Quốc tế hóa giáo dục: Không chỉ ở nhập khẩu giáo trình

08:15, 03/05/2013

Kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học của nhiều nước chỉ ra rằng quốc tế hóa là việc cần phải làm với mọi trường ĐH có mong muốn đào tạo chất lượng cao và là phương thức để sinh viên có được kỹ năng toàn cầu hóa – một kỹ năng bắt buộc với nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền kinh tế tri thức, định hướng dịch vụ và mang tính toàn cầu hiện nay và những năm tiếp theo. Tìm câu trả lời cho những vấn đề đó, nhiều trường ĐH đã thực hiện nhập giáo trình từ nước ngoài về giảng dạy cho sinh viên. Tuy nhiên, việc không ít trường “quảng cáo” chương trình học của mình 100% theo “chuẩn” nước ngoài đã khiến nhiều sinh viên lầm tưởng là cứ đóng một số tiền lớn để theo học chương trình “nước ngoài” sẽ có đầu ra “quốc tế”.

Giáo trình dùng cho ai?

 

Đó là câu hỏi được PGS Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội nêu ra khi đề cập đến vấn đề “nhập khẩu” giáo trình. Ông Sơn cho rằng trước khi nói giáo trình, cần nói về chương trình, nếu tuyên bố nhập khẩu chương trình, giáo trình và nói là đạt chuẩn nước ngoài, đó là quan niệm sai lầm hoặc là cố tình nói như vậy.

 

Nội dung chương trình, cũng như giáo trình được các trường chia sẻ nhiều trên trang mạng internet, do đó không nhất thiết phải “nhập khẩu”. Nội dung chương trình chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện quyết định là giáo viên có dạy được theo chương trình đó không, họ có hiểu được triết lý của việc xây dựng chương trình…

 

Ở Việt Nam, đào tạo kỹ sư như chế tạo máy, ngành điện trước hết phải đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam chứ không phải cho nền công nghiệp đã hiện đại hóa rồi. Hơn nữa, ở những nước phát triển, họ đầu tư vào sinh viên khác và sinh viên có kỹ năng, thái độ làm việc khác… Chúng ta nghiên cứu chương trình của họ để tìm ra câu trả lời vì sao họ làm như vậy, từ đó xây dựng chương trình cho mình bởi mỗi chương trình đều có triết lý riêng, bám vào chuẩn đầu ra, định hướng mục tiêu đào tạo dựa vào thực tế đất nước. Quá trình xây dựng chương trình là quan trọng nhất bởi khi tham gia xây dựng, giảng viên sẽ biết tại sao lại xây dựng như vậy, nội dung nào nên hay không nên đưa vào bởi họ sẽ là những người dạy về sau, PGS Hoàng Minh Sơn cho biết.

 

“Ngay cả chương trình tiên tiến khi về Việt Nam cũng phải điều chỉnh, chương trình đó đảm bảo được 80% theo chương trình của mình đã là rất tốt rồi. Giống như một bộ luật, không thể bê nguyên của nước này vào nước khác”, PGS Hoàng Minh Sơn nhận xét.

 

Chung quan điểm, PGS. TS Dương Văn Sao, Hiệu trưởng ĐH Công đoàn cho rằng phương pháp, nội dung, chương trình giảng dạy phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đất nước. Áp cách đào tạo của nước ngoài từ phương pháp đến nội dung sẽ không phù hợp với đối tượng sinh viên Việt Nam. Sinh viên nước ngoài một lớp chỉ có 15-20 người, còn Việt Nam thì đông hơn nhiều. Hơn nữa, cách học ngay từ  hồi THPT cũng khác nhau rất nhiều, ý thức tự học của sinh viên nước ngoài rất lớn, ở Việt Nam, nếu không có biện pháp quản lý chặt chất lượng sẽ đi xuống.

 

Trường ĐH Công đoàn không nhập khẩu giáo trình nhưng có rất nhiều tài liệu tham khảo cho giáo viên và sinh viên, PGS. TS Dương Văn Sao cho biết thêm.

 

Nhập khẩu giáo trình phải như “tôm lột xác”

 

PGS. TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông chia sẻ quan điểm tán thành với việc nhập giáo trình từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc nhập về phải gia công lại cho phù hợp với con người và hoàn cảnh của trường. Ở Việt Nam hiếm có việc sinh viên lên thư viện tự học, tự tìm hiểu tài liệu hơn 10 giờ một ngày, hơn nữa hệ thống thư viện của trường cũng chưa đáp ứng được điều đó.

 

Với quan điểm đó, từ năm 2007, Trường ĐH Phương Đông đã nhập và sử dụng những giáo trình tiên tiến, chủ yếu dùng cho những sinh viên năm thứ 3 trở đi. Đó là giáo trình một số chương trình đặc biệt như kế toán, quản trị. Tuy nhiên những giáo trình đó bên cạnh việc thể hiện phần nhập, vẫn có phần kiến thức phù hợp với trường chứ không sao chép toàn bộ. PGS. TS Bùi Thiện Dụ nhận xét: Lấy giáo trình nguyên là rất khó nhưng có thể tham khảo cách đặt vấn đề của họ sao cho thích nghi với điều kiện, tài chính của trường và thực tế, sức khỏe của sinh viên. Nói hình ảnh phải giống như con tôm lột xác.

 

Là trường sử dụng nhiều giáo trình nhập khẩu, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng cho biết: Trong giai đoạn phát triển ban đầu, trường không chủ trương tự biên soạn giáo trình để kịp đảm bảo 100% môn học đều phải có giáo trình ngay từ học kỳ đầu tiên. Hơn nữa, tự biên soạn một giáo trình tốt là khá tốn kém, không thể bằng sử dụng các giáo trình mà các trường đại học nổi tiếng đang dùng; với định hướng quốc tế, giáo trình phải bằng tiếng Anh để sinh viên và giảng viên nước ngoài có thể sử dụng được, việc thuê chuyên gia Việt Nam soạn giáo trình bằng tiếng Anh là không khả thi.

 

Ngoại trừ các môn chính trị - quốc phòng, tất cả các môn học còn lại tại Trường ĐH FPT đều dùng giáo trình nước ngoài với khoảng 200 đầu sách. Tuy nhiên, với mỗi môn học ứng với một giáo trình cụ thể, trường sẽ soạn thêm tài liệu hướng dẫn kế hoạch triển khai giảng dạy cụ thể phù hợp với thời lượng giảng dạy dành cho môn học đó, bổ sung quy định kiểm tra, thi cử.

 

Qua những bước thẩm định và nhập sách được xem xét một cách chi tiết, ông Lê Trường Tùng cho rằng việc có được giáo trình tốt giúp giảng viên rất nhiều trong quá trình giảng dạy. Cái khó trong công việc của người giảng viên không chỉ là nắm bắt, truyền đạt nội dung giáo trình, mà là cung cấp được tri thức, kỹ năng môn học theo hướng cá biệt hóa tới từng sinh viên cụ thể. Bên cạnh đó, văn hóa đọc và kỹ năng đọc của sinh viên Việt Nam không cao, đây là một trong các trở ngại chính để sử dụng giáo trình hiệu quả.

 

Quốc tế hóa trong giáo dục đại học bao gồm 3 nội dung chính: Trao đổi giáo trình, trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên chứ không phải chỉ giới hạn ở khâu nhập giáo trình và mời giảng viên nước ngoài, ông Lê Trường Tùng nhận xét.