Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT đề ra.
Trước khi ban hành bộ sách giáo khoa lịch sử mới, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đang tập hợp những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo viên dạy sử đổi với hệ thống cấu trúc sách giáo khoa. Theo đó, việc nghiên cứu sẽ dựa theo sự phân bổ môn lịch sử theo các cấp học của hệ thống giáo dục phổ thông (Tiểu học, THCS, THPT). Cấu trúc phân chia sách giáo khoa phải cân đối giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giáo.
Nội dung sách giáo khoa phải xuất phát từ yêu cầu bồi dưỡng năng lực, giáo dục phẩm chất con người theo từng lứa tuổi, phải bảo đảm tính khoa học, khách quan, độ tin cậy cao.
Đặc biệt, sách giáo khoa mới sẽ phải thể hiện như một công cụ đầy đủ của học sinh. Trong đó, có phần giới thiệu hệ thống chung, sau đó mới đến nội dung cơ bản, có chọn lọc, kèm theo là hướng dẫn học tập, trau dồi kỹ năng, tư duy cho học sinh, phần đọc thêm. Để thu hút học sinh hứng thú với môn Lịch sử, sách giáo khoa phải có thêm bản đồ, bản vẽ, hình ảnh minh họa phong phú, hấp dẫn, dễ học, dễ nhớ./.