Tìm hướng cho SGK Lịch sử mới

14:09, 20/05/2013

Muốn thay đổi chất lượng dạy học môn Lịch sử ở phổ thông hiện nay, cần phải có một biện pháp đồng bộ mang tính cách mạng, trong đó có sách giáo khoa (SGK). Phải có một bộ SGK Lịch sử tốt cả về nội dung và cách thể hiện để đáp ứng kỳ vọng đổi mới giáo dục hiện nay, cho dù SGK chỉ là một khâu của quá trình dạy học. Nhiều chuyên gia đã đưa ra những góp ý tâm huyết cho vấn đề này.

Giảm kênh chữ, tăng kênh hình

 

“Trong SGK Lịch sử, phần tranh ảnh và tư liệu đọc thêm còn nghèo nàn, hình thức trang trí chỉ có 2 màu đen và trắng. SGK môn Địa lý có những 8 màu nên học sinh không thể phân biệt được những hình ảnh tư liệu chụp trong khoảng thời gian nào, khó phân biệt giữa xưa và nay” - Giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, cô Nguyễn Thị Minh Hải nói.

 

Tâm đắc với nhận xét trên, PGS.TS Ngô Minh Oanh – Viện trưởng Viện NCGD, nguyên trưởng khoa Lịch sử Trường ĐHSP TP HCM, phân tích: Đối với bộ môn Lịch sử, cần phải có những cuốn SGK đẹp, hấp dẫn về nội dung và hình thức, chú trọng phát triển năng lực học sinh trên cơ sở nguồn tư liệu và các nguồn thông tin phong phú khác như truyện kể, tư liệu, kênh hình, internet..., thuyết phục người đọc bằng các nguồn thông tin đa dạng. SGK Lịch sử có thể không lưu ý nhiêu đến số trang, không sợ dày, in nhiều màu, đẹp, chú trọng ưu tiên về chất lượng sách. 

 

GS.TS Đỗ Thanh Bình (Khoa Lịch sử, ĐHSP Hà Nội) bổ sung, hướng viết SGK Lịch sử mới cần chú ý nguồn gốc tư liệu (tư liệu gốc, tư liệu tham khảo), tăng hệ thống kênh hình. Ở mỗi chương, mỗi bài nên có phần tóm lược nội dung, thống kê các sự kiện cơ bản, hướng dẫn học tập, phát triển các kỹ năng lịch sử như phân tích, so sánh sự kiện, đọc và hiểu các biểu bảng, bản đồ lịch sử, có hệ thống câu hỏi để phát triển tư duy độc lập và tư duy phản biện của học sinh. Câu hỏi và bài tập Lịch sử được thiết kế từ mức độ dễ đến khó.

 

Quan tâm đến cách trình bày rõ ràng, sinh động của SGK, GS.TS Nguyễn Thị Côi (Trường ĐHSP Hà Nội) kiến nghị: Việc trình bày nội dung các sự kiện lịch sử ở “bài viết” phải gắn liền với “kênh” hình để giảm bớt lượng chữ viết và làm cho SGK hấp dẫn. Đặc biệt, SGK phải hạn chế việc thông báo sự kiện, nhân vật một cách khô khan, đưa quá nhiều năm tháng mà nên tăng thêm phần miêu tả, tường thuật chân xác. Mức độ cụ thể của từng sự kiện, hiện tượng cũng phải tùy thuộc vào đối tượng học sinh. GS. Côi lưu ý, kênh hình đưa vào SGK Lịch sử cần phải lựa chọn kỹ, đảm bảo tính tư tưởng, khoa học, chính xác, phù hợp với nội dung lịch sử, có tính trực quan, vừa sức học sinh. Đặc biệt, phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ tranh ảnh lịch sử.

 

Bên cạnh kênh chữ nên trình bày ngắn gọn, súc tích, khoa học, với phần kênh hình, TS Nguyễn Văn Ninh (Khoa Lịch sử - ĐHSP Hà Nội) lưu ý nên lựa chọn những kênh hình phong phú, điển hình và quan trọng nhất đó phải là một đơn vị kiến thức bổ sung cho phần bài viết, không mang tính minh họa. Đặc biệt, sau phần kênh hình và tư liệu phải có một hệ thống câu hỏi hay bài tập để định hướng quá trình tổ chức dạy học của giáo viên và hoạt động tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức của học sinh.

 

Chương trình tốt là tiền đề cho một bộ SGK tốt

 

PGS.TS Hà Minh Hồng – Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG HCM: Nội dung cơ bản trong SGK Lịch sử bậc phổ thông phải là những câu chuyện lịch sử. Đó là những câu chuyện về cội nguồn, tổ tiên, giống nòi, họ mạc; về đất nước, giang sơn, biển đảo, quê hương, xứ sở; về những thành tựu lịch sử văn hóa trong xây dựng, kiến thiết đất nước; về các chiến tích chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc; về những nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, những con người làm nên lịch sử qua các thời kỳ; về những điều hay, lẽ phải, những tấm gương soi chung trong lịch sử; về những thần kỳ như là huyền thoại đáng tự hào... Để có hiệu quả và mong muốn có hiệu quả tốt trong việc dạy và học sử cần có hệ thống đồng bộ hơn trong giáo dục lịch sử giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Một bộ phận trong hệ thống ấy có những kênh thông tin riêng và rất phong phú nếu biết khai thác và có cơ chế khai thác tốt. Nhưng kênh thông tin nào cũng phải lấy chương trình giáo dục quốc dân làm chuẩn, trong đó SGK trở thành điểm gặp gỡ giữa các  nhà giáo dục và xã hội, gia đình.

 

Có một chương trình tốt, phù hợp là tiền đề của một bộ SGK tốt, vì viết SGK phải dựa vào chương trình – GS.TS Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh. Ở tiểu học, chương trình Lịch sử phải chú ý xu hướng tích hợp hiện nay, trước hết là tích hợp với Địa lý và Giáo dục công dân. Mạnh dạn bỏ hẳn chương trình thông sử hiện hành trong tiểu học mà thiết kế một chương trình Lịch sử dưới dạng các câu chuyện lịch sử, thậm chí dưới dạng các truyền thuyết dân gian, làm quen với các nhân vật lịch sử, những tấm gương yêu nước, những nhà văn hóa tiêu biểu của Việt Nam... Chương trình sẽ giúp học sinh nhận biết và giải thích được những biểu tượng của lịch sử dân tộc, của địa phương, như Quốc huy, Quốc kì...; kết hợp với môn Địa lý (tích hợp) để các em hiểu biết vị trí của nước Việt Nam, biên giới, biển đảo (qua bản đồ)...

 

Đối với cấp THCS và THPT, thiết kế chương trình theo thông sử (cả Việt Nam và thế giới), kết hợp giữa đường thẳng và đồng tâm: Đường thẳng ở hai đầu chương trình, đồng tâm ở chỗ giao nhau giữa hai cấp học. Với THCS, chuẩn kiến thức quốc gia môn Lịch sử phải đưa ra được những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới cùng với những yêu cao hơn cấp tiểu học về nhận thức và tư duy lịch sử. Với cấp THPT, yêu cầu có kỹ năng phân tích sự kiện, tư duy độc lập, tư duy phản biện, xâu chuỗi các sự kiện lịch sử có liên quan đưa ra chính kiến của mình...

 

TS Nguyễn Xuân Trường (Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT) góp ý: Xây dựng chương trình Lịch sử sau năm 2015 cần phải theo định hướng năng lực. Nội dung lịch sử trong dạy học ở trường phổ thông khi xây dựng chương trình, SGK sau năm 2015 cần toàn diện hơn, đảm bảo sự cân đối giữa nội dung kiến thức về chiến tranh với các nội dung về kinh tế, văn hóa. Nhiều nội dung kiến thức cần phải bổ sung trong chương trình mới lần này như quan hệ quốc tế, tôn giáo, Việt Nam học, chủ quyền biển đảo... Trong nội dung kiến thức cũng cần phải chú ý và đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa kiến thức lịch sử “Đàng Trong” và kiến thức lịch sử “Đàng Ngoài”, giữa nội dung kiến thức lịch sử thế giới với lịch sử dân tộc...

 

Còn theo TS Lê Vinh Quốc – nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP TPHCM, muốn đảm đương được đầy đủ chức năng của nó, chương trình học phải được xây dựng theo các nguyên lý của khoa học về phát triển chương trình học. Có 3 cách tiếp cận chính dẫn đến 3 kiểu chương trình học khác nhau: Tiếp cận nội dung, tiếp cận mục tiêu, tiếp cận phát triển. Mỗi kiểu đều có ưu, nhược điểm riêng, nhưng nếu xác định đúng cả 4 yếu tố là mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá thì kiểu nào cũng phát huy được tác dụng của nó.

 

TS Hoàng Thanh Tú – Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN): SGK là tài liệu học tập cơ bản của học sinh. Vì vậy, cấu trúc nội dung cũng như hình thức của SGK mới cần được biên soạn theo hướng dạy học khám phá, sáng tạo, phát huy khả năng tự học tích cực của học sinh. Cấu trúc một bài học trong SGK hướng đến các phần chính như sau:

 - Tiêu đề bài học: Nên đặt các tiêu đề cuốn hút hơn.

 - Mở đầu: Giới thiệu khái quát nội dung toàn bài hoặc có thể bắt đầu bằng một câu hỏi định hướng/câu hỏi nêu vấn đề.

 - Nội dung chính: Các đề mục nhỏ trong bài thống nhất theo một cách (câu hỏi hoặc mệnh đề ngắn gọn). Bài viết thể hiện nội dung bài học song cần trình bày theo lối dẫn dắt đưa người học vào bối cảnh lịch sử và chủ đề của bài học. Hệ thống tranh ảnh, lược đồ, bản đồ, biểu đồ... minh họa có tiêu đề ngắn gọn và nhiệm vụ học tập kèm theo nhằm hướng dẫn học sinh tự học. Hoặc các hình ảnh trực quan được sử dụng thay thế cho một phần chữ viết tạo cơ hội cho học sinh thể hiện khả năng quan sát, phát hiện và trình bày ý kiến cá nhân.

 - Tư liệu tham khảo đặc biệt là tư liệu gốc được trích dẫn và các câu hỏi/bài tập tương ứng nhằm hướng dẫn học sinh đọc và đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá, nhận xét.

 - Hướng dẫn tự học: Câu hỏi/bài tập cuối bài giúp học sinh tập trung ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản của bài học, đồng thời có thể nêu những vấn đề mở rộng, nâng cao dành cho học sinh khá, giỏi tìm hiểu thêm. Một số từ khóa được giới thiệu định hướng cho học sinh tự tổng kết nội dung chính của bài.