Những người bản ngữ của các nền văn hóa khác nhau thường có cách giao tiếp và lý giải khác nhau trước một hành vi ngôn ngữ. Sự khác nhau này có nguyên nhân về thế giới quan giá trị cũng như về phong tục, tập quán. Chính vì vậy, khái niệm giao tiếp xuyên văn hoá (GTXVH) thường được hiểu là giao tiếp giữa người sử dụng ngôn ngữ với tư cách ngôn ngữ quốc gia với người cũng sử dụng ngôn ngữ ấy nhưng không phải là người bản ngữ.
Tiếp cận xuyên văn hóa
Với cách nhìn như trên, xét từ góc độ dạy - học ngoại ngữ thì GTXVH là một quá trình xung đột giữa hai hệ thống: một bên là hệ thống tri thức dân tộc đã được định hình, ổn định với một bên là hệ thống tri thức đang hình thành qua khả năng nắm bắt ngôn ngữ thứ hai (tức ngoại ngữ).
Vì vậy, trong dạy - học ngoại ngữ, người dạy và người học cần hiểu biết rõ nền văn hóa của nước học tiếng, bởi lẽ văn hóa là cách tư duy dân tộc, lối sống, phong tục tập quán, cách ứng xử của cộng đồng, là tập hợp các mô hình của hành vi, các chuẩn mực khế ước của cộng đồng người bản ngữ.
Ngôn ngữ là một bộ phận (thành tố) của văn hóa, vì vậy người học ngoại ngữ cần ý thức, trong GTXVH ngữ cảnh sử dụng đơn vị ngôn ngữ không chỉ là ngữ cảnh ngôn ngữ mà còn là ngữ cảnh ngoài ngôn ngữ.
Tiếp cận xuyên văn hóa nhằm đạt đến sự hiểu biết lẫn nhau, điều này vô cùng quan trọng vì chỉ khi nào xảy ra sự hiểu biết lẫn nhau thì thông điệp phát ra mới được hiểu đúng để có sự đáp lại tương ứng. Nắm vững nền văn hóa của nước học tiếng giúp chúng ta đạt tới sự hiểu biết lẫn nhau trong giao tiếp.
Học qua cầu nối văn hóa
Với quan điểm lấy năng lực giao tiếp của người học làm trung tâm thì từ vựng được coi là một trong ba thành tố làm thành công cụ hay phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ. Như vậy, thông qua việc dạy - học từ vựng, giáo viên cũng như sinh viên phát triển được ngôn ngữ và sử dụng được linh hoạt hơn trong quá trình giao tiếp. Có lượng từ vựng phong phú thì việc hiểu được nền văn hóa nước học tiếng cũng dễ dàng hơn – sự hiểu biết lẫn nhau dẫn tới một cách nhìn, một hướng đi, một giải pháp đúng đắn hơn.
Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, có một đội ngũ giáo viên, sinh viên đạt chuẩn, đòi hỏi chúng ta phải luôn không ngừng nỗ lực nâng cao và đổi mới phương pháp dạy - học. Đặc biệt, trong công tác giảng dạy ngoại ngữ, những người biên soạn giáo trình cũng như người trực tiếp giảng dạy phải luôn chú ý đến hai yếu tố: nội dung ngôn ngữ và nội dung văn hóa.
Việc học ngoại ngữ không chỉ đơn thuần là sự truyền thụ kiến thức từ thầy sang trò, mà quá trình dạy - học là quá trình khám phá để cả thầy và trò đều hướng tới nắm được ngôn ngữ để sử dụng phù hợp với các mục đích riêng của mình. Trong đó, phương pháp Giao tiếp (Communicative Approach) được xem như phương pháp dạy học ngoại ngữ phổ biến nhất và hiệu quả nhất hiện nay. Mục tiêu cuối cùng của dạy học ngoại ngữ là phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngôn ngữ, năng lực giao tiếp. Để giao tiếp được, phương pháp này đòi hỏi phải tính đến phương diện xã hội, văn hóa của ngôn ngữ, các điều kiện xã hội của quá trình sản sinh ngôn ngữ và tính đến ngôn ngữ được dùng trong cuộc sống hàng ngày.
Như vậy, theo phương pháp Giao tiếp, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện diễn đạt tư duy mà còn là phương tiện giao tiếp. Mục đích cuối cùng của người học từ vựng không chỉ biết được cách đọc, cách viết và nghĩa của từ mà cần phải đạt được năng lực (khả năng) giao tiếp; tức là phát triển được tất cả 4 kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) và sử dụng được từ vựng đó để giao tiếp. Hơn nữa, để giao tiếp hiệu quả, người học cần phải sử dụng các từ vựng thích hợp với tình huống giao tiếp, trong đó yêu cầu người tham gia giao tiếp phải thể hiện được ý định giao tiếp thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.
Có thể thấy rằng, phương pháp dạy - học từ vựng nhìn từ góc độ xuyên văn hóa sẽ giúp chúng ta hiểu hết được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ từ đơn giản – dễ hiểu – thực tế đến trừu tượng – truyền thống.