Lâu nay, khái niệm phi vật thể thường được dùng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhưng thực ra, giáo dục - trong đó có giáo dục lịch sử - cũng chính là một trong những lĩnh vực sáng tạo ra những giá trị phi vật thể.
Hãy vì những giá trị vô giá của môn Lịch sử
Lâu nay, khái niệm phi vật thể thường được dùng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhưng thực ra, giáo dục - trong đó có giáo dục lịch sử - cũng chính là một trong những lĩnh vực sáng tạo ra những giá trị phi vật thể.
Tư tưởng, đạo đức, tình yêu, lòng căm thù là những giá trị phi vật thể. Đó là những khái niệm, những phẩm chất không định giá được. Và cũng chính vì thế, nhiều khi nó không có tên trong danh mục đầu tư, hoặc mức độ đầu tư. Hiện nay, kinh phí đầu tư và các chi phí phục vụ cho đào tạo một sinh viên các ngành khoa học tự nhiên thường lớn hơn nhiều lần so với chi phí đào tạo của một sinh viên Lịch sử. Bởi một điều đơn giản, khoa học tự nhiên thì cần thí nghiệm, cần vật liệu, cần hóa chất...
Ai cũng biết, một sinh viên có thể đọc cả đống tài liệu, giáo trình về chiến tranh, về cách mạng, về truyền thống dân tộc không thể thay thế cho một lần được đến với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến với Ngã ba Đồng Lộc, với Thành cổ Quảng Trị, với Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn… nơi họ đã không thể cầm được nước mắt vì tình yêu thương, vì lòng căm thù, vì sự khâm phục với những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh. Đó là những giá trị vô giá trong đào tạo mà nhiều khi chưa được quan tâm đúng mức.
Trong đào tạo Lịch sử hiện nay vẫn tồn tại một nghịch lý: Một nhà nghiên cứu, một giáo sư nước ngoài có thể đến hầu hết các di tích lịch sử nổi tiếng của Việt Nam, nhưng một giáo sư sử học Việt Nam thì chưa chắc đã có thể làm được như vậy. Vì trong kinh phí đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Lịch sử không có khoản nào cho hoạt động đó. Rất nhiều giáo viên khoa Lịch sử của các trường sư phạm hàng đầu đã chưa được đến Đường Trường Sơn, Củ Chi, Côn Đảo… và rất nhiều di tích khác ở trong nước chứ chưa nói đến các di tích lịch sử nước ngoài, mặc dù hàng ngày họ vẫn phải nói về nó, nghiên cứu về nó. Đối với đội ngũ giáo viên và học sinh phổ thông cũng vậy, cần phải có cơ chế, chính sách, kinh phí cụ thể cho những hoạt động này. Phải coi đó như một mục tiêu, một nội dung thuộc chương trình đào tạo và dạy học ở cả phổ thông và đại học.
Giá trị của dạy học Lịch sử là những giá trị tinh thần, giá trị của ý thức truyền thống, của niềm tin, của tính nhân văn cao cả. Nó không đo đếm được, nó là phi vật thể, nhưng đó là một phần quan trọng trong cấu trúc nhân cách của con người. Không quan tâm tới điều này, chúng ta sẽ phải trả giá - một cái giá vô giá và có lẽ cũng không dễ gì trả được.
Thiết nghĩ cần thiết phải có một quan điểm mới, nhận thức mới và những chính sách mới, cụ thể, mang tính cách mạng cho lĩnh vực quan trọng này.
Nên thành lập Hội những người dạy học Lịch sử
Dạy học Lịch sử không đơn thuần chỉ là một môn học. Dạy học Lịch sử còn là một lĩnh vực liên quan đến những vấn đề nóng của xã hội - vấn đề giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng và cao hơn cả là giáo dục niềm tin, niềm tự hào vào sức sống mãnh liệt và trường tồn của dân tộc Việt Nam. Đó là những giá trị sống, những hành trang cực kỳ quan trọng không chỉ của tuổi trẻ hôm nay, mà còn muôn đời các thế hệ mai sau. Lĩnh nhận nhiệm vụ quan trọng này là đội ngũ hàng vạn những người thầy dạy Sử trên khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh hệ thống quản lý chính thống của Nhà nước, thì việc tập hợp đội ngũ ấy lại trong một tổ chức xã hội - nghề nghiệp là rất cần thiết.
Chúng ta đã có Hội Giáo dục lịch sử. Nhưng tổ chức này chủ yếu là tập hợp những nhà nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử, và lâu nay (kể từ khi giáo sư Chủ tịch hội - là người sáng lập và cũng là linh hồn của hội - qua đời) Hội Giáo dục lịch sử cũng ít hoạt động. Nên chăng, phát triển Hội Giáo dục lịch sử thành Hội Dạy học Lịch sử, để tập hợp đông đảo tất cả những thành viên trong đại gia đình những người thầy dạy sử thành một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, kèm theo đó là một tạp chí chuyên ngành dành riêng cho dạy học Lịch sử trên toàn quốc. Đây sẽ là diễn đàn để những người dạy Sử - đặc biệt là đội ngũ giáo viên phổ thông - có điều kiện thuận lợi trong trao đổi học thuật và những vấn đề chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm và những sáng tạo trong dạy học. Hội cũng tạo cơ hội để mối quan hệ giữa hoạt động đào tạo ở đại học và dạy học lịch sử ở phổ thông gắn bó mật thiết hơn, góp phần khắc phục một khiếm khuyết đã tồn tại lâu nay. Mặt khác, khi cần thiết, Hội có thể có những đề xuất và kiến nghị với Nhà nước và tổ chức các cấp, quan tâm tới đội ngũ giáo viên dạy Sử, liên quan đến chế độ chính sách và các vấn đề nghề nghiệp khác, với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để những người dạy Sử hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình.
Dạy học Lịch sử hiện nay, cần thiết phải có những đổi mới mang tính cách mạng, trong đó, vấn đề đội ngũ giáo viên phải được coi là trung tâm của cuộc cách mạng đó. Bởi không giải quyết được vấn đề giáo viên, không tổ chức tốt hoạt động đào tạo giáo viên, không nâng người giáo viên dạy Lịch sử lên một tầm mới, thì mọi đổi mới chỉ là tiềm năng, là khát vọng, mà chẳng bao giờ khát vọng đó có thể trở thành hiện thực.